Sau khi đánh giá, thẩm định về hồ sơ vay vốn và khách hàng vay vốn, ngân hàng thực hiện đánh giá, thẩm định chi tiết dự án đầu tư theo các bước cụ thể:
Bước 1: Đánh giá, thẩm định tổng mức đầu tư
Việc xác định đúng tổng mức đầu tư đóng vai trò quan trọng đầu tiên, tính toán thừa sẽ gây thừa vốn và sử dụng sai mục đích, tính toán thiếu sẽ gây thiếu hụt vốn. Ngoài ra, việc dự tính đúng tổng vốn đầu tư sẽ liên quan đến tính toán dòng tiền và các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả dự án của dự án đầu tư. Căn cứ vào số liệu thu thập được từ khách hàng và từ các nguồn, cán bộ thẩm định phải xác định được tổng mức đầu tư và các khoản mục đầu tư trong dự án có hợp lý hay không.
Tổng mức đầu tư được phân loại theo cơ cấu tài sản đầu tư bao gồm vốn đầu tư vào tài sản cố định và vốn đầu tư vào tài sản lưu động ròng:
Tổng mức đầu tư = Vốn đầu tư vào TSCĐ + Vốn đầu tư vào TSLĐ
- Vốn đầu tư vào TSCĐ
Để đánh giá, thẩm định mức vốn được sử dụng cho mua sắm, đầu tư và mở rộng tài sản cố định, phải căn cứ vào thiết kế kỹ thuật của dự án nhằm kiểm tra cụ thể về nhu cầu xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị và so sánh đơn giá các hạng mục dự án với thị trường, từ đó xác định mức vốn đầu tư hợp lý. Đồng thời cần so sánh với thông số và các chi phí của những dự án tương tự để xác định đúng mức đầu tư cần thiết của dự án hiện tại.
- Vốn đầu tư vào TSLĐ
Đánh giá, thẩm định mức vốn đầu tư vào TSLĐ là tính toán những chỉ tiêu tài chính liên quan đến tài sản lưu động của dự án như: vòng quay hàng tồn kho, vòng
quay khoản phải thu… để xác định được mức vốn lưu động cần thiết trong quá trình dự án vận hành.
Do các dự án đầu tư thường có thời hạn là trung và dài hạn nên những thay đổi của thị trường làm thay đổi tổng mức đầu tư của dự án là không thể tránh khỏi, thông thường là tăng lên so với dự tính ban đầu. Vì vậy, trong dự toán vốn đầu tư vào tài sản cố định và vốn lưu động của dự án cần có một phần dự phòng sự biến động của giá cả thị trường và phải được xem xét kỹ lưỡng xem phần dự phòng có phù hợp hay chưa.
Bước 2: Đánh giá, thẩm định nguồn tài trợ
Xác định đúng tổng mức đầu tư dự án mới chỉ là bước đầu trong đánh giá. thẩm định cho vay dự án. Nội dung tiếp theo là đánh giá, thẩm định nguồn tài trợ của dự án và tiến độ huy động vốn của dự án.
Nguồn tài trợ của một dự án thường bao gồm vốn huy động từ chủ sở hữu hay vốn vay. Mỗi nguồn tài trợ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Các nguồn vốn dự kiến phải được đảm bảo chắc chắn trên cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế.
Đánh giá, thẩm định nguồn tài trợ là xem xét khả năng tài chính của các cá nhân, tổ chức góp vốn vào dự án trong suốt thời gian thực hiện dự án, đồng thời kiểm tra tính khả thi của phương án vay vốn và khả năng trả nợ của dự án. Một số vấn đề mà cán bộ ngân hàng thường quan tâm là: Các tổ chức tín dụng đồng tài trợ cho vay dự án, lãi suất, thời gian, nguồn trả nợ, lịch trả nợ lãi vay và gốc vay dự kiến…
Đánh giá, thẩm định phần vốn góp bằng cổ phần, vốn góp liên doanh, vốn tự có được tiến hành qua việc xem xét, xác minh các hồ sơ, tài liệu, thuyết minh liên quan đến cam kết góp vốn, tiến độ góp vốn của các cổ đông hoặc các bên liên doanh. Ngoài ra, đối với vốn vay các tổ chức, cá nhân khác cần căn cứ tính xác thực bằng hợp đồng tín dụng, lịch trình trả nợ… để kiểm tra phương thức vay, tình hình trả nợ, cách thức sử dụng vốn vay của dự án.
