Tỷ lệ stress của học sinh trường THPT chuyên Lương Thế Vinh

Một phần của tài liệu STRESS của học SINH THPT (Trang 63 - 64)

Tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress theo thang đo DASS 42 (>=15 điểm) là 43,3%, điểm trung bình là 17,2 điểm. Trong đó, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress mức độ vừa là 29,1%, mức độ nặng 12,0% và có 2,1% học sinh bị stress ở mức độ rất nặng. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng Phương tại trường THPT chuyên Quảng Bình năm 2009 (21,6%) [16], thấp hơn kết quả của Phùng Đức Nhật trên học sinh THPT Nam Hà năm 2012 (44,8%) [13], thấp hơn kết quả của Đồng Thị Yến ở các trường THPT tỉnh Hải Dương năm 2013 (96,2%) [27]. Tác giả Lê Minh Thuận (2011) mô tả cắt ngang trên 400 sinh viên đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh bằng thang đo DASS-42 cho kết quả, có khoảng 7% sinh viên bị stress nặng và 5% sinh viên bị stress rất nặng. Tỉ lệ stress ở mức độ nhẹ và vừa là 21% và 44% [18]. Tác giả Schraml K. (2011) thực hiện đánh giá mối liên quan giữa vai trò của điều kiện xã hội, chất lượng cuộc sống và sự tôn trọng bản thân lên triệu chứng stress của trên thanh thiếu niên ở Thụy Điển theo thang đo SMBM. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 100 người tham gia (32,9%) vượt quá điểm số cắt (>=4) trong SMBM, cho thấy rằng khoảng 1/3 số học sinh trung học có dấu hiệu stress cao. Nhóm này bao gồm 68 (45,9%) nữ giới và 32 (20,5%) nam giới. Hơn nữa, nghiên cứu cũng thấy rằng thấy rằng điểm số của 25 người tham gia (8,2%) đạt hoặc vượt quá số điểm cắt của 5 trong SMBM [48].

So với các nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng học sinh trên thì kết quả tỷ lệ 61,5% trong nghiên cứu của chúng tôi là một con số cao. Điều này có thể được lý giải do chúng tôi tiến hành nghiên cứu vào thời điểm học sinh đang chuẩn bị thi giữa kì và cuối kì của năm học. Mặt khác, nghiên cứu được tiến hành trên học sinh trường chuyên Lương Thế Vinh là một trường trọng điểm nhất của tỉnh Đồng Nai, đây là đối tượng phải luôn đối mặt với nhiều lo âu, nhiều áp lực trong việc học và trong mỗi quyết định của bản thân mình trong suốt lứa tuổi học sinh.

Stress tích cực giúp con người cân bằng được đáp ứng của cơ thể với môi trường, giúp con người năng động linh hoạt hơn với môi trường sống, tăng thêm vốn kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp con người ngày một hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn. Nhưng mặt khác, stress tiêu cực lại là mầm mống, cội nguồn của những căn bệnh tâm sinh lý ở con người. Stress làm phá vỡ sự cân bằng trong cơ thể, dẫn đến những biến loạn trong tâm lý từ đó có thể dẫn đến rối loạn các chức năng sinh lý, sinh hóa của cơ thể dẫn đến những rối loạn kéo dài (bệnh dạ dày, tim mạch, tiểu đường...). Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và chất lượng sống của con người.

Một phần của tài liệu STRESS của học SINH THPT (Trang 63 - 64)