xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh:
Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định, Đảng ta là đảng cầm quyền. Trong bản Di Chúc, Người khẳng định một lần nữa: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
2.2.1.1. Đảng lãnh đạo nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội:
Với tư cách là đảng cầm quyền, vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền được Hồ Chí Minh coi là một nguyên tắc để bảo đảm nhà nước là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Những quan điểm chủ yếu sau đây của Hồ Chí Minh thể hiện nguyên tắc đó:
- Mục tiêu sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cho nhà nước giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân:
Trong xây dựng nhà nước, Hồ Chí Minh coi tính chất giai cấp của nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1959 ghi rõ: Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhân dân lao động là lực lượng làm chủ Nhà nước do giai cấp công nhân, mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Trong quá trình lãnh đạo Nhà nước, Đảng cần phải chú ý bảo đảm cho bộ máy chính quyền cũng như cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh:
Hồ Chí Minh chú trọng việc đảng cầm quyền phải xây dựng chính quyền phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Người nhấn mạnh những yêu cầu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10-1945, Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Hồ Chí Minh đặc biệt nhắc nhỡ các cấp chính quyền khắc phục những căn bệnh, nhất là quan liêu, lãng phí, tham ô và những tiêu cực khác mà Người gọi đó là giặc “nội xâm”.
Chuyển từ giai đoạn hoạt động bí mật sang giai đoạn hoạt động công khai, rồi hoạt động với tư cách là đảng cầm quyền, cách thức lãnh đạo của đảng cũng có sự thay đổi. Trong giai đoạn đảng cầm quyền, Đảng đã cử nhiều đảng viên sang hoạt động trong các cơ quan nhà nước, trong đó nhiều người giữ những trọng trách quan trọng. Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ, đảng viên cậy thế mình là người của tổ chức đảng để phớt lờ cả kỷ luật trong các cơ quan nhà nước. Người cho rằng, đảng viên không những phải chấp hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng mà còn phải phục tùng Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
- Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng phương thức thích hợp:
Theo Hồ Chí Minh, yêu cầu đầu tiên trong sự lãnh đạo đối với đảng cầm quyền là phải đề ra được đường lối, chủ trương đúng đắn. Đường lối đó phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Khi đề cập đến vấn đề nhà nước thì điều mà Người quan tâm là quyền lực đó thuộc về ai. Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải là bộ máy thể hiện quyền lực của nhân dân lao động. Nhà nước phát huy dân chủ để động viên nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước bằng đội ngũ đảng viên ở các tổ chức đó. Về mặt chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước có khác nhau. Do đó, cần phải phân biệt vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Nhưng một đặc điểm của nước ta từ năm 1945 cho đến năm 1975 là hệ thống chính trị chủ yếu dồn sức cho kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong điều kiện ấy, vai trò quản lý toàn diện của Nhà nước chưa được thể hiện rõ nét. Vì vậy, có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh chưa có một sự phân định thực sự rành mạch về phạm vi quyền hạn giữa Đảng và Nhà nước.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì với tư cách là tổ chức chính trị cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra đường lối,
chủ trương và vận dụng, thuyết phục các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia các phong trào cách mạng biến chủ trương, đường lối thành hiện thực.
2.2.1.2. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện Đảng cầm quyền:
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, quyền lực của Đảng không tự nhiên mà có. Quyền lực ấy là của nhân dân; nhân dân ủy thác cho Đảng đứng ra lãnh đạo cách mạng. Cơ sở xã hội đối với quyền lực của Đảng không chỉ là từ giai cấp công nhân mà còn là từ toàn thể nhân dân lao động. Khi cầm quyền, các tổ chức đóng vai trò lãnh đạo một cách toàn diện; cán bộ, đảng viên thường giữ chức vụ trong đảng hoặc trong các tổ chức khác của hệ thống chính trị. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chớ xa nhân dân, chớ “vác mặt quan cách mạng” để làm hại dân.
Điều đáng lưu ý là trong quan hệ với nhân dân, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải chú ý các vấn đề:
Thứ nhất, Đảng phải luôn luôn lắng nghe ý kiến nhân dân, khiêm tốn học hỏi nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng chế độ mới. Một đảng cầm quyền chân chính đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động thì mặc nhiên, đảng đó phải thường xuyên lấy nguồn gốc sức mạnh từ chính nhân dân.
Thứ hai, Đảng phải vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Đây là yêu cầu có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh lưu ý nhân dân tham gia xây dựng Đảng dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm đóng góp ý kiến cho Đảng, nhất là trong việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; tích cực thực hiện đường lối, chủ trương đó trong cuộc sống; kiểm tra cán bộ, đảng viên; giới thiệu những người ưu tú để Đảng kết nạp vào hàng ngũ của mình…
Thứ ba, Đảng phải tìm cách nâng cao dân trí cho nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, dốt là một thứ giặc nguy hiểm cần phải chống. Vì vậy, việc nâng cao dân trí là trách nhiệm của Đảng.
Thứ tư, Đảng không được theo đuôi quần chúng, mà phải tuyên truyền giác ngộ quần chúng, làm cho nhân dân giác ngộ cách mạng, sẵn sàng đem sức mình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Thứ năm, Đảng phải xác định rõ trách nhiệm của mình: vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
2.2.2. Về xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh:
Quan niệm của Hồ Chí Minh về xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh được thể hiện trên nhiều nội dung khác nhau. Các nội dung đều liên quan mật thiết bổ sung cho nhau và có tầm quan trọng nhất định trong công tác xây dựng Đảng.