Với những phương án về cơ cấu vốn, phương thức và tiến độ huy động không hợp lý, ngân hàng có thể đưa ra những đề xuất điều chỉnh thích hợp.
Bước 3: Đánh giá, thẩm định doanh thu, chi phí của dự án
• Doanh thu
Căn cứ để đánh giá, thẩm định doanh thu của dự án chính là đánh giá phương án kỹ thuật của dự án, khả năng vận hành, tiến độ của dự án, khả năng tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của thị trường:
- Dự tính sản lượng sản xuất, tiêu thụ hàng năm căn cứ vào khả năng vận hành của dự án và nhu cầu của thị trường. Sản lượng sản xuất tính theo tỷ lệ theo công suất thiết kế, tăng dần trong những năm đầu dự án hoạt động và đạt mức tối đa khi đi vào sản xuất ổn định.
- Giá bán sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đánh giá hợp lý về thị trường đầu ra của sản phẩm, dịch vụ. Cần theo dõi tình hình kinh tế để đưa ra đánh giá đúng về giá cả của sản phẩm.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm phần doanh thu từ việc thanh lý TSCĐ của dự án.
• Chi phí
Các chi phí của dự án được cán bộ thẩm định xem xét trên cơ sở phương án thực hiện sản xuất kinh doanh, phương án trả nợ, phương án tính khấu hao, … cụ thể là các chi phí sau:
- Chi phí nguyên vật liệu đầu vào: dựa vào phương án sản xuất, công suất thực tế của dự án để tính toán mức nguyên vật liệu đầu vào cần thiết. Kết hợp với mức giá cả hiện tại hoặc dự tính để tính toán chi phí nguyên vật liệu cần thiết cho dự án. Do dự án được thực hiện trong thời gian dài nên trong thời gian cho vay, cán bộ thẩm định phải tính toán tới yếu tố lạm phát và phải điều chỉnh kịp thời chi phí nguyên vật liệu khi giá cả thị trường biến động.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Là chi phí cho những lao động trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành của dự án để tạo ra sản phẩm, dịch vụ bao gồm cả những lao động thường xuyên và thời vụ. Dựa trên cơ sở kế hoạch về nhân sự của dự án để tính toán chi phí nhân công trực tiếp.
- Chi phí quản lý dự án, quản lý doanh nghiệp chi phí bán hàng: Là chi phí cho hoạt động quản lý, vận hành của dự án và các hoạt động phụ trợ cho dự án của doanh nghiệp cũng như các chi phí như truyền thông, marketing, chiết khấu để thúc đẩy doanh số tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra của dự án. Đây là chi phí gián tiếp cán bộ thẩm định cũng cần xem xét trong tổng thể chi phí hoạt động của dự án làm cơ sở tính toán hiệu quả của toàn bộ dự án.
- Chi phí khấu hao: Đây là một chi phí quan trọng và thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí đối với các dự án có lượng tài sản cố định lớn. Chi phí khấu hao không tạo ra dòng tiền của dự án như các chi phí khác nhưng là chi phí hợp lý ảnh hưởng đến lãi lỗ và việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án. Cán bộ thẩm định cần xem xét giá trị ban đầu của tài sản cố định và phương án tính khấu hao mà dự án đưa ra.
- Chi phí sửa chữa máy móc thiết bị…. là các chi phí bổ sung có thể phát sinh trong quá trình vận hành dự án và thường được định mức ở một mức cố định. Thông thường các dự án thường được bảo lãnh bảo hành từ nhà cung cấp thiết bị đầu vào, tuy nhiên cán bộ cũng cần xem xét và thẩm định đối với những phần máy móc thiết bị không được bảo lãnh bảo hành hoặc thời gian bảo lãnh không kéo dài hết thời gian vận hành của dự án.
