Các công trình nghiên cứu về tài năng thể thao đều xác định: Tài năng thể thao được công nhận là một thành phần của vốn tài năng quốc gia, là sản phẩm của sự thổng hợp đầu tư của toàn xã hội và sự tự hoàn thiện khả năng chính mình. Tính theo thuộc tính cá nhân thì tài năng mang đặc trưng cá nhân rõ nét.
Tài năng thể thao cũng như các tài năng khác có những đặc trưng cá nhân rất riêng biệt, không bao giờ hoàn toàn giống nhau, không mang tính phổ biến dù ở phạm vi hẹp cho nên việc đầu tư để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bảo vệ cần được tiến hành có chủ đích, có kế hoạch và liên tục.
Mục tiêu cao nhất của thể thao thành tích cao là làm bộc lộ và khai thác mức độ tối đa tiềm năng thể chất con người thể hiện bằng thành tích thể thao cao nhất của họ. Về bản chất, các tài năng thể thao thể hiện năng lực thể chất tối đa của con người.
Trong huấn luyện – quá trình giáo dục đặc biệt - phải lấy đặc điểm cá nhân để tiến hành cho phù hợp. Tài năng thể thao là thành quả của xã hội băn minh loài người, có giá trị mới cống hiến cho xã hội, nhưng quá trình bồ dưỡng người tài lại không mang tính phổ biến, không kích thích xã hội. Chỉ có kết quả đào tạo người tài thể thao mới có giá trị cống hiến cho xã hội.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao (Odolin M.G, Nabatnhicova, Phan Hồng Minh…) trong các công trình nghiên cứu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga… đã tiến hành phân loại và nêu các đặc tính của người tài thể thao. Quá trình huấn luyện người tài thể thao có yêu cầu cao và nghiêm ngặt. Trong quá trình đó, người tập phải chủ yếu dùng hoạt động thể lực trực tiếp tham gia và phải tuân theo những quy luật riêng để đạt được mục đích trở thành người tài thể thao – vận động viên tài năng.
Xét từ bản chất phân loại người tài thể thao cho thấy, điều quan trọng nhất là phải có người phù hợp và thích nghi với môn thể thao nào đó. Bất cứ người tài thể thao nào cũng phải căn cứ vào tính chất của môn thể thao để không ngừng hoàn thiện, tích lũy năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng trong quá trình đào tạo.
Từ những nghiên cứu tổng hợp trên cho thấy: vận động viên trở thành tài năng thể thao chỉ khi trải qua quá trình khai thác, phát triển, bồi dưỡng tiềm năng của cá thể để trở thành năng lực của mình với mức độ phát triển tối đa. Do đó, việc đào tạo vận động viên phải đứng trên quan điểm của đào tạo tài năng thể thao.