2.2.2.1. Đảng đó phải bảo vệ hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trong xây dựng đường lối, chiến lược và sách lược:
Sự ra đời của một Đảng Cộng sản trong một quốc gia thuộc địa, nửa phong kiến cũng phần nào chịu ảnh hưởng của những tàn dư phong kiến, trong đó, điển hình là hình thức chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, biểu hiện ở việc đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích của dân tộc. Với thành công của Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), Đảng từ hoạt động bất hợp pháp sang hoạt động hợp pháp, cầm quyền ở vị thế mới cũng làm nảy sinh tư tưởng thỏa mãn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, do đa số đảng viên xuất thân từ công nông nên trình độ văn hóa và lý luận nói chung còn nhiều hạn chế; tâm lý tiểu nông vẫn còn ở trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh nêu rõ, phải chỉnh huấn, chỉnh đốn lại nội bộ Đảng, để cán bộ trong Đảng hiểu rõ lợi ích của Đảng luôn gắn với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc, hiểu rõ hơn nhiệm vụ của chính mình và mối quan hệ giữa việc thực hiện nhiệm vụ đó với sự hoàn thành sự nghiệp của Đảng.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã dẫn lại câu nói trên của Lênin lên trang đầu, đồng thời nhấn mạnh: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Sự nhấn mạnh của Người đã khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với Đảng và
dân tộc, ví như là kim chỉ nam cho hoạt động, là cái cẩm nang thần kỳ, bởi lẽ đây là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước.
Để xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, theo Hồ Chí Minh cần phải thực hiện được các yêu cầu sau:
Trước hết, cần phải nhất quán sự lựa chọn và khẳng định hệ tư tưởng, thế giới quan và mục tiêu cần hướng tới của Đảng trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, trong đó, mục tiêu này cần thống nhất với mục tiêu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Thứ hai, thực hiện nhận thức sâu sắc, đầy đủ việc xây dựng và bảo vệ tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo những nguyên lý này theo từng giai đoạn cụ thể, tình hình cụ thể. Làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin thấm sâu vào từng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, thực sự là cơ sở tư tưởng cho hành động.
Thứ ba, xác định những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái (kể cả cố ý và vô ý), để đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng, trong xây dựng đường lối, chiến lược và sách lược của Đảng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, củng cố vững chắc quan điểm, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phương pháp đấu tranh cho đội ngũ cán bộ đảng và cho các tổ chức đảng. “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí là hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Thứ tư, thực hiện tốt phê bình và tự phê bình trong học tập lý luận và chính trị của đảng viên; chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục, nâng cao nhận thức cho đảng viên. Cần gắn học tập lý luận và chính trị trong mối quan hệ với nguyên tắc phê bình và tự phê bình để tìm ra phương hướng, biện pháp và cách thức hiệu quả để tiếp tục học tập tốt hơn nữa.
2.2.2.2. Xây dựng tổ chức, bộ máy của Đảng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng:
Khi nói về vai trò của tổ chức, theo Người, một khi đã có chính sách đúng, song để chính sách này thành công hay thất bại trong thực hiện có vai trò rất quan trọng, và việc này cũng cần có một tổ chức phù hợp.
Như vậy, vai trò tổ chức bộ máy của Đảng là rất quan trọng trong hoạt động tổ chức triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong thực tiễn. Để tổ chức, bộ máy này phát huy được hiệu quả thì vấn đề xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy này thế nào là một yêu cầu cấp thiết, và đây cũng là một trong những nội dung được Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nó được Người thể hiện cả trong lý luận lẫn trong thực tiễn xây dựng Đảng ta, đó là:
- Mục tiêu của việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng là vì lợi ích của nhân dân. Điều này xuất phát từ chính bản chất của một đảng Mác – Lênin chân chính. Theo đó, lợi ích của nhân dân, dân tộc là mục tiêu cao nhất. Ngoài lợi ích của dân tộc, Tổ quốc và nhân dân, thì Đảng không có bất kỳ một lợi ích nào khác, bởi lẽ, Đảng là một tổ chức xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân mà được tổ chức ra, đó “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
- Việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng phải giữ gìn sự thống nhất của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết trong nội bộ Đảng.
- Cần chỉnh đốn, kiện toàn bộ máy của Đảng từ trên xuống dưới một cách gọn gàng, hợp lý, ít người mà làm được nhiều việc có lợi cho nhân dân.
- Thực hiện tốt nguyên tắc “dân chủ tập trung” trong xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng; thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng cần được thực hiện một cách thận trọng, vững chắc, tránh nóng vội; thực hiện rộng rãi trong quần chúng để huy động được tối đa những cá nhân tích cực, nhiệt tình cách mạng trong bộ máy của Đảng.
2.2.2.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới:
Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ của Đảng, coi đó là một nội dung quan trọng trong xây dựng bộ máy, tổ chức của Đảng và Nhà nước. Trong tư tưởng của Người, vấn đề cán bộ trong sự nghiệp cách mạng luôn được đặt trong mối
quan hệ đa chiều, biện chứng. Người nhấn mạnh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên là một trong những quan tâm sâu sắc của Hồ Chí Minh cả về lý luận và hoạt động thực tiễn. Đây là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, với những nội dung hết sức phong phú, đa dạng, từ tuyển chọn cán bộ, đến đào tạo, bố trí, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ cán bộ…
- Về tuyển chọn cán bộ của Đảng:
Đây là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Chất lượng của cán bộ ra sao, như thế nào phụ thuộc rất lớn vào khâu tuyển chọn cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mẫu mực cần được tuyển chọn là những người có những đặc điểm sau:
1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “Tổ quốc là trên hết” ở mọi nơi và