- Chi phí lãi vay của dự án được tính dựa trên kế hoạch vay và trả nợ đối với nguồn huy động từ bên ngoài cũng như chi phí trả lãi vay ngân hàng. Cán bộ thẩm định cần kiểm tra lại cách tính trả lãi và gốc phù hợp với thông lệ của Ngân hàng.
- Chi phí khác như bồi thường, hỗ trợ, chi phí giải phóng mặt bằng…
Bước 4: Đánh giá, thẩm định dòng tiền và khả năng trả nợ của dự án
• Đánh giá, thẩm định dòng tiền
Dòng tiền của một dự án được hiểu là các khoản thu và chi được kỳ vọng tại các mốc thời gian khác nhau của dự án. Dòng tiền ròng là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án. Bởi vậy, xác định đúng dòng tiền của dự án giúp tính toán chính xác các chỉ tiêu tài chính như NPV, IRR…
Đánh giá, thẩm định dòng tiền là xem xét dòng tiền tính toán có phù hợp hay không. Khi đánh giá, thẩm định dòng tiền dự án, cần chú ý tới loại bỏ chi phí chìm ra khỏi dòng tiền và đưa chi phí cơ hội của dự án vào phân tích.
- Chi phí chìm: là chi phí đã xuất hiện từ trước mà không thể bù đắp lại cho dù dự án có được chấp nhận hay không. Ví dụ, doanh nghiệp thuê đoàn chuyên gia tư vấn về các tác động của dự án tới môi trường trước khi thực hiện dự án, nếu các điều kiện về môi trường không đủ, dự án sẽ không được xây dựng. Chi phí thuê đoàn chuyên gia đã phát sinh cho dù dự án có được thực hiện hay không. Khi đánh giá, thẩm định cách tính toán dòng tiền, cần kiểm tra và loại bỏ những chi phí chìm ra khỏi dòng tiền của dự án
- Chi phí cơ hội: Chi phí cơ hội là việc một dòng tiền có thể được tạo ra nhờ đầu tư, hoặc triển khai dự án khác nếu dự án đang xem xét bị bác bỏ. Vì thế cần đưa chi phí cơ hội vào tính toán dòng tiền của dự án. Nhiều chủ đầu tư đã bỏ qua chi phí cơ hội khi tính toán dòng tiền nên khi đánh giá, thẩm định cho vay dự án, ngân hàng cần chú ý tới việc dự án có chi phí cơ hội hay không và nếu có thì có xem xét tính toán hay không.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khi tính toán dòng tiền thường không tính toán dòng tiền từ vốn lưu động ròng. Khi thực hiện dự án, doanh nghiệp cần có một lượng vốn lưu động nhất định để vận hành và lượng vốn này có thể được bổ sung hoặc thu hồi hàng năm, kết thúc dự án, lượng vốn lưu động này sẽ được thu hồi. Sự thay đổi lượng vốn lưu động hàng năm cũng cần được tính toán vào dòng tiền của dự án. Nếu dự án chưa tính toán, cần phải bổ sung dòng tiền từ vốn lưu động ròng.
Bên cạnh đó, các quan điểm khác nhau cũng ảnh hưởng đến việc tính toán dòng tiền dự án. Có hai quan điểm trong đánh giá, thẩm định cho vay dự án là quan điểm ngân hàng và quan điểm chủ đầu tư.
- Theo quan điểm ngân hàng, mục đích là xác định được tính khả thi về mặt tài chính của dự án, nhu cầu cần vay vốn cũng như khả năng trả nợ gốc và lãi vay của dự án, theo đó việc trả nợ lãi và gốc vay không được tính vào dòng tiền của dự án. Ngân hàng quan tâm đến cách tính toán dòng tiền theo quan điểm này do cách tính này sẽ giúp ngân hàng đánh giá được mức độ an toàn của vốn cho vay.
- Theo quan điểm chủ đầu tư, mục đích nhằm xem xét giá trị thu nhập ròng còn lại của dự án so với những gì chủ đầu tư có được so với trường hợp không thực hiện dự án. Vì thế, khi tính toán dòng tiền dự án phải cộng vốn vay ngân hàng vào và trừ đi khoản trả lãi vay và nợ gốc. Nói cách khác, chủ đầu tư quan tâm đến dòng tiền ròng còn lại cho mình sau khi đã thanh toán nợ vay.
