Chiêu hồn thập loại chúng sinh trong nghi lễ của Đạo Mẫu dân gian Việt Nam

Một phần của tài liệu CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINH TRONG THỰC HÀNH NGHI LỄ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO (Trang 29 - 31)

2.1.1. Đôi nét về Đạo Mẫu dân gian Việt Nam.

Nước ta có rất nhiều các tôn giáo du nhập như Đạo Phật, Đạo Ki-tô, Đạo Islam, Đạo Lão,… Truớc khi các nền Đạo này du nhập vào, xứ ta đã có rất nhiều các tín ngưỡng khác nhau. Tuỳ theo mỗi vùng miền lại có những tín ngưỡng đặc trưng khác nhau biểu trưng cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư đó. Trong những tín ngưỡng thiêng liêng nổi bật, mang tính phổ cập đáng kể tới, đó là: Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhiều người còn nâng tín ngưỡng này lên thành một nền đạo: Đạo Mẫu.

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng thiêng liêng ra đời ngay trong văn hoá Việt, mang đậm chất con người Việt. Vì sao dân tộc ta lại có tục thờ Mẫu? Muốn cắt nghĩa của tục thờ này, ta phải chú ý nơi điện thờ của đạo Mẫu, mà nói như nhà nghiên cứu Phan Kế Bính thì gọi đây là “cửa tĩnh”. Nơi ban thờ chỉ giản đơn những pho tượng với màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng,… khác nhau nhưng ẩn chứa bao ý nghĩa mà ông cha ta thổi hồn qua nó. Ngày nay, đa phần ta thấy nơi cao nhất của điện thờ Mẫu là Tam toà Thánh

29

Mẫu, với bức hoành đề bốn chữ đại tự dễ thấy ở các cửa điện, cửa tĩnh “Mẫu nghi thiên hạ” (người mẹ dung nghi đứng đầu thiên hạ). Pho tượng đức thánh Mẫu ở giữa phủ trên tượng là một xiêm y màu đỏ dung mạo trang nghiêm thanh thoát, biểu trưng cho thượng thiên; một vị thánh Mẫu bên phải nhìn vào, khoác một xiêm y màu xanh biểu trưng cho thượng ngàn (núi rừng); một vị phía tay trái nhìn vào khoác xiêm y màu trắng, khuôn mặt thanh thoát như nước mùa thu đó là thánh Mẫu biểu trưng cho thuỷ phủ (sông nước, hồ đầm). Vậy là qua ba hàng tượng ở trên ta đã thấy hội đủ tam phủ Thiên – Nhạc – Thuỷ phủ, đây là hệ thống tượng thờ được phổ biến, phát triển từ thế kỉ XVI. Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Quốc Hải thì lại cho rằng: thuở trước, Tam Phủ chưa xuất hiện Mẫu Thượng Thiên mà thay vào Thượng Thiên là Mẫu Địa khoác áo màu vàng biểu trưng cho Địa Phủ (Đất), Đất - Nước – Núi rừng đây là Tam Phủ đầu tiên nhưng sau này với sự xuất hiện của một nhân vật được cho là nhà Trời tái sinh xuống hạ giới bởi đánh rơi chiếc chén ngọc lưu ly trong hội Bàn Đào, đó là: Lê Thị người đất (ấp) Phủ Dầy, Nam Định, bà được coi là con gái của vua cha Ngọc Hoàng. Với sự xuất hiện thần bí của bà, sau này hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian Việt Nam dần hình thành hệ thống Tứ Phủ, Thiên – Nhạc – Địa – Thoải (Trời – Núi rừng – Đất – Nước).

Qua hình tượng tưởng chừng như đơn giản là thờ các bà Mẫu mẹ đứng đầu cho các Phủ như thờ các vị quan đứng đầu cho các ngành, nhưng ẩn sau mỗi pho tượng lại không đơn thuần là như vậy. Thiên phủ biểu trưng cho trời, Người Việt ta thờ để thể hiện mong cầu mưa thuận gió hoà; Nhạc phủ là núi rừng biểu trưng cho một tấm lòng biết ơn người Việt khi núi rừng là nơi chở che bao bọc cho người Việt ta trước khi di cư xuống đồng bằng định canh, định cư; Địa phủ biểu trưng cho mặt đất bằng phẳng nơi muôn vật sinh ra, là nơi con người định cư, định canh, phát triển văn hóa lúa nước; Thoải phủ là nơi thăm thẳm nước sâu bốn mùa cho con người tôm cá, cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Bốn yếu tố này là những yếu tố không thể tách rời trong một dân tộc; người Việt ta tôn thờ những yếu tố tự nhiên thông qua hình tượng bốn bà Mẫu. Theo tôi, thứ nhất nó biểu trưng cho sự biết ơn bà mẹ thiên nhiên đã trìu mến ban cho con người cuộc sống no đủ; thứ hai, nó thể hiện một nét văn hoá xa xưa trong gia đình Việt – Mẫu hệ; thứ ba, trong tâm khảm người Việt người mẹ luôn là hình ảnh thiêng liêng, cao cả nên yếu tố thiêng tự nhiên đã được truyền tải vào hình ảnh bốn bà Mẫu uy nghiêm toạ nơi cao nhất của điện Mẫu.

30

Ngày nay, trải qua biến thiên của lịch sử, dân tộc ta với truyền thống dựng nước và giữ nước, biết bao con người đã ngã xuống hy sinh cho nền tự do của dân tộc như: Trần Hưng Đạo của thời Trần, các vị anh hùng, nữ kiệt thời vua Lê Lợi diệt quân Minh,…

Những nhân vật lịch sử này đã được phối thờ trong cửa điện, cửa tĩnh với hệ thống Tứ Phủ, theo thời gian, những nhân vật lịch sử cũng phủ lên mình một lớp thần thánh hoá và biến thành những nhân vật thiêng trong tâm khảm người Việt. Họ thờ cúng, lễ bái, sắm sửa hương hoa, thiết tiệc long trọng vào những ngày được coi là huý kỵ (ngày giỗ) của các ngài, những hình ảnh của thanh đồng đạo quan trong các trang phục xanh, đỏ, vàng, trắng. Diễn xướng trong lời ca tiếng hát của cung văn, đó người ta gọi là hầu bóng. Tháng Tám, tháng Ba, tháng Bảy, tháng Mười… họ nô nức kéo về những nơi dấu thiêng linh địa như: Phủ Dầy, đền Trần - Nam Định; Đền ông Mười - Nghệ An; Bảo Hà – Lào Cai; Đền Đông Cuông – Yên Bái,… để tỏ lòng tưởng nhớ:

Ai về tháng Tám hội cha Tháng Ba hội mẹ, khăn hoa về chầu.

Tất thảy, những hoạt động tín ngưỡng này người ta gọi chung là Đạo Mẫu, một tinh thần chẳng ngoài đạo lý muôn đời của người Việt: Ẩm thuỷ tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn).

Một phần của tài liệu CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINH TRONG THỰC HÀNH NGHI LỄ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)