Khái niệm về quản lý

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐÀO TẠO TÀI NĂNG GOLF TRẺ TẠI HỌC VIỆN GOLF QUỐC GIA (Trang 36 - 38)

Quản lý là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong thế giới hiện tại. Tuy nhiên, ở nước ta, việc đi sâu nghiên cứu quản lý nói chung, quản lý nhà nước nói riêng trong đó có quản lý Nhà nước về TDTT mới ở bước đầu và chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu. Vì vậy, tìm hiều và trình bày một cách có thệ thống các khái niệm về quản lý để vận dụng vào lĩnh vực TDTT gặp nhiều khó khăn.

Lý thuyết quản lý được xây dựng trên cơ sở Điều Khiển học. Cybernetics (theo nghĩa Hy Lạp cổ có nghĩa là nghệ thuật điều khiển, nghệ thuật quản lý): là khoa học về các quy luật chung nhất của các quá trình truyền thông và điều khiển trong các máy móc, trong các cơ thể sống và trong xã hội.

Căn cứ vào lĩnh vực ứng dụng các phương pháp và phương tiện điều khiển học, người ta phân biệt các lĩnh vực: điều khiển học kỹ thuật, điều khiển học sinh học, điều khiển học xã hội, điều khiển học y học, điều khiển học kinh tế học...

Theo M.Ia Nabatnhicova: “Theo quan điểm hiện đại, quản lý là một quá trình lãnh đạo có mục đích từ phía những nhân vật (những tổ chức) riêng biệt đối với một đối tượng (một tập thể, một tổ chức) nhất định nhằm đảm bảo thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra và đạt được hiệu quả cần thiết. Dưới dạng chung nhất, quản lý là một chu kỳ khép kín của những hành vi liên quan chặt chẽ với nhau nhằm đề ra, thực hiện và kiểm tra những quyết định cụ thể. Quy

trình quản lý gồm có một số giai đoạn: Thông qua quyết định, tổ chức thực hiện, thu thập và xử lý thông tin, tổng kết.

Quản lý được coi là công nghệ vì đó là phương thức tổ chức và thực hiện quá trình quản lý trên cơ sở tổng thể những phương pháp, biện pháp, cách thức được tiến hành theo một trật tự nhất định để thực hiện các chức năng quản lý có hiệu quả. Hệ thống các phương pháp quản lý phải đảm bảo tính nhất quán chặt chẽ của những hoạt động (quy tắc, chế độ) trong tất cả các khâu của quá trình quản lý. Trong quá trình quản lý, người lãnh đạo phải biết sắp xếp các bước và áp dụng những phương pháp soạn thảo quyết định; những phương pháp tổ chức thực hiện các quyết định, duy trì sự thống nhất, xóa bỏ sự không ăn khớp, những phương pháp kiểm tra quá trình hoạt động tình hình đạt kết quả so với mục tiêu đề ra.

Quản lý là một hệ thống hoạt động do chủ thể quản lý tác động lên khách thể quản lý bằng phương thức tác động thích hợp để đạt hiệu quả tương ứng với mục đích đã định.

Như vậy, nói tới quản lý là nói đến: - Chủ thể quản lý (ai quản lý?).

- Khách thể (hay đối tượng) quản lý (quản lý ai? quản lý cái gì?)

- Quan hệ quản lý giữa chủ thể và khách thể (quản lý như thế nào? Quản lý bằng cách gì?).

Ở đây cần chú ý:

- Chủ thể quản lý là bên làm nảy sinh tác động quản lý, chủ thể quản lý tồn tại chính là vì khách thể, nếu không có khách thể thì chủ thể không có gì để quản lý, chủ thể tồn tại và hoạt động không có mục đích.

- Khách thể quản lý là bên sản sinh ra các giá trị, hiệu quả tương ứng với mục đích đã đề ra, khách thể luôn luôn tác động và phản ánh tiến trình hoạt động cho chủ thể biết để áp dụng tác động và điều chỉnh tác động nếu cần.

- Việc tiến hành tác động và tiếp nhận tác động trong quản lý đòi hỏi phải có những phương thức – biện pháp hành động và điều kiện đảm bảo cần thiết.

Cuối cùng, nếu khách thể không sản sinh ra hiệu quả mong muốn thì phải xem xét lại, có thể do chủ thể hoặc khách thể, hoặc cả hai bên có tồn tại những sai lệch cần phải khắc phục.

Theo tài liệu “Quản lý học TDTT” của Trung Quốc thì định nghĩa quản lý có thể hiểu như sau:

- Quản lý có thể hiểu là cai quản và xử lý.

- Bất kỳ sự quản lý nào cũng là quản lý một hệ thống nào đó. Dùng quan điểm hệ thống để xem xét thì quản lý là một hoạt động tổng hợp về kế hoạch, tổ chức, điều khiển... nhằm thực hiện mục tiêu của hệ thống và không ngừng nâng cao hiệu quả công việc.

Từ tài liệu nghiên cứu về quản lý có thể hàm ý từ quản lý bao gồm:

- Quản lý biểu hiện một loại hoạt động, một hiện tượng xã hội tồn tại do xã hội loài người sản sinh ra.

- Hoạt động đó dược tiến hành có tổ chức, có kế hoạch.

- Hoạt động đó có tính tổng hợp, biểu hiện bằng một loạt hoạt động có kế hoạch, có tổ chức, có điều khiển, có điều tiết.

- Là hoạt động được tiến hành do nhà nước quản lý thông qua những quyết định đúng đắn và chỉ dẫn bắt buộc đối với người bị quản lý.

- Hoạt động phải có mục đích và nói chung là không ngừng nâng cao hiệu quả của hệ thống.

Các tác giả đều nêu rõ độ phức tạp của hệ thống quản lý vì:

- Trong một hệ thống quản lý, bản thân chủ thể hay khách thể cũng có thể là một hệ thống quản lý.

- Trong một hệ thống quản lý, một chủ thể có quan hệ với nhiều khách thể hay ngược lại.

- Chủ thể của một hệ thống quản lý là khách thể của một hệ thống quản lý khác cao hơn, lớn hơn và ngược lại.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐÀO TẠO TÀI NĂNG GOLF TRẺ TẠI HỌC VIỆN GOLF QUỐC GIA (Trang 36 - 38)

w