Nhân trị (Đường lối trị nước bằng đạo đức)

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 42 - 50)

Thời Xuân Thu, chiến tranh liên miên, những giá trị đạo đức trở nên suy đồi, trật tự và kỉ cương xã hội bị đảo lộn. Trong hoàn cảnh ấy, những tư tưởng và trường phái triết học ra đời cũng do bức bách ở cách giải quyết và tâm lí chán nản thế sự của con người. Học thuyết của Khổng Tử xoay quanh nhiều vấn đề, nhưng chung quy lại nó vẫn tập trung hướng đến tu dưỡng đạo đức và cải cách chính trị theo đường lối ôn hòa. Chính vì thế, tư tưởng của Khổng Tử xuất hiện vào thời điểm ấy trong “Luận Ngữ” ngay lập tức được nhiều người ủng hộ. Nhân dân luôn muốn “an cư lạc nghiệp”, đời sống tinh thần thoải mái và hòa bình. Từ đó ngẫm ra, lòng của Khổng Tử luôn hướng về nhân dân mà hành đạo, không vụ lợi gì cho bản thân cả. Đồng thời, với ông, con người chính là yếu tố cốt lõi để phát triển nên nhiều đức tính tốt đẹp lẫn tôn tạo xã hội lí tưởng. Và ngay cả trong chính trị, ông cũng lấy đạo đức và nhân dân ra

làm đường lối thi hành chủ đạo, lấy con người làm điểm xoáy chính, đó chính là sự sáng chói trong quan niệm về chính trị của Nho giáo nói chung và “Luận Ngữ” của Khổng Tử nói riêng.

2.3.1. Khái niệm và vai trò của Nhân trị trong đời sống xã hội

Như chúng ta đã biết, đường lối chính trị của Nho giáo hướng đến là an dân mà không cần dụng vũ lực, là thiết lập kỷ luật xã hội về đạo đức bên trong và hành lễ bên ngoài. Do đó, đối với người trị dân, Nhân đức phải được đặt lên hàng đầu. Người Nhân, như đã bàn ở các phần trước, là người hội đủ những cái tốt đẹp nhất về nhân cách theo quan điểm của Khổng Tử.

Người Nhân vừa biết nghĩ cho người khác, vừa hiểu biết sâu rộng, dũng cảm, cương trực, lễ nghĩa, vừa có lý tưởng cao đẹp, không màn lợi danh…Người cầm quyền nếu đạt được đức Nhân, thì chắc chắn luôn làm điều tốt cho dân, không dùng sức mạnh mà uy hiếp người khác. Trong bài 1 chương Vệ Linh Công có bàn việc ấy:

“Vệ Linh Công vấn trận ư Khổng tử. Khổng tử đối viết: “Trở đậu chi sự, tắc thường văn chi hĩ, quân lữ chi sự, vị chi học dã”.

Dịch - Vua Vệ Linh Công hỏi Khổng tử về chiến trận. Khổng tử đáp: “Về việc tế tự, lễ khí thì tôi đã từng nghe được, còn về quân lữ thì tôi chưa học.” [14;tr.253]

Hay bài số 1 trong chương Vi Chính cũng luận:

“Tử viết: “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi”

Dịch - Khổng tử nói: “Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hoá dân) thì như sao bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức: thiên hạ theo về).” [14;tr.37]

Bài này khẳng định được tầm quan trọng bậc nhất của đức Nhân trong việc trị thiên hạ. Khổng Tử cho rằng dùng nhân đức mà làm chính trị thì mới mang lại cho người dân niềm tin và cảm phục và làm theo.

“Tử viết: “Dân chi ư nhân dã, thậm ư thủy hỏa. Thủy hỏa ngô kiến đạo nhi tử giả hĩ, vị kiến đạo nhân nhi tử giả dã”.

Dịch - Khổng tử nói: “Nhân dân đối với đạo nhân, coi đạo nhân cần thiết hơn nước lửa. Mà (nước lửa còn có khi nguy hiểm) đã có người sa xuống nước, dẫm vào lửa mà chết, (chứ đạo nhân tuyệt nhiên không nguy hiểm), chưa thấy ai theo đạo nhân mà chết.” [14;tr.267]

Chỉ cần bài này thôi cũng hiểu được tư tưởng của Khổng Tử rồi. Nhân dân sống làm sao an mà không có đạo Nhân? Thứ khác còn dẫn đến sai lầm, chứ theo đức Khổng Tử, làm theo điều Nhân thì không hại chi cả. Mà nếu nhân dân ai ai cũng y Nhân mà làm theo, thì đất nước đó sẽ dần đi vào khuôn khổ, trị an nâng cao, người người ấm no.

