- Muốn hình thành và nâng cao hiệu quả phát triển ngôn ngữ mạch lạc
3.6.2. Kết quả đo sau thử nghiệm
Sau 7 tuần thử nghiệm, ở nhóm thử nghiệm chúng tôi tiến hành tổ chức một số biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) thông qua trò chơi đóng kịch như đã trình bày ở chương 2. Còn ở nhóm đối chứng, giáo viên hướng dẫn lớp vẫn tổ chức hoạt động vui chơi bình thường. Chúng tôi quan sát, ghi chép kết quả biểu hiện sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc thông qua trò chơi đóng kịch. Kết quả thu được như sau:
Bảng 3.2. Mức độ phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi (thử nghiệm và đối chứng) trong trò chơi đóng kịch
sau khi tiến hành thử nghiệm
Mẫu SL Mức độ TBC Tốt Khá TB Yếu SL % SL % SL % SL % Nhóm TN 30 5 16,7% 18 60% 7 23,3% 0 0% 7,3 Nhóm ĐC 30 1 3,3% 6 20% 20 70% 3 10% 5,93
Sau thời gian thử nghiệm, biểu hiện sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc khi tham gia trò chơi đóng kịch của nhóm thử nghiệm cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng. Sự nhận biết những yêu cầu của việc phát triển ngôn ngữ ở các vai trong kịch bản. Cụ thể là:
- Ở nhóm đối chứng có 3,3% số trẻ đạt mức độ tốt (ngôn ngữ rất mạch lạc), trong khi đó nhóm thử nghiệm có 16,7% số trẻ đạt mức độ này.
- Số trẻ đạt mức độ khá ở cả hai nhóm đã có sự chênh lệch rất đáng kể:20% ở nhóm đối chứng, trong khi đó ở nhóm ở nhóm thử nghiệm là 60%.
- Tuy nhiên, số trẻ đạt ở mức độ trung bình của nhóm thử nghiệm đã giảm đáng kể là 7 trẻ (tỉ lệ 23,3%) trong khi nhóm ở nhóm đối chứng tỉ lệ này là 21trẻ (tỉ lệ 70%).
- Điểm trung bình của nhóm đối chứng là: X ĐC = 5,93 chỉ ở mức độ trung bình, trong khi đó điểm trung bình của nhóm thử nghiệm có sự vượt trội hơn hẳn X TN = 7,3 . Điều này cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ có sự tiến bộ rõ rệt, trẻ nắm được cách diễn đạt lưu loát và không còn lủng củng như trước.
- Độ lệch chuẩn ở nhóm đối chứng cao hơn nhóm thử nghiệm nghĩa là độ phân tán mức độ phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ nhóm đối chứng cao hơn, không đồng đều như nhóm thử nghiệm.
Ví dụ như trong kịch bản: “Cáo, thỏ và gà trống”
Ở nhóm thử nghiệm: Trẻ không chỉ nắm rõ tính cách các nhân vật mà còn biết thể hiện giọng điệu, ngữ điệu, cách ngắt nghỉ của từng nhân vật như thế nào cho phù hợp. Cụ thể: cháu Đức Anh đóng vai Thỏ đã thể hiện được giọng điệu nhút nhát, sợ hãi và buồn bã khi bị Cáo đuổi ra khỏi nhà. Còn cháu Hoài Nam lại thể hiện được giọng điệu gian xảo, lớn tiếng bắt nạt những kẻ yếu hơn mình và sự run sợ khi nghe tiếng quát của gà trống. Cháu Nhật Minh hóa thân thành chú Gà Trống lại mang đến sự oai vệ, hùng dũng cho nhân vật. Các nhân vật khác như bác Gấu, bầy Chó, người dẫn truyện cũng thể hiện được giọng điệu, tính cách nhân vật của mình rất tốt. Đặc biệt, tất cả các cháu đều rất thuộc kịch bản, nói năng lưu loát, rõ ý. Khi diễn rất tự nhiên, không vấp và diễn đạt khá mạch lạc.
