Bốn nước thuộc hạ nguồn sông Mê Công gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã ký kết Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995 (Hiệp định Mê Công năm 1995) với mục đích phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Công, bao gồm các lĩnh vực chính: thuỷ điện, tưới tiêu, giao thông đường thuỷ, vận chuyển gỗ, kiểm soát lũ, thuỷ sản, thả bè, giải trí và du lịch. Thể chế quản lý nguồn nước sông Mê Công được thành lập theo Hiệp định này là Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.
Hiệp định Mê Công năm 1995 có các điều khoản liên quan tới giải quyết tranh chấp với nội dung như sau:
- Khi các tác động gây hại gây ra những thiệt hại đáng kể với một hoặc nhiều nước ven sông do việc việc sử dụng nước và/hoặc xả thải vào sông Mê Công của bất kỳ một quốc gia ven sông, các bên liên đới phải xác định tất cả các yếu tố liên quan, nguyên nhân, mức độ thiệt hại và trách nhiệm gây hại của quốc gia đó, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia, và xem xét, giải quyết mọi vấn đề, khác biệt và tranh chấp một cách thân thiện và kịp thời thông qua các biện pháp hoà bình quy định tại các Điều 34 và 35 của Hiệp định này và phù hợp với Hiến chương LHQ. (Điều 8)
- Khi có khác biệt hoặc tranh chấp nảy sinh giữa hai hoặc nhiều bên tham gia Hiệp định về các vấn đề liên quan đến Hiệp định và/hoặc các hoạt động do Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tiến hành tại các cấp của mình, đặc biệt liên quan đến việc hiểu Hiệp định và các quyền pháp lý của các bên, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế trước hết phải nỗ lực cố gắng giải quyết vấn đề đó theo quy định tại các Điều 18.C và 24.F. (Điều 34)
- Ủy hội “Tiếp nhận, xem xét và giải quyết các vấn đề, các khác biệt và bất đồng do bất kỳ ủy viên nào trong Ủy hội, Uỷ ban Liên hợp hoặc bất kỳ quốc gia thành viên nào trình lên về các vấn đề nảy sinh từ Hiệp định này”. (Điều 18.C)
- Uỷ ban Liên hợp “Xem xét giải quyết các vấn đề và khác biệt có thể nảy sinh giữa các kỳ họp của Hội đồng do một uỷ viên Uỷ ban Liên hợp hoặc một quốc gia thành viên đưa ra liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong phạm vi Hiệp định này, và khi cần thiết, trình lên Ủy hội”. (Điều 24.F)
- Trong trường hợp Uỷ hội sông Mê Công quốc tế không thể giải quyết khác biệt và bất đồng trong thời hạn nhất định, vấn đề đó phải được kịp thời trình lên các Chính phủ để giải quyết bằng thương lượng thông qua kênh ngoại giao và thông báo quyết định của họ cho Hội đồng để tiến hành các bước cần thiết để thực hiện quyết định đó. Nếu các Chính phủ thấy cần thiết hoặc có lợi trong tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết vấn đề đó, các Chính phủ có thể cùng yêu cầu, sự trợ giúp của trung gian thông qua một tổ chức hoặc một bên mà họ cùng chấp thuận, và sau đó tiến hành giải quyết theo các nguyên tắc của luật quốc tế. (Điều 35)
Như vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định sông Mê Công năm 1995 cũng đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các biện pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp khi xem xét giải quyết các khác biệt và tranh chấp nguồn nước sông Mê Công. Tuy nhiên, các biện pháp giải quyết tranh chấp được áp dụng được giới hạn trong phạm vi Điều 34 và Điều 35 của Hiệp định sông Mê Công năm 1995 có rất nhiều bất cập. Cụ thể là, khi có tranh chấp phát sinh, các quốc gia có thể giải quyết tranh chấp bằng việc đệ trình lên Uỷ ban Liên hợp hoặc trực tiếp lên Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Sau đó, nếu Uỷ hội sông Mê Công quốc tế/Ủy ban Liên hợp không giải quyết được thì Chính phủ các nước sẽ giải quyết bằng thương lượng, hoặc yêu cầu trợ giúp của bên thứ ba mà các bên cùng chấp thuận rồi tiến hành giải quyết theo các nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Có thể thấy rằng, Hiệp định sông Mê Công năm 1995 có đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp, bao gồm các biện pháp, thiết chế tiếp nhận và giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các quy định này rắc rối, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau và quan trọng nhất là không mang tính ràng buộc nghĩa vụ pháp lý. Với các quy định hiện hành, các quốc gia khác không có quyền phủ quyết, thậm chí chỉ là yêu cầu trì hoãn sau giai đoạn sáu tháng đầu tiên, đối với một dự án sử dụng nguồn nước sông Mê Công do quốc gia khác thực hiện mà họ thấy đe dọa những lợi ích sống còn của mình.
