cấp:
Quá trình thực hiện đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo (cầm quyền) của Đảng không chỉ được tiến hành ở cấp Trung ương, mà tiến hành trên phạm vi toàn quốc, từ trung ương đến địa phương. Ở cấp địa phương sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp cần tập trung vào những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về những vấn đề chủ yếu liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chính quyền địa phương.
Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên nhất là những cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan chính quyền địa phương về vị trí, vai trò của chính quyền trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, giáo dục nâng cao nhận thức về sự cần thiết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền mà trực tiếp là cấp ủy ở địa phương trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Sự lãnh đạo ấy, đảm bảo xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động của chính quyền theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, thực sự là cơ
quan quyền lực ở địa phương, đại diện theo ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân; hạn chế và loại trừ các bệnh dễ mắc của cán bộ, công chức chính quyền địa phương.
Thứ hai, kiện toàn cấp ủy đảng, nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền địa phương.
Để lãnh đạo chính quyền địa phương đạt kết quả tốt thì bản thân cấp ủy phải được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy một cách khoa học, chức năng, nhiệm vụ phải được xác định rõ ràng; các cơ quan tham mưu của cấp ủy phải được kiện toàn, thực sự là “bộ óc thứ hai” của của cấp ủy cho việc tham mưu cho cấp ủy về lãnh đạo chính quyền địa phương. Cấp ủy cần có chương trình công tác toàn khóa, có quy chế làm việc và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: làm việc dân chủ, quyết định theo đa số và làm việc theo quy chế đã được xây dựng. Thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, nhất là sinh hoạt đề ra các chủ trương nghị quyết làm cơ sở cho hội đồng nhân dân ra các nghị quyết để tổ chức thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền địa phương.
Cần nhận thức sâu sắc rằng, sự lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền địa phương là định hướng và đảm bảo để hội đồng nhân dân quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện cho ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Cấp ủy không làm thay, không can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy. Đồng thời cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy chế về sự lãnh đạo của cấp ủy, định rõ những loại việc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cho ý kiến trước khi hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quyết định thực hiện; những loại việc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cho ý kiến định hướng để hội đồng nhân dân quyết định; những loại việc do hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quyết định theo thẩm quyền. Xác định những loại công việc sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng cấp ủy lấn sân, bao biện làm thay công việc của
chính quyền, cũng như tình trạng buông lỏng lãnh đạo chính quyền đã diễn ra ở một số nơi.
Những định hướng của cấp ủy trong lãnh đạo chính quyền địa phương thể hiện ở các chủ trương, định hướng lớn trong những quyết định quan trọng của hội đồng nhân dân, để trên cơ sở đó hội đồng nhân dân thảo luận, quyết định. Cấp ủy lãnh đạo nhân dân quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, hội đồng nhân dân cùng cấp và của cơ quan nhà nước cấp trên.
Một vấn đề rất quan trọng cấp ủy cần quan tâm để hội đồng nhân dân có cơ sở đề ra các nghị quyết của mình là cần nâng cao tính khả thi và chất lượng nghị quyết, quyết định của cấp ủy. Cần đổi mới quy trình xây dựng nghị quyết, tổ chức quán triệt nghị quyết của cấp ủy, gắn việc quán triệt với xây dựng chương trình hành động, thực hiện nghị quyết của từng tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương cùng tham gia vào việc tăng cường, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền địa phương.
Cấp ủy và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và hoạt động của cơ quan, cán bộ chính quyền; tạo mọi điều kiện để để hoạt động này có chất lượng, thiết thực, tránh các biểu hiện hình thức, bệnh thành tích…
Hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương có vai trò rất to lớn đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và hoạt động của chính quyền. Cấp ủy, mà trực tiếp là ban tuyên giáo cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo các cơ quan về chính trị, tư tưởng, nội dung, phương thức hoạt động; phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng đối với hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động của chính quyền nói riêng và các hoạt động ở địa phương nói chung.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Cần quan tâm xây dựng ủy ban kiểm tra cấp ủy đủ số lượng các ủy viên, từng ủy viên, có khả năng hoàn thành
nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay. Củng cố, kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy gọn nhẹ, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, có quy chế làm việc khoa học, có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể trong cả nhiệm kỳ và hàng năm.
