Đặc điểm của thực hiện pháp luật về an ninh mạng

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở việt nam (Trang 59 - 62)

Thứ nhất, thực hiện pháp luật về an ninh mạng thể hiện ý chí của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đồng thời yêu cầu sự tự giác cao độ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Cũng như chủ quyền lãnh thổ trên bộ, chủ quyền quốc gia trên KGM là quyền tối cao, tuyệt đối đối với phạm vi KGM thuộc quyền kiểm soát của quốc gia. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên KGM là một trong những mục tiêu quan trọng của THPL về ANM. Đó là quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng KGM và hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên KGM, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên KGM toàn cầu. Cuộc chiến trên KGM là cuộc chiến có tính chất không biên giới. THPL tốt về chủ quyền quốc gia trên KGM không chỉ là bảo đảm an toàn vận mệnh đất nước, bản chất và sự tồn tại của chế độ chính trị, mà còn là biện pháp phòng ngừa chủ động có ý nghĩa quyết định để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong THPL về ANM, các cơ quan có thẩm quyền đại diện ý chí của Nhà nước vừa chủ động tự THPL vừa tổ chức cho các chủ thể khác THPL.

Pháp luật về ANM là công cụ quan trọng để Nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia trên KGM. Chủ thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng pháp luật là công cụ cơ bản, sử dụng biện pháp hành chính, tố tụng có đặc trưng mệnh lệnh, mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định là Bộ Công an có thể quyết định điều tra tiền tố tụng mà không cần phải có đơn tố giác hay đơn kiện đối với trường hợp mà Bộ Công an nhận thấy có dấu hiệu xâm phạm pháp luật về ANM. Khi điều tra, xét xử, các chủ thể khác phải chấp hành các yêu cầu, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các quyết định này có giá trị bắt buộc thi hành và được đảm bảo bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.

Bên cạnh đó, THPL về ANM phụ thuộc nhiều vào sự tự giác của các chủ thể khác, nhất là cá nhân, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên KGM. Các cá nhân, các doanh nghiệp tự giác tuân thủ pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật sẽ có ý thức trước những cám dỗ lợi ích khi tham gia hoạt động trên KGM. Một trong những ngành nghề kinh doanh đem lại lợi nhuận cao và có xu hướng ngày càng phát triển cả trên thế giới và tại Việt Nam là dịch vụ trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, tự giác, người dùng dễ sa vào nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng đang gia tăng trên KGM.

Khi tham gia hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên KGM, doanh nghiệp cần ý thức cao độ trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và chủ động hợp tác với cơ quan điều tra, tạo điều kiện điều tra, xử lý hiệu quả cho cơ quan điều tra thì có thể được xem xét miễn trừ hay giảm nhẹ chế tài. Bên cạnh đó, các quy định tăng nặng chế tài còn là sự cảnh báo để doanh nghiệp có ý thức chấp hành hoạt động kinh doanh trên KGM.

Thứ hai, thực hiện pháp luật về an ninh mạng đòi hỏi các chủ thể có trình độ công nghệ thông tin, công nghệ số và phẩm chất đạo đức tốt

Thực hiện pháp luật về ANM yêu cầu cơ sở vật chất như máy tính, các thiết bị phần cứng công nghệ thông tin có kết nối, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu,... Tuy nhiên, có cơ sở vật chất hiện đại, nhưng các chủ thể thiếu trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin sẽ là trở lực không nhỏ đối với THPL về ANM. Do đó, các chủ thể phải có trình độ, kỹ năng và hiểu biết nhất định về lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, công nghệ số đã tác động đáng kể đến THPL về ANM. Khoa học công nghệ mạng, công nghệ thông tin, công nghệ số, làm cho thế giới ngày càng phẳng hơn với khả năng ứng dụng vượt trội. Những đột phá, tiện ích to lớn về công nghệ blockchain (chuỗi khối), công nghệ vạn vật kết nối IoT, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo,… tiềm ẩn nhiều thách thức đối với các chủ thể thực hiện pháp luật về ANM. Lượng thông tin khổng lồ trên mạng cùng với những đột phá công nghệ đã trở thành tài sản của cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Nó có thể biến nhiều chủ thể trở nên giàu có khi tận dụng lợi thế các công nghệ này. Ngược lại, một số chủ thể có địa vị, hiểu biết nhất định, một số được giao nắm giữ một số vị trí quan trọng, nhưng lại thiếu đạo đức đã lợi dụng công cụ này để tìm cách chống phá Nhà nước, đi ngược lợi ích quốc gia, làm mất trật tự an toàn xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều thủ đoạn như phát tán, lan truyền tin giả, tổ chức các đường dây cờ bạc, lừa đảo qua mạng, gây ra các vụ tấn công mạng,.v.v. Với đặc tính lan truyền nhanh chóng, cộng với thói quen lướt tin không kiểm chứng của người dùng sẽ tạo cơ hội cho một vài chủ thể thiếu ý thức đạo đức thực hiện chỉ từ một hành vi không tuân thủ pháp luật về ANM sẽ để lại tổn thất nặng nề. Phẩm chất đạo đức tốt là đòi hỏi quan trọng của các chủ thể tham gia hoạt động trên KGM để phòng ngừa hành vi nhỏ, hậu quả lớn.

Mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử chỉ có thể thành công khi các hoạt động như cải cách hành chính, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử,... được đảm bảo diễn ra bình thường và an toàn trên KGM. Kiến thức của các chủ thể trong THPL về ANM đã dần được cải thiện, nhưng cơ bản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Để ứng phó với các cuộc tấn công mạng do khai thác những công nghệ thông tin, công nghệ số ngày càng tinh vi, khó lường là những đòi hỏi cấp bách phải nâng cao trình độ chuyên sâu về khoa học công nghệ thông tin, công nghệ số, thường xuyên rèn luyện kỷ luật, trau dồi đạo đức. Đây là cơ sở để các chủ thể tăng cường thực hiện hiệu quả pháp luật về ANM.

Thứ ba, thực hiện pháp luật về an ninh mạng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và với các cơ quan an ninh mạng trên thế giới

An ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, không chỉ là vấn đề riêng của từng quốc gia mà với phạm vi tác động không biên giới, làm biên giới địa lý giữa các quốc gia trở nên "mềm hóa". Các mối đe dọa ANM có thể bắt nguồn từ một cá nhân, do tính ẩn danh mà liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia, trở thành vấn đề toàn cầu, tác động trực tiếp và cả gián tiếp đến an ninh quốc gia. Để ứng phó, xử lý các hành vi xâm phạm ANM cần nỗ lực không chỉ riêng của từng quốc gia, mà cần nỗ lực hợp tác chung của nhiều quốc gia, của cả cộng đồng quốc tế.

Nhiều vụ xâm phạm ANM không chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, mà tội phạm ở nước này lại tấn công vào mục tiêu KGM của nước khác. Do đó, quá trình điều tra, xử lý vi phạm, áp dụng chế tài ngoài sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước với nhau, đối với các vụ xâm phạm ANM có tính quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước về ANM phải hợp tác với cơ quan ANM của các quốc gia có liên quan trong việc cung cấp thông tin, điều tra và xử lý vi phạm. Qua đó, năng lực pháp lý trong việc kiểm soát ANM được củng cố và tăng cường.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở việt nam (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(194 trang)
w