Ở nhóm đối chứng: Các trẻ còn tranh nhau đóng vai Gà Trống. Hầu hết khi đóng kịch các trẻ đều khá nhút nhát. Giọng nói nhỏ, diễn đạt không rõ ý và còn quên lời thoại. Cháu Quỳnh Chi trong vai Thỏ bị Cáo cướp mất nhà thì lại quá nhí nhảnh, không thể hiện được sự buồn bã, lo sợ trong lời nói. Còn cháu Đức Huy đóng vai Gà Trống thì lại hay quên lời thoại, chưa thể hiện được sự dứt khoát khi
quát tháo Cáo ra khỏi nhà của Thỏ. Các cháu không sáng tạo trong ngôn từ và hành động. Trong khi chơi trẻ ít giao tiếp với nhau, chưa biết tạo ra sự linh hoạt và liền mạch trong kịch bản, trẻ chưa phát huy được hết khả năng và vốn ngôn ngữ còn hạn chế.
Kết quả biểu hiện sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ Mẫu giáo nhõ (4-5 tuổi) trong trò chơi đóng kịch của hai nhóm thử nghiệm và đối chứng sau khi tiến hành thử nghiệm sẽ được biểu hiện dưới dạng biểu đồ giúp chúng ta thấy rõ hơn sự khác biệt đó: 0 10 20 30 40 50 60 70 Tốt Khá TB Yếu Nhóm TN Nhóm ĐC
Biểu đồ 3.2. So sánh sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ Mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) thông qua trò chơi đóng kịch sau thử nghiệm
Qua quan sát hoạt động của trẻ trong trò chơi đóng kịch, chúng tôi thấy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở nhóm thử nghiệm có sự tiến bộ hơn hẳn nhóm đối chứng. Điều đó thể hiện cụ thể như sau:
+ Trẻ đã truyền đạt được nội dung chính của câu chuyện, giọng kể to, rõ ràng, không ê a, ấp úng. Cố gắng thể hiện đúng ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại.
+ Trẻ đã biết đặt câu hỏi về tên câu chuyện, tên nhân vật, thời gian, không gian, hành động chính, lời nói, cá tính nhân vật. Ngoài ra trẻ đã biết thêm các từ đồng nghĩa hay những cụm từ thay thế tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn từ để đóng kịch.
Ví dụ: Cháu Hà My trong vai người dẫn truyện trong câu chuyện: “Qủa bầu tiên” đã diễn đạt truyền cảm và sáng tạo phần mở đầu của câu chuyện, dẫn dắt người xem vào nội dung câu chuyện: “Ngày xửa, ngày xưa có một cậu bé con nhà nghèo nhưng vô cùng tốt bụng. Cậu luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người, mọi vật sống xung quanh mình. Vì thế, cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại đua nhau ríu rít tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé…”
+ Trẻ đã biết quay mặt về phía khán giả khi đóng vai, tốc độ giọng nhanh chậm tùy theo tình tiết nhân vật, giọng rõ ràng, phát âm chuẩn và tư thế tự nhiên. Trẻ đã cố gắng thể hiện đúng ngữ điệu, tính cách nhân vật mà trẻ đóng, giúp cho ngôn ngữ của trẻ mang sắc thái biểu cảm rõ rệt.
Ví dụ: Trong câu chuyện “Tích Chu”
Cháu Tùng Lâm đóng vai Tích Chu (lúc đầu ham chơi, thái độ không vâng lời), sau biết lỗi (tỏ thái độ biết lỗi, giọng trầm): Bà ơi bà ở đâu? Bà ở lại với cháu, cháu sẽ đem nước cho bà. Bà ơi!
Cháu Thanh Thảo đóng vai Bà (giọng run run, dứt khoát): Bà đi đây! Bà không về nữa đâu!
