Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội:

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản cầm quyền Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay” (Trang 36 - 37)

3.1.1. Cơ cấu lại nhân sự Quốc hội:

Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo tại Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội có vai trò rất quan trọng. Để Quốc hội trở thành cơ quan có thực quyền, cần tính đến một phương án là bố trí lại cơ cấu nhân sự của Quốc hội, theo đó, số lượng của các Ủy viên Bộ Chính trị làm việc chuyên trách tại Quốc hội sẽ tăng lên. Cách tổ chức này tạo thành một thiết chế chính trị tương đối đồng nhất. Điều này sẽ hướng tới việc nhất thể hóa Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội, làm hạn chế tối đa độ “chênh” trong vận hành giữa bộ máy Đảng và Quốc hội.

3.1.2. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động lập pháp:

Theo cách làm hiện nay, phần lớn các dự luật được trình ra Quốc hội là do Chính phủ chuẩn bị. Sau đó, Quốc hội sẽ có tờ trình những vấn đề cần xin ý kiến Bộ Chính trị (đồng ý hay không đồng ý, bổ sung, điều chỉnh…). Quy trình này dường như ngược chiều. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, trước khi tiến hành soạn thảo dự luật, Bộ Chính trị cần cho ý kiến trước về tư tưởng chỉ đạo, sau đó giao cho cơ quan soạn thảo tiến hành xây dựng luật.

Nếu Đảng dùng quyền lực của mình vừa lãnh đão, vừa quản lý các hoạt động của Quốc hội thì Đảng sẽ biến các chỉ đạo và nghị quyết của mình thành pháp luật, thậm chí là cao hơn pháp luật. Việc Đảng can thiệp quá sâu vào công việc của Quốc hội cũng sẽ biến các đại biểu quốc hội thành các “nghị gật”, đóng vai trò hợp thức hóa những gì mà Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã chỉ đạo.

Để đảm bảo tính chuyên môn trong các quyết định hoặc chỉ đạo, Bộ Chính trị có thể thành lập một Hội đồng tư vấn lập pháp (hay chính sách) làm việc bên cạnh Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Hội đồng này chủ yếu là các nhà nghiên cứu trên lĩnh vực luật pháp, kinh tế, phân tích chính sách… làm việc theo kiểu kiêm chức, không hưởng lương và nhận phụ cấp. Hội đồng chỉ làm tư vấn, chứ không phải là một cơ quan quyền lực của Đảng. Chức năng chính của nó là tư vấn cho Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan đến hoạt động lập pháp, chính sách.

3.1.3. Thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội:

Đảng cần thể chế hóa sự lãnh đạo của mình thành các đạo luật của Nhà nước do Quốc hội thông qua. Các đạo luật này sẽ chính thức hóa quá trình lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với bộ máy nhà nước.

Thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cũng như đối với các tổ chức khác sẽ tạo ra sức mạnh của một thể chế. Nó sẽ duy lý hóa, tối ưu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, tránh được sự “cho ý kiến trực tiếp” nhiều khi mang dấu ấn cá nhân, hoặc mang tính chủ quan, tùy tiện của các nhà lãnh đạo.

Phương thức này cũng cho phép huy động tối đa trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Đảng chỉ đưa ra những chủ trương, định hướng chung, còn cụ thể các vấn đề được thiết kế, quy định như thế nào phải là quyền của Quốc hội.

3.1.4. Tổ chức lại Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp:

Như vậy, để Quốc hội có thể đảm đương tốt vai trò của mình, Quốc hội cần được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp. Về dài hạn, đa số các đại biểu sẽ làm việc chuyên trách, chỉ một bộ phận nhỏ làm việc theo kiểu kiêm nhiệm. Quốc hội sẽ tổ chức lại các ủy ban theo hướng chuyên sâu, đủ sức để đảm nhiệm việc chuẩn bị, thảo luận và thông qua các đạo luật trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách, còn các phiên họp toàn thể chủ yếu là cân nhắc các lựa chọn về mặt chính trị và biểu quyết thông qua. Có như vậy chúng ta mới có thể khắc phục tình trạng Quốc hội dường như chỉ thông qua được những “luật khung”, “luật treo” như hiện nay và nhường quyền lập pháp và giải thích luật của mình cho cơ quan hành pháp.

Một phần của tài liệu Đảng Cộng sản cầm quyền Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay” (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w