Xu hướng phát triển Ngân hàng xanh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam. (Trang 38 - 44)

Sự suy thoái môi trường đang dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, điều này tác động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và khu vực địa lý, trong đó có hệ thống ngân hàng, rủi ro sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả không thể đảo ngược nếu không có hành động nào ngay hôm nay. Đơn giản như mất mùa có thể dẫn đến các khoản vay không được hoàn trả; cháy rừng, với khả năng thiêu rụi toàn bộ vùng ngoại ô, có thể gây thiệt hại lớn về tài sản… Để chuẩn bị cho những rủi ro này, toàn ngành ngân hàng có thể bắt đầu cuộc cách mạng ngân hàng xanh để phát triển các cơ chế quản lý rủi ro và đưa ra các phương án dự phòng cho biến đổi khí hậu. Một số ngân hàng đã bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra áp lực danh mục cho vay để đánh giá tác động tiềm tàng của khí hậu đối với các khoản đầu tư của họ và nhiều ngân hàng khác đã bắt đầu điều chỉnh các chính sách của họ với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là

đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2050. Do đó, các ngân hàng có thể trở thành động lực chính của quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế các-bon thấp.

Chủ đề quan trọng nhất của thế kỷ XXI là “bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái bền vững” và nó trở thành một vấn đề quan trọng mà tất cả các lĩnh vực chức năng bao gồm cả ngân hàng phải xem xét. Ngành ngân hàng là một trong những nguồn cung cấp vốn đầu tư chủ yếu cho các dự án thương mại, là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, khu vực ngân hàng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư bền vững với môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Vai trò của các ngân hàng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là mở khóa các khoản đầu tư tư nhân, kết nối cung và cầu trong khi xem xét toàn bộ các rủi ro và đánh giá các dự án từ cả góc độ kinh tế và môi trường. Vì vậy, các mô hình ngân hàng xanh được xây dựng nhằm mục đích phát triển, tạo điều kiện và quy mô đầu tư vào các dự án giảm khí nhà kính đã xuất hiện để tiên phong cho các giải pháp tài chính. Các ngân hàng xanh chuyên biệt bắt đầu được thành lập ở Hoa Kỳ, và một số quốc gia đã xây dựng ngân hàng xanh quốc gia giúp phát triển các sản phẩm tài chính và thị trường cho phép các dự án giảm thiểu khí nhà kính tìm được nguồn tài chính.

Mặc dù ngành ngân hàng không được coi là một ngành gây ô nhiễm, nhưng quy mô ngày càng rộng lớn cũng khiến lượng carbon mà ngành ngân hàng thải ra tăng lên đáng kể. Đồng thời, tác động môi trường của hoạt động bên ngoài của ngân hàng là rất lớn mặc dù rất khó ước tính, các ngân hàng có thể không phải là người gây ô nhiễm nhưng họ thường có quan hệ với một số công ty/dự án đầu tư gây ô nhiễm. Trên bình diện quốc tế, ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của các ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức đối với các dự án đầu tư có trách nhiệm với môi trường - xã hội. Tiến lên xanh là điều tất yếu đối với các ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng đang cảm nhận áp lực xanh hoá từ mọi phía. Họ đang phải đối mặt với sự giám sát của công chúng, các cơ quan quản lý, nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư, với mỗi nhóm được thúc đẩy bởi những lợi ích có thể khác nhau. Các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương hiện hiểu rằng biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa sâu sắc, tức thời và hiện hữu đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, sẽ là một rủi ro hệ thống đối với ngành dịch vụ tài chính. Do đó, các cơ quan này đang gia tăng áp lực lên các ngân