Cháu Lan Anh đóng vai Bà Tiên (tính cách hay giúp đỡ mọi người, giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ): Nếu cháu muốn bà cháu trở lại thì cháu phải đi lấy nước suối tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối tiên xa lắm, cháu có đi được không?
+ Trong quá trình chơi trẻ tự bàn bạc, phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm chơi.
Ví dụ: Trong trò chơi đóng kịch “Tích Chu” cháu Phương Chi nhanh nhảu nhận vai Bà tiên , “Bạn Tùng sẽ làm Tích Chu vì bạn ấy là con trai”. Trẻ tự do bàn tán, trao đổi thỏa thuận, tạo một không khí rất tự nhiên.
+ Sự đánh giá, nhận xét của trẻ tỏ ra mạnh dạn, rất tự tin. Cháu Hà Anh nói “bạn Hạnh Chi đóng làm Thỏ Mẹ rất giỏi vì bạn ấy rất quan tâm đến người khác” trong câu chuyện: “Thỏ Bông bị ốm”.
Ở một số trẻ yếu hơn luôn có sự phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ trong nhóm chơi, trẻ luôn kiểm tra kết quả hoạt động của nhau. Trẻ thích thú và tự hào về vai chơi của mình. Đặc biệt trẻ đặt ra nhiều câu hỏi với giáo viên về những vấn đề
chúng quan tâm và những việc trẻ đang làm, chúng rất phấn khởi trước những lời động viên khen ngợi của giáo viên.
Giáo viên của nhóm thử nghiệm luôn tạo ra các tình huống để phát huy khả năng sáng tạo và ngôn ngữ mạch lạc của trẻ. Sự đồng tình ủng hộ của giáo viên, sự động viên, khuyến khích kịp thời luôn là điều kiện để trẻ tự tin giao tiếp hơn. Thể hiện ngay trong việc trẻ cùng cô học kịch bản, cùng cô làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho kịch bản. Thậm chí trẻ còn tự mình làm đồ dùng đồ chơi để phục vụ cho trò chơi của mình.
* Nhóm đối chứng
Mức độ phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ có cao hơn so với trước nhưng độ chênh lệch không đáng kể, số trẻ đạt ở mức độ tốt và khá còn thấp. Số trẻ đạt ở mức độ trung bình và yếu lại rất cao. Ở nhóm đối chứng, trẻ tỏ ra thụ động, thiếu tự tin, thường xuyên có sự gợi ý của giáo viên khi lựa chọn chủ đề chơi, vai chơi. Nội dung chơi của trẻ còn nghèo nàn, lặp đi lặp lại trong các buổi chơi. Trong quá trình chơi, trẻ không tự giao tiếp giữa các nhóm chơi và ít nhớ lời thoại. Trẻ tỏ ra thiếu vốn từ, bí từ và luôn thụ động chờ vào sự giúp đỡ của giáo viên.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Qua kết quả thử nghiệm một số biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ Mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) thông qua trò chơi đóng kịch chúng tôi rút ra một số kết luận
- Trước thử nghiệm: Mức độ biểu hiện sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ ở cả nhóm thử nghiệm và đối chứng là tương đương nhau, chủ yếu tập trung ở mức độ trung bình.
- Sau thử nghiệm: Mức độ biểu hiện sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ ở nhóm thử nghiệm cao hơn nhóm đối chứng, chủ yếu tập trung ở mức độ tốt và khá.
Kết quả thử nghiệm chứng tỏ: Các biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ Mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) thông qua trò chơi đóng kịch ở trường mầm non mà chúng tôi đưa ra trong quá trình nghiên cứu là đúng đắn.
Như vây kết quả thử nghiệm đã chứng minh giả thuyết khoa học đưa ra là đúng đắn, đồng thời cũng khẳng định tính khả thi và hiệu quả giáo dục của một số biện pháp đã đề xuất trong đề tài.