Ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, xã hội luôn phải đối mặt với những vấn đề khó khăn ví dụ như chiến tranh, thiên tai, suy thoái về kinh tế hay đạo đức,..v..v..Và dường như xưa nay, vấn đề đạo đức của con người vẫn còn đang được quan tâm và chú trọng xây dựng. Con người vẫn xem đạo đức, nhân cách là mục đích cao đẹp cần phải vươn tới trước những thay đổi liên tục của thời cuộc.
Nền kỹ thuật tiên tiến và văn minh của các cường quốc trên thế giới đã và đang tiến vào Việt Nam với tốc độ và quy mô cực lớn. Người Việt Nam xưa nay học hỏi và làm theo rất nhanh ở bất cứ lĩnh vực nào. Thế nhưng do cuộc sống ngày càng phải chạy đua khốc liệt để tồn tại, đồng thời con người bị tác động mạnh của đồng tiền và quyền lực, nên những phẩm chất tốt đẹp vốn có đã dần mất đi, thay vào đó là những toan tính vụn vặt nhằm trục lợi cho bản thân.
Sự lan truyền nhanh chóng của công nghệ thông tin, của mạng xã hội khiến con người ngày càng sống rời xa thực tế. Đó là nơi người ta rủ bỏ mệt mỏi sau nhưng bon chen thường nhật, nhưng cũng là nơi người ta ẩn náo, trốn tránh hiện thực. Giao tiếp trên mạng như vậy làm cho chúng ta xa nhau và thiếu hiểu biết về nhau hơn. Khi cuộc sống bị phụ thuộc vào thế giới ảo, chúng ta sẽ lười vận động, tư duy và làm việc hơn. Phải nói rằng những thiết bị càng hiện đại bao nhiêu thì chúng càng hạn chế khả năng làm việc và thích ứng của con người bấy nhiêu. Những u buồn, ức chế trong đời sống hàng ngày, người ta đem lên thế giới ảo để giãi bày, trút giận hay thậm chí chửi rủa nhau không tiếc lời. Lòng Nhân của con người có còn tồn tại không khi mà những trò lố bịch nhằm mục đích mua vui, miệt thị hay lợi lộc khác đang ngày càng phổ biến? Sự thiếu hiểu biết và suy thoái văn hóa đã tạo nên những con người vị kỉ, tha hóa và tàn nhẫn ngay cả trên thế giới ảo.
Đồng tiền và sắc đẹp từ lâu đã chiếm được vị trí quan trọng trong cách nhìn nhận con người. Ngày nay, nó càng được cổ súy và lạm dụng hơn. Người ta đánh giá một con người dựa trên bề ngoài hào nhoáng, dựa vào tài lực kinh tế là phần nhiều, hiếm khi nhìn người khác bằng con mắt sâu sắc. Đó là do cuộc sống quá xô bồ, gấp rút, khiến con người phải chạy đua với thời gian, để rồi họ bỏ quên đi những giá trị ẩn sâu bên trong con người. Người giàu, người đẹp thời nay không chỉ luôn được chào đón, mà còn là cái mốt để chạy theo của phần đông con người (đặc biệt là giới trẻ).
Là người phải lấy chữ nhân làm đầu”
Lòng Nhân từ trước đến nay luôn được đề cao, được xem là thước đo chuẩn mực cho giá trị và cuộc sống đúng nghĩa của con người. Do vậy, dù cuộc sống bây giờ của chúng ta ngày càng nhiều cái tiêu cực, từ thực tế cho đến trên báo chí, hàng ngày ta vẫn thấy cái xấu hiện diện. Nhưng không vì thế mà cái đẹp, cái nhân văn bị lãng quên.