Công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy cần được kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, kiểm soát của chính quyền với công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát với công tác phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và việc thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật của chính quyền. Coi trọng việc cổ vũ, động viên những điển hình tiên tiến.
Phần kết luận
Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những bước chuyển quan trọng. Để có thể thực hiện tốt sứ mệnh cầm quyền và hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo của mình trong bối cảnh quốc tế cũng như trong nước là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng cần phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức cầm quyền (lãnh đạo) của mình. Từ kết quả nghiên cứu vấn đề này, có thể đưa ra một số kết luận cơ bản sau đây:
Thứ nhất, khi đã ở địa vị cầm quyền, cũng như bất kỳ đảng chính trị nào khác, Đảng đưa ra các chính sách để hiện thực hóa các chủ trương đường lối của mình, biến nó thành các quyết định mang tính quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách của Đảng và Nhà nước đưa ra cần tuân thủ một quy trình: “khoa học – công khai – dân chủ - tập trung”. Các nguyên tắc này được đưa ra xuất phát từ nhu cầu thực tế, theo đó mỗi vấn đề chính sách cần được đưa ra dựa trên các nghiên cứu khoa học. Các kết quả nghiên cứu, các phương án chính sách cần phải được công khai cho mọi người biết. Hai yêu cầu này có vai trò rất quan trọng, bởi trong môi trường hiện tại việc đưa ra các quyết định chính sách cần dựa trên các cơ sở khoa học hơn bất cứ thời điểm nào khác. Chính qua quá trình công khai đó chúng ta mới có được tính dân chủ trong thảo luận, tranh luận để có thể tìm ra các yếu tố rủi ro
tiềm ẩn đối với các chính sách để đi đến các quyết định tối ưu. Sau khi đã đạt được các quyết định dựa trên cơ sở khoa học, công khai và dân chủ, khi thực hiện quyết định này lại rất cần đến sự tập trung.
Trong quá trình hoạch định chính sách cần có sự phân định một cách rõ ràng giữa các chức năng kỹ thuật (các nhà nghiên cứu đưa ra các phương án chính sách khác nhau dựa trên cơ sở chuyên môn của mình) với chức năng chính trị (việc biểu quyết lựa chọn giữa các phương án do các nhà chính trị đưa ra). Sự tách bạch này được thiết kếvđể ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của các nhà chính trị, khi họ đồng thời là nhà chuẩn bị các chính sách và quyết định chính sách.
Thứ hai, là Đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không phải là cơ quan nhà nước; quyền lực chính trị của Đảng khác với quyền lực của Nhà nước. Sự khác nhau đó quy định những điểm khác biệt cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước.
Việc phân định rõ nguồn gốc, phạm vi, quyền hạn của từng chủ thể quyền lực Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là một việc làm rất có ý nghĩa. Từ sự phân định rõ ràng trong nhận thức, có thể giúp chúng ta có sự phân định rõ ràng trong thực tiễn, từ đó có thể tránh được sự lẫn lộn giữa chức năng “lãnh đạo” của Đảng và chức năng “quản lý” của Nhà nước. Một khi Đảng còn “lấn sân”, làm thay công việc của Nhà nước, thì không những làm cho Nhà nước bị suy yếu, mất đi tính hiệu lực, tính thực quyền vốn có, mà đồng thời nó cũng làm cho Đảng mất đi năng lực lãnh đạo – hiểu theo nghĩa là khả năng thuyết phục, quy tụ sức mạnh và tạo ra sự thay đổi.