Điểm quan trọng khác đó là phạm vi điều chỉnh của Hiệp định sông Mê Công năm 1995 làm ảnh hưởng đến khả năng giải quyết tranh chấp nguồn nước sông Mê Công.
Trước hết, về phạm vi địa lý: Hiệp định sông Mê Công năm 1995 chú trọng quá
nhiều vào dòng chính mà chưa đề cập thỏa đáng (về mặt pháp lý) đến các dòng nhánh trong hệ thống sông Mê Công (xét riêng trong phạm vi bốn quốc gia thành viên Hiệp định là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam). Các quốc gia có thể tự quyết việc xây dựng các công trình, dự án dòng nhánh mà không cần có sự thỏa thuận hay thông qua của các nước khác trong lưu vực113. Trong khi đó, các hoạt động xây đập thủy điện, hay chuyển nước ở các dòng nhánh đều tác động mạnh đến chất lượng và số lượng nước trên dòng chính sông Mê Công. Một nghiên cứu của Đại học Princeton vào năm 2012 đã kết luận: “việc xây dựng xong 78 đập trên các chi lưu tạo ra những tác động cực kỳ nghiêm trọng lên sản lượng cá và tính đa dạng sinh học”114. Như vậy, một quốc gia trong lưu vực sông có thể khai thác, sử dụng tối đa lượng nước ở các dòng nhánh mà các quốc gia khác không thể phản đối cho dù hành động đó có thể gây hại đáng kể cho nguồn nước trên dòng chính sông Mê Công. Nói cách khác, quốc gia đó có thể không thừa nhận có tranh chấp về nguồn nước (trên các dòng nhánh) với các quốc gia khác trong lưu vực và do đó không thể tiến hành áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp. Đây là điểm hạn chế lớn của Hiệp định sông Mê Công năm 1995, khiến cho việc ngăn ngừa những tác động đến nguồn nước sông Mê Công cả về lượng và chất gặp khó khăn trên thực tế; đồng thời cách tiếp cận này cũng không phù hợp với khái niệm về nguồn nước quốc tế được ghi nhận trong nhiều văn bản của các tổ chức quốc tế, nhất là trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997.
Thứ hai, về phạm vi chủ thể: Hiệp định sông Mê Công năm 1995 chỉ gồm bốn quốc gia
là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam và do đó chỉ điều chỉnh các hoạt động sử dụng nước của sông Mê Công nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia này và việc giải quyết tranh chấp theo các quy định của Hiệp định sông Mê Công năm 1995 cũng chỉ có hiệu lực đối với bốn quốc gia này. Mianma, đặc biệt là Trung Quốc, không phải là thành viên Hiệp định sông Mê Công năm 1995 nên có thể từ chối nghĩa vụ thực hiện Hiệp định. Do đó, Hiệp định không kiểm soát được các hoạt động sử dụng nước sông Mê Công có thể gây ra những tác động bất lợi cho nguồn nước sông Mê Công do Mianma và nhất là Trung Quốc tiến hành115.
113 Nguyễn Trường Giang, Sđd, tr.132.
114 IUCN Vietnam, “Tại sao khu vực lại cần Công ước về nước của Liên Hợp Quốc”, đăng ngày 24/06/2015 tại http://www.iucn.org/vi/vietnam/?21567/Ti-sao-khu-vc-li-cn-Cong-c-v-Nc-ca-Lien-Hp-Quc
Truy cập ngày 15/8/2015.