Trên trang báo trực tuyến www.hanoimoi.com, có bài đăng: “Ươm trồng lòng nhân ái” của nhà báo Quỳnh Anh, nói về công tác từ thiện kết hợp giáo dục nhân cách cho học sinh Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba. Những học sinh ở đây hàng ngày sẽ tiết kiệm tiền quà sáng và tiền mừng tuổi để nuôi lợn nhựa. Số tiền từ quỹ này sẽ được hỗ trợ cho các bệnh nhi bất hạnh và các học sinh khó khăn khác trong trường. Hoạt động ý nghĩa này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, lòng nhân ái và tính cần kiệm của các em học sinh nhỏ tuổi. Điều này minh chứng cho sức sống của tình thương giữa người với người vẫn đang lớn mạnh và được quan tâm cụ thể.
Cũng trên trang www.hanoimoi.com, Linh Nhi có bài viết về cô sinh viên Vũ Thị Lan Anh với tựa đề: “Cô gái trẻ giàu lòng nhân ái”. Hàng ngày, Lan Anh tận tụy chăm nom các em không may nhiễm chất độc màu da cam. Bài viết cho thấy tấm lòng thương người, chịu khó không chỉ tồn tại ở thế hệ trước, không chỉ được hy vọng và giáo dục ở thế hệ mai sau mà ngay ở hiện tại, ta vẫn thấy đâu đó có những con người làm việc thầm lặng vì cuộc sống tươi đẹp hơn của đồng loại kém may mắn hơn mình.
Dân gian có những câu nói về lòng thương người quen thuộc như: “Ở cho có nghĩa có nhân,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con. Ba vuông sánh với bảy tròn, Đời cha ân đức, đời con sang giàu.”
Hay
Người trong một nước, phải thương nhau cùng.” Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.”
Những lời dạy trên giờ đây tuy không còn được truyền miệng rộng rãi nữa, nhưng giá trị về nội dung của nó vẫn được nhắc đến hàng ngày ở xã hội nước ta như một tâm thức của con người Việt Nam. Lòng Nhân đâu đó vẫn còn giữ được vị trí của nó trong tâm hồn con người.
Tư tưởng Nhân của Khổng Tử là triết lí cao đẹp về cách ứng xử, cách sống sao cho giữ được mối giao hòa tốt đẹp giữa người với người, tạo nên một thể chế chính trị mà ở đó đạo đức con người là trung tâm. Tuy có không ít những mặt hạn chế, nhưng về cơ bản, đức Nhân vẫn hết sức cần thiết trong việc chấn chỉnh xã hội Việt Nam thời bây giờ.
Để đức Nhân có thể tồn tại và phát huy được điểm mạnh của mình, từng cá nhân trong xã hội phải nhận thức được những mặt tích cực, loại trừ những hạn chế vốn có của nó và gìn giữ những giá trị cao đẹp đã tồn tại của Nhân trong xã hội hàng ngàn năm nay.
Tuy điều đó là vô cùng khó khăn bởi cuộc sống thời nay là một cuộc đua không ngừng nghỉ, hiếm ai có và chịu dành thời gian để trăn trở những điều tưởng chừng như chỉ mang lại lợi ích cho người khác và bộ mặt đời sống. Thế nhưng chính sự vì người mà tu thân, vì đời mà sống chậm lại ấy mới làm nên diện mạo tươi sáng cho xã hội. Con người có biết tự suy xét về mình, sống chan hòa với kẻ khác, xem trọng nghĩa hơn lợi thì mới có thể đến gần được với đức Nhân. Tương lai của đức Nhân không phải là quá mờ mịt nếu bản thân mỗi con người chúng ta hiểu được tầm quan trọng của nó. Để làm được điều ấy, thiết nghĩ nên thay đổi dần từ giáo dục con trẻ cho đến các quy định pháp lý, không để con người chạy theo và phụ thuộc vào những thứ phù phiếm, không mang tính nhân văn. Được như thế, tư tưởng Nhân của Khổng Tử sẽ giữ vững và phát huy được vị trí cũng như tính tích cực của nó một cách hiệu quả nhất.
