Khung pháp lý với hoạt động Ngân hàng xanh tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam. (Trang 86 - 90)

Trước hết, Chính phủ, các Bộ ban ngành có liên quan đã ban hành nhiều Chương trình, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định nhằm tăng cường bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, có thể kể đế như:

 Chương trình Nghị sự 21 Ban hành kèm theo Quyết định số

153/2004/QĐ- TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;

 Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ban hành kèm Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008;

 Chiến lược chống biến đổi khí hậu Việt Nam ban hành kèm Quyết định 2139/2011/QĐ-TTg ngày 5/12/2011;

 Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu ban hành kèm theo Quyết định 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012;

 Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm Quyết định 432/2012/QĐ-TTg ngày 16/4/2012;

 Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, hướng tới 2050 ban hành kèm theo Quyết định 1393/2012/QĐ-TTg ngày 25/9/2012;

 Kế hoạch hành động phát triển bền vững giai đoạn 2013-2015 ban hành kèm Quyết định 160/2013/QĐ-TTg ngày 12/11/2013;

 Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và định hướng tăng trưởng xanh;

 Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014- 2020 ban hành kèm theo quyết định 403/2014/QĐ-TTg ngày 20/3/2014

 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ ngày ký 10/01/2022

Chính sách khuyến khích tín dụng xanh lần đầu tiên được đề cập tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và định hướng tăng trưởng xanh. Để thực hiện Nghị quyết này, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 23/4/2015 về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó yêu cầu các TCTD tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho một số ngành kinh tế như: (i) Bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

(ii) Sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; (iii) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (v) Sử dụng công nghệ thiết bị thân thiện với môi trường và sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các rào cản tiếp cận vốn tín dụng của các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn,… đã được tháo gỡ. Theo đó, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cho phép cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm. Hơn nữa, chương trình tín dụng xanh đã được NHNN đã lồng ghép trong một số văn bản pháp luật như Thông tư 39 (ngày 30/12/2016) quy định về hoạt động cho vay của TCTD , Nghị định 55 (chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn) và Nghị định 116 (sửa đổi Nghị định 55) của Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp nông thôn,... Trong năm 2019, các TCTD tiếp tục mở rộng vốn an toàn cho sản xuất nông nghiệp – nông thôn, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến hết năm 2019, dư nợ tín dụng nông nghiệp – nông thôn tăng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 16%, tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Hiện nay, định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được quy định rõ tại Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước về phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, theo đó mục tiêu chính là: tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/03/2014) cũng nêu rõ: NHNN được giao nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh, gồm: (i) rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh;

(ii) tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các NHTM và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; và xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng một số văn bản pháp lý tạo cơ sở cho hoạt động cho các TCTD đặc biệt là các ngân hàng trong hoạt động tín dụng xanh và dần tiến tới ngân hàng xanh.

Năm 2018, NHNN đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng và ban hành “Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội” cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng (nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ…). Hướng dẫn này nhằm phục vụ quá trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, giúp cán bộ tín dụng và cán bộ chuyên ngành thực hiện thẩm định dự án/phương án sản xuất-kinh doanh liên quan một cách hiệu quả,

đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Trên thực tế, các hướng dẫn và các sổ tay đánh giá mang tính khuyến khích, chưa bắt buộc nhưng cũng đã có tác động tích cực trong việc áp dụng tiêu chuẩn và thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong thực hiện nghiệp vụ của NHTM. Theo kết quả khảo sát của NHNN (2019) về áp dụng tín dụng xanh trong ngành Ngân hàng, đã có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Định hướng phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh cũng đã được khẳng định tại “Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018), theo đó cần thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực thi hành tháng 01/01/2022, trong đó quy định Điều 149 về Tín dụng xanh Điều 150 về Trái phiếu xanh, nêu rõ định nghĩa về Tín dụng xanh “là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; b) Ứng phó với biến đổi khí hậu; c) Quản lý chất thải; d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.” và khuyến nghị rõ “hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay”, đồng thời “khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều này”.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ ngày ký 10/01/2022 cụ thể hoá và hướng dẫn cụ thể các quy định từ Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy

định ưu đãi, hỗ trợ và vốn đầu tư, cấp tín dụng xanh cho các dự án, tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên có thể thấy, các qui định này mới chỉ mang tính chất khuyến khích, động viên, thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh thông qua việc tăng cường nguồn vốn xanh và các công cụ huy động vốn xanh, chưa chú trọng đến các chính sách về đầu tư xanh hay thành lập các trung gian tài chính xanh, phát triển các kênh dẫn vốn xanh gián tiếp,... Việc thực hiện chính sách tín dụng hướng đến tăng trưởng xanh tại Việt Nam tuy đã đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chính sách hỗ trợ phát triển ngành, lĩnh vực xanh vẫn rải rác, thiếu những quy định, quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể để xác định, đo lường quản lý rủi ro liên quan đến môi trường - xã hội, các tổ chức tín dụng chưa phát huy được lợi thế hoạt động để tận dụng nguồn vốn xanh, nhất là các nguồn vốn quốc tế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam. (Trang 86 - 90)