“Hoặc vị Khổng tử viết: “Tử hề bất vi chính”.

Tử viết: “Thư vân: “Hiếu hồ duy hiếu, hữu vu huynh đệ”. Thi ư hữu chính, thị diệc vi chính, hề kì vi vi chính?”

Dịch - Có người hỏi Khổng tử: “Tại sao ông không tòng chính (ra làm quan).” Khổng tử đáp: “Kinh Thư có câu: “Hiếu thuận a, hiếu thuận với cha mẹ, thân ái a,

thân ái với anh em”. Thi hành câu nói đó mà cảm hoá được hạng người cầm quyền, thì cũng là tòng chính, sao cứ tham gia chính sự mới là tòng chính?” [14;tr.49-50]

Đức trị chưa nhất thiết phải là người đứng đầu mới nên, người nào làm được điều Nhân, lấy Nhân mà thay đổi được tư tưởng của vua thì Khổng Tử cho là đã làm chính trị rồi. Mà ở trong đức Nhân, Hiếu là một đức tính không thể thiếu, là gốc rễ của lòng Nhân. Cho nên ở bài vừa trích, Khổng Tử đề cao lòng hiếu thuận là do ý như vậy.

Khổng Tử vốn trọng đạo đức nên luôn giữ tính ôn hòa nhất có thể trong mọi tình huống. Với người dân, ông nghĩ rằng không nên dùng khuôn phép hà khắc mà bắt ép họ mà phải dùng tâm thành, dùng lý lẽ mà dẫn dụ để họ có thể hiểu mà nghe theo và nể phục. Trong bài sau ở “Luận Ngữ” có bàn đến điều này:

“Tử viết: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”.

Dịch - Khổng tử nói: “Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính.” [14;tr.38-39]

Quan điểm về tầm quan trọng của Nhân trong “Luận Ngữ” được Mạnh Tử tiếp nối và phát triển qua thuyết “nhân chính” trong sách Mạnh Tử. Mạnh Tử là môn sinh của Khổng Cấp (cháu nội Khổng Tử), thân thế của ông cho đến nay vẫn chưa được khai thác nhiều. Ông cũng vốn xuất thân từ tầng lớp trung lưu, chịu ảnh hưởng sâu sắc về Nho học. Ông là người kế thừa và nâng cao được những giá trị nhân văn trên nhiều mặt của Nho học, đặc biệt là chính trị.

Trong khi Khổng Tử đề cao đức Nhân, xem Nhân như một chuẩn mực để người người noi theo, thì Mạnh Tử lại áp dụng đức ấy triệt để vào trong việc trị nước. Khổng Tử dụng Nhân để tu dưỡng, Mạnh Tử lấy đó và thêm vào Nghĩa để trở thành “nhân chính”. Ở trong sách “Luận Ngữ”, tầm quan trọng của đức Nhân chưa được rõ ràng, thì sau này, Mạnh Tử đã làm sáng tỏ và cải tiến thêm về thuyết trên.

Đức Khổng xem Nhân là cái mà người quân tử phải theo đuổi cả đời, hạn tiểu nhân thì không với tới được đức ấy. Còn Mạnh Tử, ông đánh giá cao Nhân nhưng phổ khắp rộng rãi đều tất cả các hạng người chứ không riêng gì quân tử và giai cấp thống trị. Ông cho rằng “Nhân chi sơ, tánh bản thiện” (con người sinh ra vốn mang tính thiện). Chương Công Tôn Sửu cú thượng trong sách Mạnh Tử có ghi: “Đức nhân là bản tính tôn quý nhất mà trời ban cho con người, là nơi ở yên lành của con người. Không có ai ngăn trở mà mình ăn ở không có lòng nhân (bất nhân), đó là tại mình không sáng suốt hiểu biết (bất trí) vậy.” [21] Cho nên với ông, ai ai cũng có sẵn bản tánh tốt, có thể trở thành người Nhân.