Suy cho cùng, tiêu cực to lớn nhất mà Nhân trong “Luận Ngữ” đã gây ra là sự trì trệ trong tư tưởng và lối sống của phần đông người dân Việt Nam. Suy nghĩ không cởi mở và khách quan đã phần nào làm chậm lại quá trình học hỏi và lao động lẫn những ứng xử giữa con người với nhau. Điều này làm kìm phát triển hãm xã hội, gây khó khăn cho việc tiếp thu những kiến thức với trên nhiều lĩnh vực trên con đường hội nhập quốc tế của nước ta.
Nho giáo đã có công gầy dựng một nền triết lý giúp con người tu dưỡng được đạo đức bản thân, nhưng không vì thế mà chúng ta tin tưởng vào nó tuyệt đối. Xã hội ngày càng phát triển, tầm nhìn của con người ngày càng phải đa chiều và bắt kịp với xu thế thời đại cho phù hợp. Thế nên đức Nhân của Khổng Tử trong “Luận Ngữ” cần phải được chắt lọc lại những tinh túy và loại bỏ những định kiến cổ hủ và sai lầm, có như thế tinh thần của Nhân mới ngày càng lan rộng và hiệu quả.
Ở phải có nhân có nghĩa
Thơm danh vả lại làm bia miệng người.
Hiền lành lấy tiếng với đời, Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta. Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây. Vàng trời tuy chẳng trao tay, Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
KẾT LUẬN
Hệ thống tư tưởng của Nho giáo từ bấy lâu nay đã chi phối mạnh mẽ về đời sống xã hội, chính trị và văn hóa của Việt Nam. Trên nhiều phương diện, Nho giáo đã xây dựng nên bộ mặt tích cực cần được gìn giữ và phát huy, và đức Nhân của Khổng Tử trong “Luận ngữ” là một trong những tư tưởng quan trọng như thế. Giá trị của một con người ở ta xưa nay được đánh giá dựa nhiều vào các tiêu chuẩn mà Nhân đặt ra. Điều đó cho thấy sự hợp lý, tính bền vững và ứng dụng cao của nó không hề thua kém bất cứ học thuyết nào khác.
Đức Nhân về cơ bản có nhiệm vụ giáo dục và định hướng cho con người về lễ nghĩa, phép tắc, về các quy chuẩn để tạo ra con người toàn diện về nhân cách và xã hội hoàn hảo trong thể chế độc tôn nhà cầm quyền và phái mạnh. Thánh nhân, quân tử, kẻ sĩ là những hình tượng mà Khổng Tử muốn hiện thực hóa nó một cách phổ biến. Ngoài ra, người hiền, người thiện cũng là dạng gần với đức Nhân nhất. Chung quy lại, theo Khổng Tử, Nhân là cái cốt lõi của một con người đúng nghĩa, là mục đích cần theo đuổi của con người. Thông qua đó, tư tưởng ấy thiết lập được trật tự xã hội, hướng con người đến cái Chân – Thiện – Mỹ mà Nho giáo đã đặt ra.
Cho đến ngày nay, tư tưởng Nhân của Khổng Tử trong sách “Luận ngữ” vẫn còn giữ được những đóng góp tích cực, những giá trị thiết thực của nó. Nhân là điều cần phải có của con người, là giá trị tốt đẹp của cuộc sống ở mỗi thời đại, và là cái mà con người muốn vươn đến để xây dựng hiện tại và tương lai mẫu mực hơn.
Ở Việt Nam, tư tưởng Nhân đã mang đến rất nhiều những sắc màu tươi sáng về đạo đức, chính trị và xã hội. Con người sống chan hòa, nhân ái, biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, những mối liên hệ giữa người và người càng ngày càng rút ngắn khoảng cách. Lễ nghĩa được xem trọng tạo nên sự chuẩn mực trong giao tiếp và cách sống. Thêm vào đó, những hình tượng về thánh nhân, quân tử hay kẻ sĩ đã tác động đến tâm thức văn hóa của người Việt, làm dấy
lên những tính thiện vốn là bản ngã của con người, làm tiêu chuẩn để con người phấn đấu và thực hành theo để cải tạo xã hội. Tuy nhiên, sự hà khắc trong tư duy Nho giáo ấy cũng làm cản trở những bước phát triển cho kịp với xu thế của toàn cầu ở nước ta. Cần phải bỏ đi những hạt sạn, những suy nghĩ cổ hủ để giúp con người dễ dàng thực hiện được đức Nhân một cách phù hợp với cuộc sống đương đại.