Khi đánh giá, thẩm định dòng tiền nếu dự án chỉ tính toán trên quan điểm chủ đầu tư, phải tính toán lại theo quan điểm ngân hàng và căn cứ kết quả theo quan điểm ngân hàng để đưa ra quyết định. Nếu dự án đã thực hiện việc tính toán trên cả hai quan điểm, cần kiểm tra cơ sở tính toán của từng quan điểm nếu có sự mâu thuẫn giữa kết quả của hai quan điểm sẽ lựa chọn quan điểm ngân hàng.
• Đánh giá, thẩm định khả năng trả nợ của dự án
Đối với ngân hàng, khả năng trả nợ gốc và lãi vay có vai trò quyết định trong việc chấp nhận hay từ chối cho vay dự án. Nguồn trả nợ chủ yếu từ lợi nhuận sau thuế và khấu hao của dự án. Đối với những dự án vay vốn từ nhiều nguồn, cần kiểm tra trình tự trả nợ của dự án đối với các món vay, đồng thời đánh giá khả năng trả nợ của dự án đối với món vay từ ngân hàng và từ các nguồn khác. Ngoài ra, cần xem xét tình hình hoạt động và khả năng tài chính của khách hàng trong những năm gần đây để chắc chắn về khả năng thực hiện dự án hiệu quả và khả năng trả nợ của chủ đầu tư. Dự án chỉ có thể được phê duyệt khi đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi vay
Bước 5: Đánh giá, thẩm định lãi suất chiết khấu
Sau dòng tiền thì lãi suất chiết khấu là cơ sở quan trọng để tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án. Lãi suất chiết khấu là thành phần quan trọng trong phương pháp quy đổi giá trị các dòng tiền dự án trong tương lai về thời điểm hiện tại.
Khi nhà đầu tư vào một dự án tức là nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ qua lợi tức kỳ vọng khi đầu tư vào một dự án khác trên thị trường. Ở đây, nếu xem xét chi phí cơ hội là thu nhập tốt nhất trong số các cơ hội đầu tư bỏ qua để thực hiện dự án. Nhà đầu tư chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định để thực hiện dự án nên sẽ kỳ vọng một mức lợi nhuận nhất định trong tương lai.
Ngoài ra, dự án được đầu tư khi tỷ lệ lợi nhuận yêu cầu tối thiểu bằng với chi phí vốn của dự án hay trong khi lãi suất chiết khấu cũng được coi là chi phí vốn của dự án. Do vậy, việc xác định lãi suất chiết khấu cần phải căn cứ vào cơ cấu vốn của dự án.
Xác định lãi suất chiết khấu của dự án được xác định tùy theo các quan điểm.
Theo quan điểm chủ đầu tư: Lãi suất chiết khấu của dự án là chi phí vốn chủ
sở hữu tính toán giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng theo mô hình định giá tài sản tài chính (CAPM – Capital Asset Pricing Model).
Theo CAPM, lãi suất chiết khấu được xác định như sau:
I = If + β(Im – If)
Trong đó:
If : Lãi suất phi rủi ro (Thường lấy lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 5 năm) Im: Lãi suất kỳ vọng trên thị trường.
β: Hệ số mức độ rủi ro của dự án: Đo lường mức độ biến động giá trị mong đợi dự án của dự án so với giá trị thị trường của một dự án tương đương.
Theo quan điểm ngân hàng (quan điểm tổng vốn đầu tư): lãi suất chiết khấu được tính bằng chi phí vốn bình quân của dự án (WACC – Weighted Average Cost of Capital)
WACC = Id (1 - T) Wd + IsWs
Trong đó:
Id: Lãi suất nợ vay
Wd: Tỷ trọng nợ vay trên tổng vốn đầu tư Is: Chi phí vốn chủ sở hữu
Ws: Tỷ trọng của vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư.
Đánh giá, thẩm định lãi suất chiết khấu là kiểm tra dự án sử dụng lãi suất chiết khấu có đúng không, đánh giá có phù hợp theo từng quan điểm và căn cứ tính toán các chỉ tiêu thành phần hay không.
Bước 6: Đánh giá, thẩm định hiệu quả tài chính của dự án