Phân tích đa biến được điều chỉnh theo các yếu tố có ảnh hưởng đến tiên lượng là tuổi (≤ 45 tuổi, > 45 tuổi), giới (nam, nữ), giai đoạn bệnh (III, IVAB) và TTTU, kết quả được liệt kê trong Bảng 3.22. TTTU (≤ 60 cm3, > 60 cm3) là yếu tố tiên lượng độc lập cho ST không bệnh (HR = 5,170, 95% CI 1,564 - 19,433, P = 0,007) và ST không tái phát tại chỗ-tại vùng (HR = 8,909, 95% CI 1,282 - 115,427, P = 0,026). TTTU (≤ 89,6 cm3, > 89,6 cm3) là yếu tố tiên lượng độc lập cho ST không di căn xa (HR = 8,223, 95% CI 1,296 - 90,281, P = 0,026). Qua phân tích đa biến cho thấy ST không bệnh của bệnh nhân với TTTU ≤ 60 cm3 cao gấp 5 lần so với TTTU > 60 cm3, ST không tái phát tại chỗ-tại vùng của bệnh nhân với TTTU ≤ 60 cm3 cao gấp 8 lần so với TTTU > 60 cm3
và ST không di căn xa của bệnh nhân với TTTU ≤ 89,6 cm3 cao gấp 8 lần so với TTTU > 89,6 cm3. Các yếu tố giai đoạn bệnh, tuổi, giới không phải là yếu tố tiên lượng độc lập, trong đó giai đoạn bệnh có xu hướng ảnh hưởng thứ 2 sau TTTU. Với ST toàn bộ, TTTU không phải là yếu tố tiên lượng độc lập mặc dù có xu hướng ảnh hưởng lớn nhất (HR = 3,183, p=0,095) trong các yếu tố phân tích đa biến.
Liang và cộng sự115 đã chỉ ra TTTU (≤ 28 cm3, > 28 cm3) là yếu tố tiên lượng độc lập cho ST không bệnh (HR = 4,523, 95% CI 2,482 – 8,241, P < 0,001), ST toàn bộ (HR = 3,231, 95% CI 1,776 – 5,878, P < 0,001), ST không di căn xa (HR = 3,749, 95% CI 1,877 – 7,489, P < 0,001) và ST không tái phát tại chỗ-tại vùng (HR = 3,810, 95% CI 1,679 – 8,645, P = 0,001). Tích hợp tổng thể tích u với giai đoạn bệnh có giá trị tiên lượng cao hơn giai đoạn bệnh đơn thuần khi phân tích đường cong ROC. Kết quả phân tích đa biến trong nghiên
cứu của Liang cũng chỉ ra TTTU là yếu tố tiên lượng độc lập và có ảnh hưởng lớn nhất lên tất cả kết quả sống thêm.
Mặc dù có tương quan chặt chẽ với giai đoạn bệnh, tổng thể tích u có mức độ dao động lớn ngay trong cùng một giai đoạn (xem Bảng 3.10, Biểu đồ 3.3). Phân tích đa biến cho thấy tổng thể tích u là yếu tố tiên lượng độc lập cho 3 kết quả sống thêm dù cỡ mẫu của nghiên cứu chỉ 57 BN, trong khi đó giai đoạn bệnh không là yếu tố tiên lượng độc lập. Qua đó cho thấy, nếu 2 bệnh nhân cùng một giai đoạn bệnh giống nhau, nếu có thể tích u khác nhau có thể sẽ có tiên lượng khác nhau. Trong hệ thống giai đoạn TNM theo AJCC 2010 và 2017 của UTVMH, giai đoạn T vẫn được phân loại trên cơ sở xâm lấn các cấu trúc giải phẫu tại vùng và xâm lấn thần kinh.46,56 Đây vẫn là hạn chế lớn của xếp loại giai đoạn TNM bệnh UTVMH trong kỷ nguyên xạ trị điều biến liều để cá thể hóa sâu hơn nữa cho các dưới nhóm TNM.132 Tóm lại, cùng với nồng độ EBV-DNA huyết thanh, thể tích u nguyên phát và hạch di căn là công cụ định lượng đầy hứa hẹn để kết hợp với giai đoạn TNM cho UTVMH nhằm cá thể hóa chiến lược điều trị trong kỷ nguyên XTĐBL, đặc biệt cho các dưới nhóm có mức độ tiên lượng tương đối không đồng nhất.
4.3. Độc tính của phác đồ