hàng trong việc giải quyết vấn đề cấp thiết về tính bền vững và phải làm như vậy ngay lập tức, thay đổi từ việc đưa ra lời khuyên và khuyến nghị sang việc bắt buộc tiết lộ và hành động xung quanh các yêu cầu về vốn, mô hình rủi ro, và KPI (ví dụ: tỷ lệ tài sản xanh…). Các ngân hàng không còn có thể phớt lờ hoặc phủ nhận khoa học biến đổi khí hậu, cũng như các chi phí tài chính và tác động tiêu cực đi kèm với nó. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý trên toàn thế giới nhận thức được vai trò và nhiệm vụ tiềm năng của họ trong việc giải quyết các rủi ro về biến đổi khí hậu và môi trường mà khu vực tài chính ngân hàng phải đối mặt và thực hiện các hành động như phân tích và quản lý các rủi ro liên quan đến khí hậu và môi trường trong lĩnh vực tài chính, đồng thời huy động nguồn tài chính chính để hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. Song song đó, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại khu vực tư nhân, đã bắt đầu xanh hóa hoạt động của mình bằng cách tích hợp rủi ro môi trường và biến đổi khí hậu vào chiến lược và hệ thống quản lý rủi ro của họ, đồng thời tung ra các sản phẩm tài chính xanh để mở rộng tầm nhìn kinh doanh của họ. Nhìn chung, các ngân hàng tiếp cận hoạt động ngân hàng xanh theo hai hướng chính. Thứ nhất, ngân hàng xanh tập trung vào việc chuyển đổi xanh các hoạt động nội bộ của tất cả các ngân hàng. Điều đó có nghĩa là toàn bộ hệ thống ngân hàng áp dụng các cách thích hợp để sử dụng năng lượng tái tạo, tự động hóa và các biện pháp khác để giảm thiểu lượng khí thải carbon từ các hoạt động của mình. Thứ hai, các ngân hàng xem xét hoạt động tín dụng xanh của mình một cách nghiêm túc hơn - một số đã chủ động ngừng cho vay các dự án có tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, thay vào đó bắt đầu cung cấp tài chính có trách nhiệm với môi trường; cân nhắc các rủi ro môi trường của dự án trước khi đưa ra quyết định tài trợ; và đặc biệt, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các sáng kiến và dự án xanh.

Ngân hàng xanh đóng vai trò quan tâm đến sự phát triển bền vững trong việc vượt qua những trở ngại về thể chế và thách thức thị trường, trong cách phân bổ vốn đầu tư cho các dự án xanh. Khi các khía cạnh xanh trở thành một phần của các hoạt động ngân hàng truyền thống - ví dụ: tài trợ quốc tế, hoạt động ở thị trường nước ngoài, tham gia vào các chương trình và dự án tài chính - các quy tắc làm việc, nguyên tắc và tiêu chuẩn chung trong tài chính xanh toàn cầu bắt đầu được phát triển. Ngày nay, một số sáng kiến và nền tảng quốc tế cung cấp các quy tắc như vậy, có thể kể

đến như Sáng kiến Thế chấp Hiệu quả về Năng lượng hỗ trợ phát triển thế chấp xanh ở Châu Âu, Nguyên tắc Xích đạo - một bộ hướng dẫn đánh giá tài chính dự án kết hợp quản lý rủi ro xã hội và môi, Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu hỗ trợ việc huy động thị trường trái phiếu để đáp ứng những thách thức của biến đổi khí hậu…

