MB Bank cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số để tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, giảm dần cạnh tranh về giá như các ngân hàng thương mại đang thực hiện qua đó xây dựng được các sản phẩm thân thiện hơn với khách hàng để có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Ví dụ ngân hàng ICICI đã phát triển một phần mềm về du lịch dựa trên thông tin thẻ và thói quen sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng. Ngân hàng này đã liên kết với các trang trung gian về du lịch/đặt phòng trực tuyến như Agoda, Traveloka để xây dựng website về 20 quốc gia được du khách đặt chân nhiều nhất và liên kết đến website của ICICI. Đồng thời, ngân hàng này thuê khoảng 20 bloger được Follow nhiều nhất trên mạng xã hội để họ thường xuyên cập nhật các bài viết mới, tạo hiệu ứng chia sẻ, thu hút khách hàng. Sau đó nếu các khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng khi đi du lịch sẽ được giảm giá, ưu đãi sử dụng dịch vụ… Các tiện ích này góp phần giữ chân khách hàng một cách bền vững.
Hoặc ngân hàng có thể phát triển nền tảng (Platform) để kết nối các chủ doanh nghiệp, người siêu giàu phục vụ trao đổi ý tưởng kinh doanh cho cộng đồng doanh nhân, ngân hàng chưa thu tiền từ các dịch vụ này; Với thế mạnh của các bộ phận chuyên môn như Ban Pháp chế, Trung tâm nghiên cứu, Định chế tài chính, FDI, ngân hàng có thể xây dựng các diễn đàn kết nối, hỗ trợ các thủ tục pháp lý của
Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường nước ngoài.
Tại Việt Nam, cuối năm 2018, Vietinbank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Opportunity Network (ON) - Một Fintech của nước ngoài để triển khai dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa. Đó là dịch vụ phát triển dựa trên thuật toán độc quyền, được thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác toàn cầu. Nhờ đó, việc kết nối nhu cầu chiến lược của mỗi thành viên một cách đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài ra, mọi thành viên đều được giới thiệu và lựa chọn bởi những tổ chức tài chính uy tín dựa trên một số tiêu chuẩn nhất định tạo nên một mạng lưới kết nối các nhu cầu, cơ hội kinh doanh hấp dẫn, tin cậy; Mọi cơ hội đều được đăng tải theo phương thức ẩn danh, bảo đảm bảo mật thông tin khách hàng - thông tin về đối tác sẽ chỉ được chia sẻ khi khách hàng lựa chọn một cơ hội kết nối cụ thể và nhận được “chấp thuận” của đối tác. Cùng với đó, quy trình tham gia dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa, lựa chọn các cơ hội tìm kiếm đối tác hết sức đơn giản. Các khách hàng hội đủ tiêu chuẩn sẽ nhận được thư mời từ VietinBank. Khách hàng chỉ cần chấp nhận thư mời, hoàn thiện mẫu đăng ký là có thể tham gia dịch vụ kết nối khách hàng với tư cách thành viên. Dịch vụ kết nối khách hàng này đặc biệt hữu ích đối với các SMEs (mạng lưới đối tác khách hàng của phân khúc này chưa đa dạng nên doanh nghiệp phải bỏ nhiều chi phí, nhân lực để tìm kiếm các đối tác). Từ nền tảng công nghệ số hóa, dịch vụ kết nối khách hàng cho phép khách hàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh đa dạng như mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác chiến lược kêu gọi tham gia vốn, nhận chuyển giao công nghệ và con người, mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác liên doanh cho đến các cơ hội về đầu tư cải tiến máy móc trang thiết bị. Từ đó mở rộng hoạt động ở các thị trường mới, tăng cường hợp tác thương mại xuyên biên giới, tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, huy động vốn, phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, MB Bank cần xây dựng và thực hiện chương trình tài chính toàn diện (Fiancial Inclusion): Gắn với đẩy mạnh phát triển các hệ thống thanh toán, chuyển tiền ở khu vực nông thôn; Tập trung phát triển, mở rộng các mô hình ứng
dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngân hàng cần thực hiện đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động, ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ có tính sáng tạo, cạnh tranh trên thị trường trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), bảo mật, tự động hóa, kết nối Internet vạn vật (Internet of Things) theo hình thức tự nghiên cứu phát triển hoặc hợp tác với các đối tác có thế mạnh để triển khai; xây dựng sản phẩm chuẩn cho số đông khách hàng, sản phẩm may đo (taylor made) cho từng nhóm khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, cần nghiên cứu cải tiến để đưa tối đa các sản phẩm phù hợp từ kênh truyền thống lên kênh số để tiếp cận, phục vụ khách hàng, tiết kiệm chi phí.
Về điều chỉnh sản phẩm hướng theo khách hàng: Các sản phẩm của MB Bank cần đi sát với đời sống của từng cá nhân (Finlife). Đặc biệt, cần có chức năng tư vấn giống như trợ lí tài chính (tương tự kinh nghiệm Singapore đã triển khai). Các giải pháp phải gần gũi, có tính tương tác cao, trong đó khách hàng là trung tâm và MB Bank đóng vai trò là một đối tác uy tín, tin cậy, bảo mật tốt thông tin tài chính và giúp khách hàng sinh lợi, tư vấn thông minh. Ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ tích hợp các loại thẻ hiện có của MB Bank lên ứng dụng Viettelpay để tạo lợi thế dẫn dắt thị trường và tận dụng mạng lưới POS đã đầu tư trong thời gian vừa qua; Với Bankplus, phát triển đầy đủ sản phẩm thanh toán hóa đơn đối với các dịch vụ cơ bản của hộ gia đình và cá nhân để phát triển hệ sinh thái thanh toán cho khách hàng. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai giải pháp mPOS để phục vụ các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, bệnh viện, Trung tâm thương mại và đẩy mạnh phát triển các hệ sinh thái cho người dùng như bổ sung kết nối đến các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống, tiêu dùng tương tự hệ sinh thái Vingroup đang nỗ lực hướng tới phục vụ khép kín cuộc sống của khách hàng