Trong những năm vừa qua, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong quản trị rủi ro đối với hoạt động quản lý hàng hóa XNK và đạt những thành tích nhất định, bao gồm:
Thứ nhất, công tác xác định rủi ro đã được thực hiện bài bản. Cục thường xuyên cập nhập thông tin doanh nghiệp vào chương trình quản lý thông tin doanh nghiệp; chú trọng xây dựng, cập nhật bộ tiêu chí rủi ro để đảm bảo đầy đủ, kịp thời căn cứ nhận biết, phân tích, đánh giá rủi ro cho công chức sử dụng.
Thứ hai, công tác phân tích và đánh giá rủi ro đã đạt được những kết quả khả quan. Điều này thể hiện bởi kết quả phân luồng, chuyển luồng tờ khai hàng năm bám rất sát với những tiêu chí rủi ro, cũng như những quy định của cơ quan Hải quan.
Thứ ba, công tác xử lý rủi ro đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng; thu bổ sung một lượng tương đối lớn cho ngân sách nhà nước từ hoạt động XNK hàng hóa qua Cục HQHN.
Thứ tư, QTRR đã tạo ra môi trường minh bạch trên nền tảng của tuân thủ pháp luật, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do có những hiệu quả rõ rệt kể trên, QTRR được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK không còn xa lạ với thuật ngữ QTRR. Bởi từ khi ngành Hải quan áp dụng công tác QTRR, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết hợp với công tác kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan thành phố đánh giá được mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp.
Thứ năm, chung tay với cả nước, cơ quan hải quan các cấp nói chung, Cục Hải quan TP. Hà Nội nói riêng đã chủ động triển khai ngay các giải pháp, biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trước, trong và sau dịch Covid; đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, tạo ổn định hoạt động XNK cho doanh nghiệp sau dịch Covid, cụ thể: tăng cường giải quyết công việc
trực tuyến, hạn chế thủ tục giấy tờ, hạn chế đến trụ sở làm việc, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua mạng bằng các chương trình nghiệp vụ của hải quan, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin một cửa quốc gia, thanh toán tiền thuế 24/7 qua hệ thống ngân hàng (Tuấn Dũng, 2021). Đặc biệt, đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và thanh tra, kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, công chức kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro và được sự phê duyệt của lãnh đạo đơn vị. Nếu doanh nghiệp có ý kiến đề nghị, giải trình cụ thể, xin chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể (Thư viện pháp luật, 2020).