Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Trang 31 - 32)

“Thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ, là đô thị trung tâm các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ và là một trong 19 đô thị trung tâm của Việt Nam. Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và là đô thị động lực trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ và cả vùng Tây Đông Bắc.”

“Việt Trì là thành phố du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi có kinh đô Văn Lang - kinh đô đầu tiên của người Việt, quê hương đất tổ vua Hùng. Nơi đây còn là thành phố công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao. Đây cũng là cửa ngõ vùng Tây Bắc, đầu mối giao thông nối giữa các tỉnh trung du và miền núi phía bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc).”

“Thành phố Việt Trì là thành phố công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc XHCN với các ngành dệt, giấy, hoá chất, sứ… và còn được gọi thành phố ngã ba sông vì nằm gần nơi hợp lưu của sông Thao, sông Lô và sông Đà thành sông Hồng. Hiện nay, thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, hành chính và kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ và trung tâm của liên tỉnh phía bắc. Việt Trì là vùng đất nằm ở vị trí chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang địa hình đồng bằng, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng. Từ trung tâm thành phố nhìn về phía Tây là núi Ba Vì, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo. Ở phía Tây - Tây Bắc Thành phố là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các vua Hùng.”

“Thành phố Việt Trì nằm ở phía đông của tỉnh Phú Thọ, phía bờ tả ngạn sông Hồng, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 70 km về phía Tây Bắc, cách cửa khẩu quốc tế

Lào Cai 350 km về phía Đông, cách thành phố cảng Hải Phòng 140 km về phía Tây Bắc. Nằm ở Ngã ba Hạc, nơi có con sông Thao đỏ nước phù sa hợp lưu với dòng sông Lô và sông Đà xanh biếc thành dòng sông Hồng; là đỉnh đầu của vùng Tam giác châu thổ sông Hồng, lâu đời gắn liền với lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Việt Trì còn được biết đến với cái tên thân thương: Thành phố ngã ba sông.” “Địa giới hành chính của Việt Trì như sau: Phía bắc giáp các xã Phù Ninh, An Đạo, Vĩnh Phú huyện Phù Ninh; phía tây và tây Nam giáp các xã Sơn Vi, Cao Xá, Thạch Sơn, Tiên Kiên, Xuân Lũng, thị trấn Hùng Sơn huyện Lâm Thao; phía Nam giáp xã Cổ Đô, Tản Hồng, Châu Sơn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; phía Đông giáp các xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, xã Bồ Sao, xã Cao Đại, xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường, xã Cao Phong, xã Đức Bác, xã Tứ Yên, xã Yên Thạch huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.”

“Thành phố Việt Trì có diện tích đất tự nhiên 11.175 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 5.449,56 ha, chiếm 48,77%; đất phi nông nghiệp 5.509,22 ha, chiếm 49,3%; đất chưa sử dụng 216,22 ha, chiếm 1,93%. Riêng diện tích đất 10 xã là 6.669,61 ha chiếm 59,8% tổng diện tích đất tự nhiên thành phố, diện tích đất nông nghiệp 4.064,06 ha chiếm 60,93%, đất phi nông nghiệp là 2.512,9 ha chiếm 37,68%, đất chưa sử dụng 92,65 ha chiếm 1,39% tổng diện tích đất tự nhiên của 10 xã. Nhiệt độ trung bình năm 23oC, độ ẩm trung bình 85%, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.700 mm; số giờ nắng trong năm 3.100 giờ; trung bình hàng năm ảnh hưởng từ 3-5 cơn bão; nguồn nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt chủ yếu là nước sông Lô và một phần nguồn nước ngầm là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.”

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Trang 31 - 32)

w