Giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia và khả năng áp dụng vào tranh chấp nguồn nước sông Mê Công. (Trang 36 - 37)

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án, nhất là về cơ chế và thực tiễn quốc tế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy; về tầm quan trọng của sông Mê Công đối với không gian sinh tồn và phát triển của đất nước, thực trạng tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công của các nước ven sông và yêu cầu đặt ra để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với nguồn nước sông Mê Công, nghiên cứu sinh xác định phải tập trung luận chứng cho năm giả thuyết chính như sau:

Một là, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông

thủy là một trong những loại tranh chấp quốc tế phức tạp nhất, có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, do tình trạng khan hiếm nước ngọt đang ngày càng trở nên gay gắt; hầu hết các nguồn nước ngọt trên thế giới được chia sẻ bởi nhiều quốc gia và xu hướng gia tăng sử dụng các nguồn nước liên quốc gia như một công cụ chính trị khiến vấn đề tranh chấp càng phức tạp, khó giải quyết.

Hai là, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp nguồn

nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy nói riêng là nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia. Khi phát sinh tranh chấp về quyền được khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia hoặc về việc giải thích, áp dụng điều ước quốc tế về nguồn nước, các quốc gia phải thiện chí hợp tác giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế.

Ba là, cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích

phi giao thông thủy vừa có đặc điểm chung của cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng cũng có đặc thù riêng. Quá trình giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy không chỉ thuần túy mang tính pháp lý mà còn chịu sự tác động đan xen của các yếu tố chính trị, kinh tế, an ninh.

Bốn là, thực trạng các hoạt động khai thác, sử dụng thiếu công bằng, hợp lý

nguồn nước sông Mê Công của các quốc gia ven sông phía thượng nguồn đang đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước sông Mê Công, gây ra tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh cho các nước ở hạ nguồn, nhất là Việt Nam, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến

phức tạp, sự gia tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia ven sông đều chủ trương tìm cách tăng cường khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích riêng của quốc gia, cùng với sự chi phối của yếu tố chính trị quốc tế khiến vấn đề tranh chấp nguồn nước có xu hướng trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn, đe dọa không gian sinh tồn của quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Năm là, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam liên quan đến nguồn

nước sông Mê Công, đồng thời góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển tại Tiểu vùng, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ, căn bản, toàn diện, phù hợp với thực tiễn và trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế để kiềm chế, ngăn ngừa tranh chấp nguồn nước sông Mê Công leo thang căng thẳng; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia ven sông trong việc quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, công bằng nguồn nước.

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia và khả năng áp dụng vào tranh chấp nguồn nước sông Mê Công. (Trang 36 - 37)