Nguyên nhân chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm triển khai Kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam. (Trang 28 - 33)

1.2.1.1. Những hạn chế của nền kinh tế tuyến tính

Nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn xuất phát từ những hạn chế mà nền kinh tế tuyến tính đang gặp phải.

cách mạng công nghiệp nổ ra cách đây 150 năm, trong suốt quá trình phát triển và đa dạng hóa, nền kinh tế công nghiệp, phương thức sản xuất và tiêu thụ được thiết kế theo mô hình tuyến tính hay mô hình “sản xuất - sử dụng - loại bỏ”. Các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất và bán sản phẩm cho người tiêu dùng, người tiêu tùng sau đó thải bỏ sản phẩm khi hết mục đích sử dụng. Một phần rất nhỏ trong số các sản phẩm bị thải bỏ được tái chế, số còn lại trở thành rác thải và bị đem đi chôn lấp, thiêu hủy.

Các mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại đang khiến cho các nguồn tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng. Theo số liệu của WEF, nền kinh tế toàn cầu đã tiêu thụ khoảng 65 tỷ tấn nguyên liệu thô vào năm 2010, con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 82 tỷ tấn vào năm 2020 (WEF, 2012). Trong quá trình sản xuất hàng hóa theo mô hình của nền kinh tế tuyến tính, một khối lượng vật liệu đáng kể thường bị mất đi trong khâu khai thác và sản xuất sản phẩm. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển bền vững châu Âu (SERI), ước tính mỗi năm, việc sản xuất các sản phẩm ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm mất đi hơn 21 tỷ tấn nguyên liệu không thể tái sử dụng như các lớp đất đá bị đổ bỏ sau khi khai thác mỏ, những sản lượng không mong muốn từ việc đánh bắt cá (các loài cá nhỏ và các loài cá không phải mục tiêu đánh bắt), những sản lượng hỏng hủy trong sản xuất nông nghiệp, cũng như việc đào đất và nạo vét vật liệu từ các hoạt động xây dựng (CRCLR, 2019).

Trong sản xuất thực phẩm, nguyên liệu đầu vào bị lãng phí do sâu bệnh hoặc mầm bệnh, do năng suất kém hoặc vấn đề trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và tại nhà bán lẻ do thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc được bảo quản trong các điều kiện không đảm bảo cũng cực kỳ lớn. Tính sơ bộ trên toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, các sản phẩm bị hỏng chiếm 1/3 thực phẩm được sản xuất ra mỗi năm (FAO, 2011).

Xét riêng tại châu Âu, việc lãng phí nguyên liệu vẫn đang diễn ra hàng ngày. Có tới 2,7 tỷ tấn chất thải đã được tạo ra trong năm 2010, nhưng chỉ khoảng 40% trong số đó được tái sử dụng và tái chế. Theo UNEP, trong số 60 kim loại trên thế giới chỉ thì có 1/3 đạt được tỷ lệ tái chế, tỉ lệ tái chế cũng hết sức khiêm tốn chỉ

khoảng hơn 25% (UNEP, 2011). Ngay cả đối với các kim loại quý và có tỷ lệ tái chế cao, một lượng lớn vẫn bị mất đi, ước tính mức lỗ hàng năm do mất nguyên liệu là 52 tỷ USD (Eurostat, 2016). Từ năm 2000, giá kim loại, cao su và năng lượng lần lượt tăng 176%, 350% và 260% do sự khan hiếm toàn cầu. Việc khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên gây thiệt hại tối thiểu 3,7 nghìn tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm (EC, 2014). Không chỉ kim loại, lãng phí nguyên vật liệu cũng xảy ra ở một số ngành sản xuất và xây dựng. Các nguyên vật liệu như đá vụn, thép, gỗ, bê tông bị loại bỏ trong quá trình xây dựng và phá hủy các tòa nhà chiếm 26% tổng lượng chất thải rắn phi công nghiệp được sản xuất tại Mỹ. Chỉ có chưa đầy 20% đến 30% của tất cả chất thải xây dựng và chất thải còn thừa khi phá dỡ được tái chế hoặc tái sử dụng (U.S. EPA, 2009).