Mạnh Tử cũng xem đức Nhân là yếu tố sống còn trong việc bình thiên hạ qua bài số 3, chương Ly Lâu cú thượng: “Ba triều đại Hạ, Thương, Chu được thiên hạ là nhờ thực hiện đức nhân, để mất thiên hạ cũng vì bất nhân. Các nước chư hầu hưng thịnh hay suy bại, tồn tại hay diệt vong, cũng chính là đạo lý này.

Vua thiên tử mà bất nhân, chẳng có thể giữ nổi bốn biển. Vua chư hầu mà bất nhân chẳng có thể giữ nổi quốc gia. Quan khanh và quan đại phu mà bất nhân, chẳng có thể giữ nổi tông miếu. Kẻ sĩ và thứ dân mà bất nhân, chẳng có thể giữ nổi thân mình.” [21]

Tiếp nối tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng từ xưa đến nay, việc trị dân thành hay bại là do đức Nhân quyết định. Kẻ sĩ và dân thường mà không có lòng Nhân thì cũng sẽ đánh mất cái bản tính thiện vốn có của mình. Sự kế thừa tư tưởng Nhân của Mạnh Tử một cách thực tế và triệt để càng làm tôn lên giá trị của Nho giáo trong lĩnh vực chính trị - xã hội.

Đức Nhân không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội phong kiến mà nó còn chi phối tư tưởng trên nhiều phương diện tính cho đến ngày nay. Chính trị là một trong số đó. Xã hội dù cho có hiện đại đến đâu thì những gì mà Nho gia đã mang lại đối với tư duy về cuộc sống này vẫn còn nguyên giá trị đẹp đẽ mà cao quý.

2.3.2. Nhân trị là lấy dân làm gốc

Trong quá trình học hỏi, nghiên cứu và chu du khắp nơi, Khổng Tử đã dựa vào những kinh nghiệm đúc kết được mà xây dựng nên những nguyên tắc trị dân tuyệt vời. Ông vừa lấy đạo Nhân ra làm kim chỉ nam mà còn biết được tầm quan trọng của người dân trong việc xây dựng nền chính trị.

“Tử Lộ viết: “Nguyện văn tử chi chí”.

Tử viết: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiểu giả hoài chi”. Dịch - Tử Lộ thưa: “Xin Thầy cho chúng con biết chí Thầy.”

Khổng tử đáp: “Ta muốn các người già được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về (như vậy là muốn truyền đạo, cải tạo xã hội).” [14;tr.100-101]

Trong bài trên đây, đức Khổng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến nhân dân ở mọi tầng lớp. Lão niên là thành phần tuy đã không còn trực tiếp tạo ra lợi ích cho đất nước, nhưng nếu người già mà tâm không được an, có điều bất mãn với xã hội thì cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của lớp trẻ. Vì theo quan niệm Nho giáo xưa nay luôn kính nể người đi trước mà. Cái tinh tế của đức Khổng nằm ở chỗ ông có cái nhìn sâu sắc về mọi chuyện. Không những muốn làm an lòng người già, ông còn quan tâm đến thế hệ sẽ kế thừa vận mệnh dân tộc. Trẻ con là những người chủ nhân tương lai của đất nước, nên nếu được tu dưỡng tốt mà thành người Nhân, kẻ Sĩ thì đất nước đó thịnh trị, an khang hơn bao giờ hết. Cũng như ở Việt Nam mình có câu:

“Vì sự nghiệp mười năm trồng cây Vì sự nghiệp trăm năm trồng người.” Khổng Tử lấy dân làm gốc để mà phát triển đất nước là điều cho đến thời điểm ngay lúc ông sống, nó có sức mạnh công phá vào nền chính trị thối nát hơn bao giờ hết.

Với sự hiếu chiến của hầu hết các chư hầu, không ai còn nghĩ đến lòng dân đang bấn loạn với thời cuộc loạn lạc. Lòng dân không được yên, hoài nghi về người lãnh đạo mình thì sẽ không có được sự đoàn kết, trung thành. Mà dân đã như thế thì dễ sinh nổi loạn, tâm bất phục thì dễ gây xung đột nội bộ. Lòng dân mà không yên thì nước suy chứ sao mà thịnh được? Quan điểm ấy của Khổng Tử được nhắc đến trong bài sau ở sách “Luận Ngữ”:

“Tử Cống vấn chính. Tử viết: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khứ, ư tư tam giả hà tiên?” Viết: “Khứ binh”. Tử Cống viết : “Tất bất đắc dĩ nhi khứ, ư tư nhị giả hà tiên?” Viết: “Khứ thực, tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập”.