Thứ ba, Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, để thực hiện vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, Đảng phải thể chế hóa sự cầm quyền của mình bằng hệ thống pháp lý. Đảng lãnh đạo nhà nước thông qua cương lĩnh, đường lối chứ không can thiệp vào công việc của Nhà nước. Điều này có nghĩa rằng Đảng phải biến cương lĩnh, nghị quyết của mình thành pháp luật của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng phải thông qua Nhà nước chứ không phải là lãnh đạo bằng cách “cho ý kiến trực tiếp” của các cấp, hay các nhà lãnh đạo cao cấp trong Đảng. Một khi hoạt động này không được thể chế hóa một cách chính thức, công bố một cách công khai, nó có thể dẫn tới nguy cơ lạm dụng quyền lực của chính bản thân các chủ thể có quyền ra lệnh.
Thứ tư, hiện nay Đảng ta phải đối diện với một thực tế là tình trạng tham nhũng, quan liêu diễn ra khá phổ biến, ở mọi cấp, mọi ngành. Nguyên nhân sâu xa
của vấn nạn này là do quyền lực chưa được kiểm soát một cách hiệu quả. Để ngăn chặn hiện tượng lạm quyền trong bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước, cần thiết kế các vị trí quyền lực theo nguyên tắc: tất cả các chức danh quyền lực trong Đảng và Nhà nước đều phải chịu sự giám sát của một chủ thể quyền lực nào đó; không một cá nhân, một tổ chức nào nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát này. Chức vụ càng cao, trách nhiệm cá nhân càng lớn; quyền lực càng lớn càng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Mục tiêu kiểm soát quyền lực đòi hỏi Đảng phải thiết kế lại mô hình tổ chức bộ máy, theo đó các cơ quan có nhiệm vụ giám sát quyền lực trong Đảng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp) cần được giao đủ mức để vượt qua sự chống đối của đối tượng vi phạm. Tổ chức này cần được sự ủy quyền rộng rãi hơn, được lựa chọn kỹ càng, và thiết kế sao cho loại trừ những mâu thuẫn về lợi ích cũng như chức năng của tổ chức.
Thứ năm, với mô hình hiện tại, chúng ta thấy nổi lên một số điểm yếu căn bản như: năng lực vạch ra các chủ trương, chiến lược dài hạn còn yếu; có sự chồng chéo về chức năng giữa các tổ chức mà nỗi bật là giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan Nhà nước và ngay trong bản thân giữa các cơ quan Đảng cũng có sự trùng lặp về chức năng giữa cơ quan lãnh đạo, cơ quan tham mưu, cơ quan phản hồi và cơ quan kiểm tra, kỷ luật; bộ máy đảng còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Tất cả những yếu kém kể trên đã làm cho hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng không cao.
Nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tế, Đảng ta cần cơ cầu lại mô hình tổ chức bộ máy của mình cả theo chiều dọc và chiều ngang. Ở đây, cần phân định và làm rõ hai chức năng quyết định và chức năng tham mưu, phải tách hai chức năng này để tránh hiện tương lạm dụng quyền lực. Bên cạnh đó, Đảng cũng cần loại bỏ những chức năng, nhiệm vụ không quan trọng, chuyển sang cho các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội thực hiện.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Bình, Trần Ngọc Hiên (đồng chủ biên): Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
2. Lê Văn Cương: Quan điểm và giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
3. Ngô Huy Cương: Dân chủ và pháp luật dân chủ, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI, VII,
VIII, IX và X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1986, 1991, 1996, 2001, 2006. 5. Bùi Xuân Đức: Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay,
Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2004.
6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Phân viện Báo chí và Tuyên truyền:
Chính trị học Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, 2, 3, 4 , 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
8. Lưu Tôn Hồng: Nghiên cứu quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Tam Liên, Thượng Hải (Trung Quốc). Bản dịch của các tác giả: Nguyễn Bản, Việt Hà, Đặng Thúy Hà, Chu Thùy Liên.
9. Đỗ Hoài Nam: Vị trí cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
10. Lê Hữu Nghĩa, Hoàng Chí Bảo, Bùi Đình Tôn: Đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
11. Phạm Ngọc Quang, Ngô Kim Ngân: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với