Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia và khả năng áp dụng vào tranh chấp nguồn nước sông Mê Công. (Trang 114 - 116)

Điều ước quốc tế có tính phổ cập là Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, được Đại hội đồng LHQ thông qua sau gần nửa thế kỷ soạn thảo, đàm phán, đấu tranh giữa các quốc gia và trở thành văn kiện pháp lý toàn cầu đầu tiên về quản lý các nguồn nước liên quốc gia. Năm 2014, Việt Nam trở thành viên thứ 35 phê chuẩn và làm cho Công ước đủ điều kiện có hiệu lực sau 17 năm được thông qua. Cho đến nay, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN phê chuẩn Công ước này, mặc dù có 9/10 quốc gia thành viên ASEAN đã ủng hộ Công ước.

Điều 33 của Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 quy định về việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, trong đó có những nội dung đáng chú ý như sau:

1. Trong trường hợp có tranh chấp nảy sinh giữa hai hay nhiều bên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước này mà không có một hiệp định nào có thể vận dụng được, các bên liên quan sẽ tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phù hợp với những quy định sau đây.

2. Nếu các bên liên quan không thể đạt được thỏa thuận bằng thương lượng theo yêu cầu của một bên trong số họ, các bên có thể cùng nhờ một cơ quan tư vấn hòa giải, hoặc yêu cầu bên thứ ba làm trung gian hoặc sử dụng, nếu phù hợp, bất kỳ một tổ chức nguồn nước do họ cùng thành lập, hoặc cùng thỏa thuận đệ trình tranh chấp đó lên cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quốc tế.

3. Tùy theo việc thực hiện nội dung nêu tại khoản 10, nếu sau sáu tháng kể từ khi có yêu cầu thương lượng được đề cập ở khoản 2 mà các bên liên quan không thể giải quyết được tranh chấp thông qua thương lượng hay bất kỳ biện pháp nào khác đã được đề cập trong khoản 2, thì theo yêu cầu của bất kỳ bên nào, tranh chấp sẽ được đệ trình để tiến hành điều tra thực tế một cách khách quan theo quy định từ khoản 4 đến khoản 9, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

4. Một Ủy ban Điều tra thực tế sẽ được thành lập, mỗi bên liên quan sẽ cử một thành viên và các thành viên này sẽ cùng chọn thêm một thành viên không cùng quốc tịch với bất kỳ bên liên quan nào để làm Chủ tịch Ủy ban.

5. Nếu các thành viên do các bên cử không thể thỏa thuận được về đề cử Chủ tịch Ủy ban, thì trong vòng ba tháng kể từ ngày yêu cầu thành lập Ủy ban Điều tra, các bên liên quan có thể yêu cầu Tổng Thư ký LHQ chỉ định Chủ tịch Ủy ban, là người không thuộc quốc tịch của bất kỳ bên tranh chấp nào hoặc của bất kỳ quốc gia nào ven nguồn nước tranh chấp. Nếu một trong các bên không cử được thành viên trong vòng ba tháng kể từ ngày yêu cầu lần đầu theo khoản 3 thì bất kỳ một bên nào khác có thể yêu cầu Tổng Thư ký LHQ chỉ định một cá nhân không thuộc quốc tịch của bất kỳ bên tranh chấp nào hoặc của bất kỳ quốc gia nào ven nguồn nước tranh chấp. Người được chỉ định như vậy sẽ hình thành nên một Ủy ban Điều tra một thành viên.

6. Ủy ban Điều tra sẽ tự xác định quy chế riêng của mình.

7. Các bên liên quan có nghĩa vụ cung cấp cho Ủy ban các thông tin mà Ủy ban có thể yêu cầu và, nếu được yêu cầu, sẽ cho phép Ủy ban được vào trong lãnh thổ của mình và thành tra các cơ cở vật chất, nhà máy, thiết bị, công trình xây dựng hoặc các kết cấu tự nhiên tích hợp cho mục đích điều tra.

8. Ủy ban sẽ thông qua bản báo cáo theo nguyên tắc đa số phiếu, trừ trường hợp đó là Ủy ban một thành viên, và sẽ đệ trình báo cáo đó cho các bên liên quan có đưa ra kết luận điều tra cùng các nguyên nhân và các kiến nghị mà Ủy ban thấy thích hợp cho một giải pháp công bằng giải quyết tranh chấp mà các bên liên quan sẽ xem xét với thiện chí.

9. Khi phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập Công ước này, hoặc vào bất cứ thời điểm nào sau này, quốc gia thành viên Công ước có thể tuyên bố bằng văn bản trình lên cơ quan lưu chiểu rằng, đối với bất kỳ một tranh chấp nào không giải quyết được theo quy định tại khoản 2, bên liên quan đó sẽ đương nhiện thừa nhận thẩm quyền bắt buộc, và không cần một thỏa thuận đặc biệt với bất kỳ bên liên quan nào chấp nhận nghĩa vụ đó:

(a) Đệ trình tranh chấp lên Tòa án quốc tế; và/hoặc

(b) Phân xử bởi một tòa trọng tài được thành lập và hoạt động, trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, theo các thủ tục nêu trong phụ lục của Công ước này.

Tại phần Phụ lục của Công ước Nguồn nước quốc tế năm 1997 có quy định về trình tự, thủ tục để tiến hành phân xử một vụ tranh chấp tại tòa án quốc tế (xem Phụ lục số 4.2).

Như vậy, Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 đã quy định khá toàn diện và cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, gồm các biện pháp phi tài phán và tài phán, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến biện pháp điều tra thực tế. Tuy nhiên, các quy định của Công ước chỉ có thể áp dụng đối với các quốc gia là Thành viên Công ước khi phát sinh tranh chấp về việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của Công ước. Trong số 06 quốc gia ven sông Mê Công, mới chỉ có Việt Nam đã gia nhập Công ước, Trung Quốc thậm chí còn là một trong ba quốc gia bỏ phiếu chống. Do đó, Điều 33 về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan tới nguồn nước quốc tế của Công ước hiện nay chưa thể áp dụng để giải quyết tranh chấp nguồn nước sông Mê Công.

Một phần của tài liệu Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia và khả năng áp dụng vào tranh chấp nguồn nước sông Mê Công. (Trang 114 - 116)