- Ảnh hướng đến hệ sinh thái: Hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền Kinh tế tuần hoàn tạo ra chất thải và khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong vòng hai thế kỷ qua, biến đổi khí hậu, sự xói mòn từ các tài nguyên rừng, đất, nước đã khiến hệ sinh thái của trái đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng tiêu thụ tài nguyên của con người hiện vượt quá 60% khả năng cung ứng của hệ sinh thái Trái đất. Chỉ riêng việc mất đa dạng sinh học do phá rừng đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại lên tới 4,5 triệu USD/năm tương đương 650 USD/người, không kể những thiệt hại do việc thâm canh và biến đổi khí hậu (Indepentdent, 2010). Trong khi đó, các loại chất thải từ các ngành nghề không được quản lý và thu gom xử lý tập trung đúng cách, dẫn đến một loạt các vấn đề về môi trường và hệ sinh thái. Ngoài đại dương, rác thải tích tụ trên các bãi biển lẫn trong nguồn thức ăn của cá, chim và các động vật khác và cuối cùng lẫn trong thức ăn của con người.

Như vậy, nền kinh tế tuyến tính mặc dù cho thấy một sự phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng vượt trội của một số ngành nghề kinh tế trong thời gian qua nhưng cũng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, phá hủy kết cấu hệ sinh thái, dẫn tới những nguy cơ tổn hại toàn cầu cho con người. Điều này đòi hỏi nền kinh tế phải chuyển mình, vận hành theo một cách thức mới để bảo toàn đa dạng hệ sinh thái, đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn.

1.2.1.2. Những yếu tố thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn

Mặc dù hiện tại mô hình kinh tế tuyến tính vẫn là mô hình phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, chi phí sản xuất thấp và được hỗ trợ bởi các công nghệ sản xuất hiện đại, chuỗi cung ứng toàn cầu hóa, nhân công giá rẻ và các dây chuyền tự động. Tuy nhiên, mô hình hiện tại lại không tối đa hóa hiệu suất sử dụng năng lượng. Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên có hạn, Kinh tế tuần hoàn bộc lộ rõ nhiều hạn chế và gây tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi mô hình hoạt động của nền kinh tế sang Kinh tế tuần hoàn.

- Dân số thế giới ngày càng tăng đặc biệt là giới trung lưu. Năm 2050, dự kiến dân số toàn cầu sẽ đạt 9 - 10 tỷ người, trong đó nổi lên là tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu về nguyên liệu để phục vụ sản xuất đang ngày càng tăng (World Bank, 2019). Ngoài tác động môi trường tiêu cực lên môi trường cao hơn, dân số cao dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, mỗi quốc gia đã trải qua một quá trình chuyển đổi kinh tế đáng kể về cả phạm vi và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong những thập kỷ qua. Một lượng lớn người tiêu dùng trung lưu mới có thể tham gia vào nền kinh tế toàn cầu nếu hai nước tiếp tục mô hình tăng trưởng hiện tại. Lượng người tiêu dùng mới sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên.

- Nhu cầu cơ sở hạ tầng. Cơ cấu dân số lớn đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn hơn. Các công cụ kĩ thuật để khai thác cũng cần được cải tiến để khai thác nguồn tài nguyên mới mà hiện tại chưa thể khai thác được. Các mỏ tài nguyên mới vẫn có thể tồn tại, nhưng khai thác chúng sẽ đòi hỏi việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới. Ước tính để đáp ứng nhu cầu trong tương lai về thép, nước, nông sản và năng lượng sẽ cần tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khoảng 3.000 tỷ USD/năm. Số tiền cao hơn khoảng 60% so với mức đầu tư hiện tại (McKinsey, 2013). Nếu khoản đầu tư này không giúp tìm ra các mỏ tài nguyên mới, thì nguồn cung tài nguyên càng trở nên hạn hẹp. Công nghệ và cơ sở hạ tầng mới có lẽ là thách thức đối với các nền kinh tế phát triển, khi mà công nghệ và năng suất tại các nước này gần như đã đến giới hạn của công nghệ hiện tại.

