Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu TRẦN-NGUYỄN-TUẤN-ANH-1906020207-QTKD-Ban cuoi (Trang 47 - 49)

Sau khi tổng hợp và đánh giá những ưu, nhược điểm của các nghiên cứu có trước, tác giả quyết định sử dụng mô hình của Joseph K. Nwankpa và Yaman Roumani (2016) làm cấu trúc nền tảng của mô hình nghiên cứu. Tuy nhiên, để đạt được mục đích nghiên cứu như đã trình bày ở chương 1, cũng như đáp ứng sự phù hợp với thực tế về cơ cấu tổ chức, nhân sự và ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel và xu hướng phát triển nhanh của Chuyển đổi số, tác giả đã điều chỉnh, bổ sung một số nhân tố và đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất cùng các giả thuyết tương ứng.

Các biến nhân tố khẩu học như độ tuổi, thâm niên làm việc, chuyên môn, vai trò trong công việc và lĩnh vực kinh doanh mà công ty của nhân sự đang hoạt động trong Tập đoàn cũng được xem xét như các biến điều chỉnh của mô hình.

Hình 3.2 Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

Ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Công nghệ thông tin có tác động tích cực lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là quan điểm đã được chứng minh trong các nghiên cứu của Hitt và cộng sự (1996), Bharadwaj (2000) và Santhanam và cộng sự (2003). Công nghệ thông tin cho phép các công ty cải tiến quy trình kinh doanh và nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh (Melville và cộng sự, 2004), (Stoel và cộng sự, 2009), (Chen và cộng sự, 2014). Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây về hệ thống thông tin tiếp tục đặt câu hỏi về tác động trực tiếp của công nghệ thông tin đối với hoạt động của doanh nghiệp (Carr, 2003), (Chen và cộng sự, 2014). Ví dụ, Mithas và cộng sự (2011) nhận thấy rằng công nghệ thông tin đã góp phần vào hiệu quả hoạt động của công ty bằng cách tạo điều kiện cho các năng lực khác của công ty như khả năng chăm sóc khách hàng, khả năng quản lý quy trình và hiệu suất. Các nghiên cứu gần đây cũng thể hiện sự thiếu nhất quán về cách công nghệ thông tin tác động tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Melville và cộng sự, 2004), (Kohli và cộng sự, 2008) khi mà một số quan điểm cho thấy rằng mối liên hệ giữa công nghệ thông tin và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần được kiểm tra lại (Chen và cộng sự, 2014). Tuy nhiên, hầu hết

các học giả cho rằng công nghệ thông tin thực sự đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của công ty. Thật vậy, công nghệ thông tin giúp các công ty tạo ra thị trường ngách và làm khác biệt hóa các dịch vụ, sản phẩm của họ trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh (Tan và cộng sự, 2000). Tương tự, nhà nghiên cứu Bharadwaj (2000) đã phân tích hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bằng cách sử dụng ma trận hiệu suất dựa trên lợi nhuận và chi phí và kết quả cho thấy rằng các công ty có công nghệ thông tin tốt hơn có xu hướng đạt được hiệu quả vượt trội hơn các đối thủ của họ. Vì vậy, có thể cho rằng các doanh nghiệp có năng lực công nghệ thông tin tốt hơn có nhiều khả năng huy động, triển khai và tận dụng nguồn lực công nghệ thông tin để kết hợp với các nguồn lực hiện có, giúp họ đạt được hiệu suất tốt hơn. Quan điểm này dẫn đến giả thuyết nghiên cứu:

H: Công nghệ thông tin ảnh hưởng thuận chiều tới Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu TRẦN-NGUYỄN-TUẤN-ANH-1906020207-QTKD-Ban cuoi (Trang 47 - 49)