Kết quả hàm phản ứng của các biến trong mô hình VAR

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2019. (Trang 77 - 79)

Sau khi đảm bảo về tính dừng cho các biến, nghiên cứu thực hiện xem xét phản ứng của các biến trong mô hình VAR như sau:

Hình 4.5: Hàm phản ứng của các biến trong mô hình VAR

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng của các NHTM chịu ảnh hưởng bởi phần lớn các biến số vĩ mô khác như: tăng trưởng GDP, lạm phát, thâm hụt ngân sách, tăng trưởng cung tiền và tiền cơ sở nhưng lại chịu ảnh hưởng rất nhỏ bởi lãi suất tái chiết khấu. Cụ thể là:

Đối với tăng trưởng GDP, tăng trưởng cung tiền M2 và tăng trưởng tiền cơ sở MB, các chỉ tiêu này có ảnh hưởng đến dương đến tăng trưởng tín dụng ở sau quý thứ nhất và tác động âm ở các quý sau. Điều này được lý giải là khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất cũng gia tăng. Để kích thích nền kinh tế, NHTW thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng bằng cách gia tăng lượng tiền cơ sở và cung tiền, các NHTM có thêm lượng tiền để mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đối với lạm phát, biến vĩ mô này chỉ có tác động dương nhẹ lên tín dụng trong quý đầu tiên, và ảnh hưởng âm khá mạnh trong trong các quý sau đó. Điều này có thể giải thích là khi lạm phát mới xảy ra, tín dụng chưa bị thắt chặt nên vẫn có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, sau khi lạm phát có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, NHTW thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ, điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM đối với nền kinh tế.

Đối với thâm hụt ngân sách, biến số này có ảnh hưởng dương lên tăng trưởng tín dụng hàm ý nhu cầu chi tiêu lớn của Ngân sách có mối liên hệ chặt chẽ với tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, thâm hụt Ngân sách dẫn đến gia tăng nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp, các NHTM là chủ thể chính mua trái phiếu nhằm cấp tín dụng cho Ngân sách.

Đối với lãi suất tái chiết khấu, tăng trưởng tín dụng có phản ứng ngược chiều. Điều này được lý giải khi lãi suất tăng cao, nhằm hạn chế sư phát triển quá nóng của nền kinh tế và sự tăng trưởng quá nóng của tín dụng đối với từng ngân hàng và toàn bộ hệ thống, thông qua CSTT, NHNN gia tăng lãi suất, theo đó, nó sẽ rút dự trữ của ngân hàng, dự trữ thấp có nghĩa là sụt giảm lượng tiền gửi, khi đó đốc thúc ngân hàng giảm danh mục cho vay của mình, hay nói cách khác giảm tăng tưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng là một trong những cơ chế hoạt động của CSTT.

Điều này cũng phù hợp với thực tế Việt Nam khi NHTW điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở kiểm soát khối lượng tiền hơn là lãi suất, vì vậy ảnh hưởng của lãi suất tái chiết khấu lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng tương đối yếu và có độ trễ.

Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu là biến số bên trong có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng tín dụng trong khi ảnh hưởng của tỷ lệ thanh khoản và chênh lệch lãi suất là không lớn.

Đối với tỷ lệ nợ xấu, biến số này có ảnh hưởng ngược chiều đến tăng trưởng tín dụng với tác động lớn. Tỷ lệ nợ xấu là biến số quan trọng phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng, nếu tỷ lệ nợ xấu tăng cao có nghĩa chất lượng cho vay của ngân hàng bị suy giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như uy tín của ngân hàng. Chính vì vậy, khi tỷ lệ này tăng lên, các ngân hàng phải thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, hạn chế mở rộng các khoản cho vay để đảm bảo an toàn, tăng trưởng tín dụng chung của ngân hàng từ đó cũng giảm xuống.

Đối với tỷ lệ thanh khoản và chênh lệch lãi suất, các chỉ tiêu này cũng có tác động rất yếu đến tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ thanh khoản có tác động ngược chiều đến tăng trưởng tín dụng trong 2 quý đầu tiên, điều này có thể hiểu là khi ngân hàng chủ động nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao để đảm bảo an toàn, tăng tính thanh khoản thì lượng vốn còn lại cho các tài sản sinh lời như tín dụng sẽ bị suy giảm. Sau Quý thứ 2, thì tăng trưởng tín dụng lại có xu hướng phản ứng cùng chiều. Trong khi đó, chỉ tiêu chênh lệch lãi suất lại có tác động cùng chiều với tăng trưởng tín dụng. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thể hiện phần lợi nhuận mà ngân hàng có thể được hưởng khi cung ứng dịch vụ trung gian tín dụng, tỷ lệ này càng lớn có nghĩa là lợi nhuận ngân hàng thu được càng nhiều, càng tạo động lực để ngân hàng thực hiện cho vay nhiều hơn.

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2019. (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(107 trang)
w