Nâng cao hiệu quả phương pháp thảo luận nhóm

Một phần của tài liệu Đổi mới phương pháp giảng dạy môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác – lênin theo hướng phát huy năng lực của sinh viên trường đại học giao thông vận tải (Trang 52 - 54)

Để giúp sinh viên có kỹ năng phân tích, đánh giá thì giảng viên sau khi giúp sinh viên nắm được những vấn đề lý luận trong nội dung môn học thì sinh viên phải biết vận dụng những vấn đề lý luận đó để xem xét, đánh giá, phân tích những sự kiện, thực tiễn cụ thể. Muốn vậy, bên cạnh phương pháp thuyết trình, giảng viên phải tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên được nói, được bày tỏ và thể hiện quan điểm, chính kiến của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sử dụng phương pháp thảo luận nhóm. Vì vậy khi vận dụng những vấn đề lý luận vào đánh giá thực tiễn, giảng viên nên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm.

Thảo luận nhóm là phương pháp trong đó lớp học được chia thành những nhóm nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề đó

Phương pháp thảo luận nhóm có nhiều ưu điểm như: tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm được bộc lộ sự hiểu biết của mình, giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy và diễn đạt; Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong nhóm học hỏi lẫn nhau, tập lắng nghe ý kiến của người khác một cách kiên nhẫn, lịch sự, tập đánh giá ý kiến người khác một cách độc lập; Giảm bớt tính chủ quan, phiến diện, tăng tính khách quan khoa học trong kiến thức của sinh viên; Hình thành thói quen tương tác trong học tập, tăng năng lực hợp tác và không khí hiểu biết, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau; Kích thích thi đua giữa các thành viên trong nhóm; Cải thiện mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với nhau, giảng viên có thông tin phản hồi từ sinh viên để điều chỉnh việc dạy của thầy, việc học của trò đồng thời tạo cho giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn...

Để thực hiện phương pháp này, tùy theo số lượng sinh viên từng lớp, giảng viên chia lớp thành các nhóm từ 6 -8 sinh viên và cử nhóm trưởng. Việc chia nhóm được thực hiện ngay trong buổi học đầu tiên. Các nhóm và thành viên được bố trí chỗ ngồi cố định trong suốt quá trình thảo luận để giảng viên có thể theo dõi đánh giá được sự chuyên cần

và những đóng góp của từng thành viên trong nhóm. Ở mỗi buổi thảo luận, giảng viên cần phân công nhiệm vụ cho từng nhóm, hướng dẫn những vấn đề cơ bản, tìm tài liệu tham khảo, quy định cách thức trình bày nội dung chuẩn bị của nhóm, thông thường là bằng hình thức thuyết trình thông qua bài chuẩn bị dưới dạng Powerpoint. Thông qua hoạt động thảo luận nhóm, sinh viên được phát huy năng lực làm việc nhóm, năng lực tự học, năng lực sáng tạo, rèn luyện những kỹ năng thuyết trình, kỹ năng trao đổi, thảo luận, kỹ năng chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ thông tin, kỹ năng lắng nghe, giải quyết các xung đột, kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động của nhóm… Đây là những năng lực và những kỹ năng cần thiết trong học tập và công việc của sinh viên hiện đại. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở trường Đại học giao thông vận tải, giảng viên cần xác định rõ nội dung thảo luận của từng nhóm cũng như cả lớp. Những nội dung được lựa chọn phải gắn với thực tiễn của cuộc sống, với nghề nghiệp của sinh viên. Ví dụ: như nội dung “Tiền công trong chủ nghĩa tư bản”, các nhóm thảo luận cần phải tìm hiểu được bản chất của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là gì? Phân tích được 2 hình thức cơ bản của tiền công: tiền công tính theo thời gian và tiền công tính theo sản phẩm, so sánh được ưu nhược điểm của hai hình thức tiền công này, phân biệt được tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế. Với vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc của sinh viên trong tương lai, các nhóm thảo luận đều rất hào hứng tham gia. Hay ở nội dung “vai trò của ngành giao thông vận tải đối với việc nâng cao tốc độ chu chuyển của tư bản”, các nhóm thảo luận cũng rất hào hứng chuẩn bị và tham gia thảo luận tích cực. Vì thông qua nội dung này, sinh viên thấy được rõ vai trò của ngành học của mình trong việc gia tăng giá trị thặng dư không chỉ cho nhà tư bản mà còn cho sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, khi sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, giảng viên cần phải có kỹ năng quản lý nhóm thảo luận, tránh tình trạng chỉ một số thành viên tích cực của nhóm làm việc thực sự, một nhóm khác không hoạt động ỷ lại, trông chờ vào các thành viên tích cực đó và cũng được hưởng thành quả chung của cả nhóm. Giảng viên cần đánh giá kết quả của hoạt động thảo luận nhóm không chỉ dựa trên thành tích chung của cả nhóm mà cần có chính sách khuyến khích đối với các thành viên

tích cực, đồng thời có biện pháp buộc những sinh viên chưa tích cực tham gia vào hoạt động thảo luận nhóm.

Thành công của phương pháp thảo luận nhóm phụ thuộc vào sự hoạt động tích cực của các thành viên trong lớp học, vì vậy phương pháp này còn được gọi là phương pháp cùng tham gia. Trong phương pháp giảng dạy này, năng lực tư duy và năng lực sáng tạo của sinh viên phải được phát huy và ý nghĩa quan trọng của phương pháp này là rèn luyện năng lực hợp tác làm việc theo nhóm của sinh viên.

Một phần của tài liệu Đổi mới phương pháp giảng dạy môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác – lênin theo hướng phát huy năng lực của sinh viên trường đại học giao thông vận tải (Trang 52 - 54)