Dịch - Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng tử đáp: “Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền”. Tử Cống hỏi: “Trong ba điều đó, nếu

bất đắc dĩ phải bỏ một, thì bỏ điều nào trước?” Đáp: “Binh bị”. Tử Cống lại hỏi: “Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?” Đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ.” [14;tr.199]

Hay bài 1 trong chương Nghiêu Viết có chỗ bàn: “Ông coi trọng những việc này nhất: Thương dân, lương thực, tang lễ, tế tự.” (Ông ở đây chỉ Khổng Tử).

Như vậy có thể thấy Khổng Tử đã đặt nhân dân lên hàng đầu trong chính sách quản lý đất nước của mình.

Tuy nhiên, Khổng Tử vẫn còn giữ sự độc tôn đối với vua chúa, xem vua là nhất. Đến thời sau này, Mạnh Tử là người nâng cao vị trí của dân trong đạo trị nước. Trong chương Tận tâm cú hạ của sách Mạnh Tử, bài 13 có ghi: “Dân là quý nhất, rồi đến xã tắc (thần đất và thần lúa), sau mới đến nhà vua. Cho nên, ai được lòng dân thì làm vua thiên tử; ai được lòng vua thiên tử thì làm vua chư hầu; ai được lòng vua chư hầu thì làm quan đại phu. Khi một vị vua chư hầu làm hại đến xã tắc thì có thể lập người khác làm vua, vì xã tắc quan trọng hơn vua. Cũng như thế, khi đã bỏ ra những con vật béo khỏe, tế phẩm đã tinh khiết, tế đúng ngày quy định mà trời vẫn hạn hán, lũ lụt thì phải thay đổi các vị thần xã tắc khác, vì dân quý trọng hơn xã tắc.” [21] Sự khách quan trong nhìn nhận của Mạnh Tử về tầm quan trọng của dân là sự tôn trọng, gìn giữ và phát triển thêm những quan điểm đáng quý về lòng Nhân của đức Khổng khi xem trọng nhân dân. Đó cũng chính là lý do mà tư tưởng này ngày nay vẫn được sử dụng và làm tiêu chí nhân rộng.

Sự chia cắt về mặt địa lí và chính trị liên tục sẽ làm cho con người mỏi mệt, mất lòng tin vào nhà cầm quyền, đồng thời gây xáo trộn nội bộ. Thời Xuân Thu với những cuộc chiến tranh hùng xưng bá kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy, mà con người chính là yếu tố làm nên, cũng là yếu tố sẽ đập tan được những tư tưởng và hành động tham lam quyền lợi của đa số vương hầu thời ấy. Khổng Tử nhận ra được điều ấy quả là người vừa Nhân vừa Trí rồi.

Tiểu kết chương 2

Hiểu được quan niệm về phạm trù nhân của Khổng Tử, cũng như hiểu được việc hành Nhân theo quan điểm của ông, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của Nhân trong đời sống con nguời. Đồng thời, ta cũng thấy được “Nhân” như là tâm điểm mà từ đó Khổng Tử dùng để xây dựng hoặc phát triển các nhân đức khác cũng như xây dựng tri thức trong giáo dục. Vì lẽ đó, Nhân là cái đạo của người quân tử. Người quân tử dù có xảy ra điều gì chăng nữa cũng không không bao giờ được phép bỏ điều Nhân. Ngay cả khi phải đối diện giữa giàu có với nghèo hèn, điều Nhân vẫn luôn phải là “hành trang” họ mang bên mình. Vì vậy, dù chỉ phải bỏ điều Nhân trong khoảng một bữa ăn, người quân tử cũng không bao giờ làm điều sai trái ấy. Hơn nữa, cũng vì tính chất quan trọng của đạo Nhân, người ta cũng không thể làm tổn hại đến đức Nhân, dù không làm như thế có thể phải hy sinh cả tính mạng . Nói cách khác, người ta phải sẵn sàng hy sinh cả bản thân để bảo vệ điều Nhân. Và để biết tư tưởng nhân của Khổng Tử đã ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam như thế nào chúng ta cùng đi tìm hiểu Chương III Sự ảnh hưởng của tư tưởng nhân của khổng tử với xã hội Việt Nam

CHƯƠNG 3: SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG NHÂN CỦA KHỔNG TỬ VỚI XÃ HỘI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 42 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)