Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga trong giai đoạn 2013 – 2020, đặc biệt là trong bối cảnh thực thi FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Liên bang Nga nhìn
chung duy trì sự tăng trưởng ổn định nhưng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong giai đoạn này lại có xu hướng bất ổn hoặc giảm dần. Cụ thể, các nhóm hàng dệt may thuỷ sản và các mặt hàng như cà phê, hạt điều có sự giảm sút về kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn này. Điều này do những khó khăn của nền kinh tế Nga trong năm 2015 và năm 2016 dẫn đến giảm kim ngạch nhập khẩu và trong 3 năm gần đây, mặc dù kim ngạch nhập khẩu của các nhóm hàng này đã tăng trưởng trở lại nhưng tốc độ tăng trưởng còn ở mức khá chậm.
Về thị phần hàng hóa xuất khẩu, mặc dù ở một số mặt hàng chủ lực, hàng
hoá của Việt Nam chiếm thị phần khá lớn trên thị trường Liên bang Nga như hồ tiêu, hạt điều, cà phê nhưng thị phần của hàng hoá Việt Nam nói chung trên thị trường Liên bang Nga vẫn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 1%. Điều này bởi những mặt hàng trên chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu hàng hoá của Liên bang Nga, trong khi đó, những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn của Liên bang Nga lại không phải là mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, sự đa dạng trong hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản, thuỷ sản và dệt may chiếm đến gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong các nhóm hàng này, tính đa dạng của sản phẩm cũng chưa cao. Ví dụ, với nông sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu và cao su chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Do thiếu sự đa dạng trong các mặt hàng nên mặc dù dung lượng thị trường Liên bang Nga còn khá lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nếu không có chiến lược sản phẩm đa dạng thì vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường.
Những hạn chế kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, khả năng thâm nhập thị trường Liên bang Nga của các doanh
nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Với các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga, Chính phủ đã làm tốt công tác đàm phán để Liên bang Nga cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm
dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được Liên bang Nga giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào thị trường Nga.
Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam chưa phát huy tối đa
hiệu quả. Hàng hóa Việt Nam mới đang bước đầu vào được trực tiếp thị trường phân phối ở Liên bang Nga. Hoạt động xúc tiến thương mại nhìn chung chưa được đồng đều và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiếp thị và thâm nhập thị trường Liên bang Nga. Việc tiếp cận thị trường để tìm kiếm khách hàng mới và giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn còn hạn chế về quy mô và hình thức thực hiện. Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại còn thấp so với nhiệm vụ duy trì, phát triển thị trường và nhu cầu doanh nghiệp; tỷ trọng so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực.
Thứ ba, khó khăn khách quan về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, chính trị. Rào
cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh cũng tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa và vận chuyển nên đã hạn chế xuất khẩu của Việt Nam vào Nga. Khó khăn về xu hướng bảo hộ, quy định tiêu chuẩn cao tại các thị trường nhập khẩu như các quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; chính sách bảo hộ cao đối với sản xuất nông nghiệp nội địa; các quy định mới về kiểm nghiệm kiểm dịch và thực hiện kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu; yêu cầu nghiêm ngặt và phức tạp về bao bì đóng gói, ký mã hiệu, ngôn ngữ ghi trên bao bì; công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng thường xuyên.
Thứ tư, khó khăn do sức ép cạnh tranh. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền
thống của Việt Nam sang Liên bang Nga trong các lĩnh vực như nông sản, thủy sản, may mặc luôn gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia khác trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga với ưu thế hơn hẳn về giá cả là Trung Quốc ở nhóm hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, là Thái Lan đối với các mặt hàng thủy sản, gạo, trái
cây và Ấn Độ đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là hồ tiêu và gạo. Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành hàng tiêu dùng tại Liên bang Nga, với sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán.
Thứ năm, năng lực tham gia thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng do khả năng về tài chính nên các doanh nghiệp Việt Nam ít có điều kiện tham gia vào các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại các thị trường Liên bang Nga. Việc tiến hành khảo sát và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cần có đầu tư về kinh phí trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu thì không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng chủ động thực hiện được, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
CHƯƠNG 3. TRIỂN VỌNG VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG LIÊN BANG NGA TRONG BỐI CẢNH THỰC THI FTA VIỆT NAM – LIÊN MINH KINH TẾ Á-ÂU