Trong khi sự chú ý của thế giới là sự phục hồi COVID-19 nhanh chóng và bền vững, thì những rủi ro ngày càng tăng về biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục rình rập. Phục hồi sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư và đảm bảo không chỉ phục hồi xanh ngay lập tức mà còn cả sự phát triển bền vững lâu dài. Các nước cần các giải pháp sẵn sàng thúc đẩy địa phương phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu, sử dụng vốn và đổi mới từ khu vực tư nhân để thúc đẩy các mục tiêu công. Và các ngân hàng xanh chính là một câu trả lời linh hoạt và có thể thực hiện được để phục hồi kinh tế bền vững. Nhiều quốc gia đang trên đường biến giải pháp này thành hiện thực. Báo cáo State of Green Banks 2020 được công bố gần đây, cuộc khảo sát, tổng hợp và phân tích toàn diện đầu tiên về hoạt động ngân hàng xanh toàn cầu, cho thấy ngày càng nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang khám phá các ngân hàng xanh. 27 ngân hàng xanh chuyên biệt đã tồn tại ở 12 quốc gia và 25 khu vực pháp lý khác đang tích cực khám phá mô hình để thực hiện các đóng góp do quốc gia xác định, thúc đẩy thị trường xanh địa phương và tạo việc làm. Các ngân hàng xanh hiện tại đã thể hiện một thành tích ấn tượng cho đến nay, đầu tư gần 25 tỷ đô la vốn tự có của họ kể từ các dự án hỗ trợ và ngoại lệ tương ứng với tổng giá trị 70 tỷ đô la vào giữa năm 2020. Hơn 45 tỷ đô la (hay 64 %) trong tổng số này đến từ khu vực tư nhân. Mặc dù các ngân hàng xanh hiện tại chủ yếu nằm ở các quốc gia có thu nhập cao, nhưng mô hình ngân hàng xanh không chỉ giới hạn ở các quốc gia phát triển. Các ngân hàng xanh mới nổi có mặt ở 25 quốc gia với các mức thu nhập và vùng địa lý trên thế giới.

CHƯƠNG 2: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ NGÂN HÀNG XANH Cơ sở lựa chọn quốc gia nghiên cứu

Trên cơ sở các nền tảng chính sách ban đầu của quốc tế, phần này sẽ nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển Ngân hàng xanh ở một số quốc gia nhằm minh họa và làm rõ hơn cách triển khai chính sách về Ngân hàng xanh trên thế giới vào các ngân hàng trong nước, bao gồm: Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cơ sở lựa chọn các quốc gia nghiên cứu dựa trên một số tiêu chí như sau:

Khả năng tiếp cận thông tin:

Đây là điều kiện tiên quyết nhất đối với sự lựa chọn các quốc gia nghiên cứu. Những quốc gia mà tác giả có điều kiện thu thập nhiều tài liệu, tiếp cận với các nguồn thông tin chính thống nhất về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng xanh và các chính sách phát triển ngân hàng xanh sẽ được ưu tiên lựa chọn nghiên cứu. Điều này góp phần đảm bảo các thông tin được đưa ra trong luận văn mang tính cập nhật và phù hợp với quan điểm của từng nước sở tại. Trên cơ sở đó, các khuyến nghị và bài học kinh nghiệm đưa ra sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực hơn cho Việt Nam.

Có thế mạnh trong vấn đề cần nghiên cứu:

Các quốc gia được lựa chọn đều có thành tựu nhất định trên trường quốc tế về phát triển ngân hàng xanh. Mô hình ngân hàng xanh được nhen nhóm và phát triển ở các quốc gia này từ khá sớm, vì thế đã có nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước đi sau. Phong trào ngân hàng xanh đã được khởi xướng từ Hoa Kỳ từ năm 2009, tức là 13 năm về trước, kể từ đó tổng số vốn đầu tư của ngân hàng xanh tăng liên tục và chỉ trong vòng chưa đến 10 năm đã đạt 7 tỷ USD. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính xanh bền vững ở châu Âu, với bề dày kinh nghiệm Anh hiện đang đi đầu trong việc phát triển và quốc tế hóa các giải pháp tài chính xanh để giúp các quốc gia trên thế giới đáp ứng các cam kết về khí hậu, đồng thời là quốc gia đầu tiên thành lập ngân hàng xanh quốc gia với tên Ngân hàng Đầu tư Xanh Vương quốc Anh (GIB). Úc cũng có một ngân hàng xanh quốc gia CEFC nằm ở cấp độ và giai đoạn cao nhất trong các mô hình phát triển ngân hàng xanh, nhanh chóng thiết lập các kỷ lục mới cả về số lượng và giá trị cam kết đầu

