I. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ xe ôtô đóng mới của Nhà
1. Nhân tố bên trong:
1.1. Khả năng tài chính.
Khả năng tài chính của một doanh nghiệp trực tiếp tác động đến kết quả và hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm trong mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Về khả năng tài chính của Nhà máy sản xuất ôtô 3-2: Vốn cố định: 150 tỷ đồng.
Vốn đầu tư cho xây dựng phòng trưng bày sản phẩm ôtô: 4 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho xây dựng nhà xưởng: 3 tỷ đồng.
Vốn đầu tư cho mua sắm máy móc thiết bị xưởng: 14tỷ đồng. Tài sản cố định khác: 70 triệu đồng.
Vốn lưu động:59 tỷ đồng.
Khả năng vay vốn: là một đơn vị trực thuộc Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội, lại là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động từ khá lâu trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nên với uy tín của mình, các khoản vay của Nhà máy chỉ cần có sự bảo lãnh của Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam là không cần phải thế chấp. Đây là một lợi thế rất lớn của Nhà máy, giúp Nhà máy dễ dàng tăng thêm nguồn vốn mỗi khi cần đầu tư vào các máy móc thiết bị hay nhà xưởng.
Hiện tại Nhà máy cũng đang đầu tư xây dựng khu sản xuất ở Hưng Yên, dự kiến sẽ chuyển toàn bộ Nhà máy xuống cơ sở II tại Hưng Yên. Khi đó, việc sản xuất
ôtô sẽ được chuyên môn hoá hơn, năng lực sản xuất và chất lượng ôtô đóng mới tăng góp phần tăng số lượng ôtô tiêu thụ.
1.2. Hoạt động marketing.
Mục tiêu của hoạt động marketing là thoả mãn các nhu cầu và mong muốn của khách hàng, đảm bảo cung cấp sản phẩm , dịch vụ ổn định với chất lượng theo yêu cầu của sản xuất và giá cả phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiêu thụ, đạt được lợi nhuận cao và giành thắng lợi trong cạnh tranh. Hoạt động marketing càng có chất lượng và ở phạm vi rộng bao nhiêu thì doanh nghiệp càng có thể tạo ra các lợi thế chiến thắng các đối thủ cạnh tranh bấy nhiêu.
Thứ nhất, về chính sách giá cả, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêu thụ của Nhà máy. Một chiếc xe ôtô được bán ra có giá hàng trăm triệu. Chính vì vậy, việc định giá luôn là một công việc đòi hỏi Nhà máy phải suy nghĩ. Nếu định giá quá thấp sẽ không có lãi, nếu giá quá cao thậm chí cao hơn đối thủ cạnh tranh thì sẽ không bán được hàng. Chính vì vậy, việc định ra chính sách giá cả cụ thể phải gắn với thực trạng và dự báo về cung - cầu thị trường, cạnh tranh,… chứ không phải định giá một cách tuỳ tiện. Xét về thị trường ôtô thì đây là một thị trường có tính cạnh tranh tương đối cao, nhất là từ khi có sự xuất hiện của các hãng ôtô nước ngoài. Chính vì vậy, chính sách giá cả của ôtô đóng mới do Nhà máy sản xuất phải rất nhạy cảm với giá thị trường. Và muốn bán ra thị trường với giá thấp đồng nghĩa với việc Nhà máy phải tối thiểu hoá chi phí kinh doanh tức là làm cho chi phí kinh doanh thực tế phát sinh giảm tới mức có thể.
Thứ hai, chính sách xúc tiến, bao gồm các chính sách quảng cáo như: việc lựa chọn hình thức quảng cáo trên đài, tivi, báo chí, phim ảnh, hội nghị khách hàng, thông qua hội chợ triển lãm,…; chính sách khuyến mại, khuyến mãi như: phiếu dự thi, quay sổ xố, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà, giảm giá hay bán kèm, chiết khấu,... Phải thừa nhận rằng, các chính sách này đều có tác động rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của bất kỳ một doanh nghiệp thương mại nào. Tuy nhiên, Nhà máy lại chưa chú trọng đến chính sách này. Đến nay thì chưa có một hình thức
quảng cáo nào được xúc tiến. Một hình thức quảng cáo duy nhất của Nhà máy để khuếch trương tên tuổi của mình đó là tham gia vào hội chợ triển lãm ôtô của Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam, thông qua triển lãm này giúp Nhà máy giới thiệu những mẫu ôtô mới. Việc tham gia triển lãm có tác dụng rất lớn tr ọng việc quảng bá tên tuổi, thương hiệu của Nhà máy, giúp cho khách hàng biết đến nhiều hơn sản phẩm của mình và giúp tăng khả năng tiêu thụ xe. Nhưng triển lãm này cũng không được tổ chức thường xuyên và cũng không phải lần nào Nhà máy cũng tham gia. Cho đến nay, Nhà máy mới chỉ thực hiện chính sách khuyến mãi nhưng chưa phong phú, đa dạng, đó là mới chỉ thực hiện hình thức chiết khấu, giảm giá cho các khách hàng mua ôtô nhiều lần hoặc mua với số lượng từ 2 chiếc trở lên.
Thứ ba, chính sách phân phối: trực tiếp hay gián tiếp, hệ thống các điểm bán hàng, các điều kiện về kho tàng, vận chuyển,… cũng là những nhân tố quan trọng tác động đến hoạt động tiêu thụ xe ôtô của Nhà máy. Việc phân phối sản phẩm trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào sản phẩm và chính sách của doanh nghiệp. Tại thị trường miền Bắc thì việc phân phối sản phẩm được tiến hành trực tiếp, nhưng việc phân phối tại thị trường hai khu vực miền Trung, miền Nam thì phải qua các đại lý trung gian do hệ thống điểm bán hàng của Nhà máy chưa có. Hiện tại mới chỉ có một điểm bán hàng duy nhất là ngay tại Nhà máy. Những hạn chế trong việc phân phối cũng ảnh hưởng nhiều đến lượng xe ôtô tiêu thụ của Nhà máy.