- Các bãi chôn lấp rác đã gần quá tải. Ở một số nơi trên thế giới như tại Hy Lạp, Ấn Độ, Việt Nam, chất thải rắn đô thị được chôn lấp ở các bãi rác không đạt tiêu chuẩn (BBC, 2013). Việc chôn lấp rác ở những vị trí như vậy gây ra rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường như nước rỉ rác, bụi, mùi, gánh nặng giao thông địa phương và khí thải nhà kính. Các chất thải chôn lấp đều tạo ra khí phân hủy trong điều kiện yếm khí. Khí phân hủy bao gồm khoảng 50% khí mê- tan, là khí nhà kính mạnh hơn hai mươi lần so với CO2. Đối với mỗi hộ gia đình ở Anh, quần áo chôn lấp tạo ra khoảng 1,5 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm chiếm 0,3% tổng lượng phát thải (Iain MacLeay, Kevin Harris, Anwar Annut, 2012). Rất nhiều các khu vực chôn lấp rác đang dần hết chỗ. Bắc Kinh sẽ không còn không gian chôn lấp trong 4 năm nữa, tại New Zealand trong khoảng 12 năm và Vương quốc Anh sẽ hết công suất chôn lấp vào năm 2027 nếu tiếp tục các hoạt động xử lý như hiện hiện tại. Tại Việt Nam nhiều bãi rác cũng trong tình trạng quá tải và nguy cơ đóng cửa trong năm 2020, UBND Hà Nội cho biết Hai bãi rác lớn nhất của thành phố là bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn đang phải hoạt động quá công suất và nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ buộc phải đóng bãi vào cuối năm 2020 (Báo Tài nguyên & Môi trường, 2020).

- Căng thẳng địa chính trị gia tăng. Những cuộc căng thẳng và cạnh tranh chiến lược địa chính trị gây ảnh hưởng với nguồn cung hàng hóa. Nhiều trường hợp xung đột chính trị đã làm giá cả hàng hóa tăng cao như lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập năm 1972, lượng xuất khẩu dầu mỏ giảm sau cuộc cách mạng Iran 1978, cú sốc giá sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq năm 1990... Trữ lượng kim loại quý và tài nguyên dầu mỏ phần lớn nằm ở các quốc gia bất ổn về chính trị như Iran, Iraq, Venezula... Khoảng 80% đất canh tác, 64.5% trữ lượng dầu trên thế giới và 38.4% trữ lượng khí đốt nằm ở các quốc gia Trung Đông này (OPEC, 2018). Với việc các cuộc xung đột chính trị đang ngày càng có xu hướng gia tăng tại các điểm nóng dầu mỏ sẽ tạo ra rào cản thương mại, tình trạng độc quyền…làm trầm trọng thêm sự khan hiếm tài nguyên và đẩy giá hàng hóa và mức độ biến động giá lên cao.

- Biến đổi khí hậu. Một số ngành công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực nước và nông nghiệp. Biến đổi

khí hậu gây ảnh hưởng đến dòng chảy và sự di chuyển của những tảng băng và qua đó ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cung nước ngọt, mô hình xói mòn, nhu cầu tưới tiêu và công tác quản lý lũ lụt. Nhu cầu nước toàn cầu được dự báo sẽ tăng 55% vào năm 2050, chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành sản xuất (tăng 400%). OECD dự báo hơn 40% dân số toàn cầu sẽ phải sống trong các khu vực khan hiếm nguồn nước vào năm 2050 (UNWATER, 2012).

Liên kết những yếu tố này lại với nhau có thể thấy thách thức đối với mô hình kinh tế tuyến tính là rất lớn. Thị trường sẽ không thể tự khắc phục được những mặt hạn chế của dây chuyền sản xuất và nếu không thể thay đổi tư duy, hành vi hiện tại của nhà sản xuất và người tiêu dùng thì không giải quyết được bài toán mất cân bằng trong khai thác và sử dụng tài nguyên cũng như đáp ứng nhu cầu của người dùng toàn cầu ngày càng lớn trong tương lai. Ngay cả khi nền kinh tế tuyến tính đáp ứng sự khan hiếm nguồn cung, những hậu quả về xã hội và môi trường vẫn hiện hữu. Để tiếp tục phát triển lâu dài, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi một nền kinh tế vẫn đáp ứng nhu cầu của con người mà không gây tác động tiêu cực lên môi trường và không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Việc này không chỉ đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy tách rời việc sử dụng nguyên liệu thô và việc tăng trưởng kinh tế, mà còn đòi hỏi thay đổi tư duy trong việc tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm đảm bảo an ninh và bền vững nguồn cung nguyên liệu là điều kiện tiên quyết cho việc này. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải là không thể đạt được và hiện nền kinh tế tuần hoàn là câu trả lời cho những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21, đó là việc khai thác và sử dụng nguyên liệu thới hiệu quả cao hơn và và tìm ra giải pháp cho những tác động tiêu cực lên hệ sinh thái môi trường.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm triển khai Kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam. (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)