tư xanh giúp Úc có thể giảm lượng khí thải carbon xuống khoảng 10,8 triệu tấn CO2 mỗi năm. Ở châu Á, Trung Quốc là cái tên nổi bật ở mảng Tín dụng xanh và là thị trường trái phiếu xanh lớn nhất khu vực. Cách đây từ hơn 10 năm – năm 2021- hai trong số các ngân hàng lớn của Trung Quốc, đã xây dựng danh mục cho vay tín dụng xanh tổng hợp gần 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng thể hiện được những tiến bộ rõ rệt trong việc nghiên cứu và phát triển các tiêu chuẩn tài chính xanh, cơ chế đánh giá và phân tích rủi ro môi trường cũng như thực hiện đồng thời công tác xây dựng năng lực và đào tạo về tài chính xanh trên phạm vi rộng. Bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là cái tên nổi bật khi đã chứng tỏ được sự đúng đắng trong hướng tiếp cận cho các chính sách phát triển bền vững, đẩy mạnh tín dụng xanh và hoàn thiện hệ thống tài chính xanh, giới phân tích cũng cho rằng đây là quốc gia dẫn đầu thị trường về tài chính bền vững trên nhiều phương diện.

Sự tương đồng:

Các quốc gia được lựa chọn, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Úc đều là những nước có ngân hàng xanh đã phát triển từ lâu, đồng thời ghi nhận vai trò của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ phát triển ngân hàng xanh. Nếu như Hàn Quốc với gói kích thích xanh “Green New Deal” giúp khôi phục nền kinh tế hay sáng kiến thẻ tín dụng xanh toàn quốc thì Trung Quốc đã là một trong những nước đầu tiên chú trọng phát triển chính sách xanh từ năm 1995, đưa ra Chính sách tín dụng xanh đột phá vào năm 2007 khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn cho các dự án thân thiện với khí hậu và ít hơn cho các dự án gây ô nhiễm cao. Hay chẳng hạn như Hoa Kỳ khi thông qua Đạo luật bồi hoàn môi trường năm 1980, trở thành một trong những nước đầu tiên có quy định về trách nhiệm đối với môi trường không chỉ đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm mà còn của các bên liên quan khác, bao gồm cả ngân hàng, Anh có Khung Tài chính Xanh, Úc là một trong số các quốc gia đi đầu thế giới về các chính sách bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái… Các quốc gia này coi trọng vai trò của cơ quan quản lý trong việc hoạch định một chiến lược tổng thể để phát triển bền vững, sau đó cụ thể hoá các hạng mục thành các mục tiêu và kế hoạch thực hiện, đồng thời phát triển hệ thống tài chính xanh trên cơ sở gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế. Quá trình phát triển hệ thống tài chính

xanh kết hợp chặt chẽ với chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như chiến lược phát triển chung của Chính phủ nhằm đảm bảo mang lại lợi ích chung trong dài hạn. Các các ngân hàng quốc gia, các định chế tài chính lớn được lấy làm trọng tâm để điều tiết và hỗ trợ các phân khúc nhỏ hơn. Mô hình phát triển xuất phát điểm “từ trên xuống”, cơ quan quản lý đưa ra định hướng phát triển và ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng nhằm mục đích dẫn dắt, hướng dẫn tạo sự an tâm, đồng thời sử dụng các công cụ cơ chế khuyến khích hoặc hạn chế phù hợp.

Đây là tiêu chí rất có ý nghĩa đối với trường hợp Việt Nam bởi vì ngân hàng xanh ở Việt Nam cũng là một thị trường chịu sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ các chính sách quản lý của Chính phủ và sự điều tiết từ Ngân hàng TW. Việc lựa chọn các nước có sự tương đồng về vai trò của cơ quan quản lý giúp cho các bài học kinh nghiệm rút ra trở nên có ý nghĩa thực tiễn hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam. (Trang 38 - 44)