Góc độ NHTM

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2019. (Trang 89 - 91)

Thứ nhất, tích cực xử lý nợ xấu gắn liền với TTTD hiệu quả. Các NHTM cần tăng cường giám sát nội bộ để ngăn chặn tích tụ nợ xấu trong tương lai, duy trì tiêu chuẩn cấp tín dụng đúng mức để đảm bảo chất lượng khoản vay, tạo sự lan tỏa tích cực từ chính hoạt động tín dụng của mỗi TCTD. Bên cạnh việc bán nợ cho VAMC, các NHTM cũng cần chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu như: thông qua công ty quản lý, khai thác tài sản; xử lý dự phòng; phân loại đánh giá nợ để cơ cấu lại nợ, xây dựng hệ thống phân loại nợ theo các chỉ tiêu định tính và định lượng… Với các doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt nhưng đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động… thì có thể tạo điều kiện chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn; chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Cách thức này không những hỗ trợ được doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ giải thể, phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các NHTM. Ngoài ra, để giảm thiểu nợ xấu, các NHTM cũng cần hoàn thiện chính sách tín dụng phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng của các ngân hàng.

Quản trị rủi ro nói chung và rủi ro tín dụng nói riêng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Rủi ro tín dụng là một trong những vấn đề mà tất cả các NHTM phải đương đầu. Phòng ngừa hạn chế rủi ro tín dụng là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi lẽ rủi ro tín dụng mang tính tất yếu khách quan, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, đồng thời lại rất đa dạng phức tạp, rủi ro tín dụng thường khó kiểm soát và dẫn đến những thiệt hại, thất thoát về vốn và thu nhập của ngân hàng. Vì vậy, thời gian tới các NHTM cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng thông qua các nội dung như sau:

Một là, các NHTM cần xác định rõ khẩu vị rủi ro trong hoạt động tín dụng của bản thân ngân hàng. Khẩu vị rủi ro thể hiện thái độ đối với việc chấp nhận rủi ro ở giới hạn/mức độ nhất định mà trong giới hạn đó ngân hàng có khả năng và sự sẵn sàng để chịu đựng, khắc phục và vượt qua các rủi ro. Do vậy, việc xác định và tuyên bố về khẩu vị rủi ro sẽ giúp ngân hàng xây dựng được các quy định phù hợp để phòng ngừa sớm và có phương án đối phó với các rủi ro xuất hiện để đảm bảo hạn chế những biến cố ngoài dự kiến đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Hai là, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phục vụ cho việc nhận biết và đo lường rủi ro tín dụng. Các NHTM phải hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ để lượng hóa rủi ro tín dụng heo khuyến nghị của Ủy ban Basel theo khung giá trị Var.

Ba là, các NHTM cần tích cực hoàn thiện bộ máy quản trị để phù hợp với yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II nhằm tuân thủ chặt chẽ các quy định về giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động. Không những thế, cần tăng cường giám sát từ xa để có thể giảm chi phí và các thủ tục hành chính thay vì kiểm tra trực tiếp. Các phương pháp kiểm tra nên được đổi mới, từ khâu nhận diện, đánh giá và đo lường rủi ro đến khâu xây dựng và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát dựa trên cơ sở công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến. Xây dựng văn hóa tuân thủ toàn hệ thống.

Thứ ba, các NHTM cần có những chính sách lãi suất hợp lý theo hướng dẫn dắt.

Hiện nay, lãi suất vẫn đang được xem là công cụ đắc lực giúp các NHTM thu hút vốn. Lãi suất phải đảm bảo yếu tố hấp dẫn để vừa giữ chân khách hàng truyền thống, cũng như vừa thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, lãi suất chỉ nên là biện pháp có tính tạm thời do gây nhiều rủi ro cho ngân hàng và có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong tương lai. Lãi suất cho vay doanh nghiệp cần phải được tính toán đầy đủ và đúng mức các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro kỳ hạn, rủi ro tỷ giá hối đoái, rủi ro đạo đức,…Thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên cơ sở tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Thứ tư, các NHTM cần khai thác và sử dụng vốn hiệu quả sao cho phù hợp với năng lực, đúng bản chất kinh doanh ngân hàng, chú trọng nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả phân bổ nguồn lực. Các ngân hàng cần tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích. Bên cạnh đó, đa dạng hóa danh mục đầu tư như đầu tư trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN để đảm bảo sự ổn định hoạt động khi thị trường biến động. Ngoài ra, việc tổ chức hợp lý mạng lưới kinh doanh và quan hệ với các đối tác sẽ giúp ngân hàng nâng cao khả năng cũng như duy trì sự bền vững của nguồn vốn huy động.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ phi tín dụng ngân hàng, mở rộng phạm vi thị trường của ngân hàng cũng như cung cấp cho khách hàng nhiều hơn những dịch vụ tiện ích mới, dần dần tạo sự chuyển biến cho mảng thu nhập từ dịch vụ trong cơ cấu tổng thu nhập ngân hàng. Có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-29, năm 2020 ngành ngân hàng đón nhận tin vui khi tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng. Điều này đã dự báo xu thế phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử mà các ngân hàng nên tập trung đầu tư.

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2019. (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(107 trang)
w