Với thời đại này, thiết bị công nghệ đã thay thế vị trí của chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Một khi khoa học kĩ thuật càng tiên tiến, khả năng của con người sẽ càng hạn chế và dần bị đẩy lùi. Người ta sẽ nhanh chóng phụ thuộc vào cơ giới, vào điện tử mà quên đi vai trò của mình trong việc xây dựng cuộc sống, quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp, cái ác tràn lan…Đó chính là lúc đức Nhân cần được phát huy hơn bao giờ hết. Tư tưởng Nhân của Khổng Tử đã, đang và sẽ là điều mà được con người quan tâm, bởi tính thời sự, tính cấp thiết và nhân văn sâu sắc. Và nó sẽ mãi mãi được nhắc đến, gìn giữ và phát triển ở những khía cạnh tích cực bởi con người luôn muốn hướng đến những điều cao cả, thiêng liêng về tinh thần, về cuộc sống.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Charles Nguyễn Ngọc Báu, (2010), Bác Ái Kito giáo và Nhân Khổng giáo, Dungleukv.wordpress.com (Ngày xem: 23/2/2018 )
2. Thanh Bình (20/08/2010), Tìm hiểu sách “Luận Ngữ”, www.nhipcaugiaoly.com (Ngày xem: 16/3/2018)
3. Du Vinh Căn (Hoàng Ngọc Cương dịch và chú giải), (2010), Tư tưởng Khổng Tử, Nhà xuất bản Đồng Nai, Đồng Nai.
4. Sào Nam Phan Bội Châu, (2010), Khổng học đăng, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
5. Đoàn Trung Còn, (1996), Tứ thơ “Luận Ngữ”, Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế, Huế.
6. Huyền Cơ (biên soạn), (2007), Luận về chữ nhân, Nhà xuất bản Trẻ, Hồ Chí Minh.
7. Võ Minh Hải (2011), Về chữ Nhân 仁 trong tư tưởng của Khổng Tử , www.vominhhai.vnweblogs.com (Ngày xem: 16/3/2018 )
8. Nguyễn Duy Hinh, (2007), Một số bài viết về tôn giáo học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
9. Nguyễn Đăng Huy, (2009), Văn hóa Tâm linh, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
10. Vũ Khiêu, (1997), Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội.
11. Phạm Văn Khoái (2004), Khổng Phu Tử và “Luận Ngữ”, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hồ Chí Minh.
12. Trần Tiến Khôi, (2008), “Luận Ngữ” với người quân tử hiện đại, Nhà xuất bản Tử điển Bách Khoa, Hà Nội.
13. Châu Hải Kỳ, (2007), Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời và Sự Nghiệp, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
15. Nguyễn Hiến Lê, (2003), Khổng Tử và “Luận Ngữ”, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
16. Nguyễn Hiến Lê, (2006), Khổng Tử, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
17. Nguyễn Hiến Lê, (2007), Mạnh Tử, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
18. Nguyễn Thế Long, (2006), Truyền thống đạo đức (Truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc Việt Nam), Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
19. Gs. P.V. BaPat (Người dịch: Nguyễn Đức Tư và Hữu Song), (2002), 2500 năm Phật Giáo, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
20. Trần Trọng Sâm (biên dịch), (2002), “Luận Ngữ” - Viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa phương Đông, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
21. Trần Trọng Sâm và Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch), (2003), Tứ thư, Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội.
22. GS Ngô Đức Thịnh, (2009), Đạo Mẫu Việt Nam Tập 2, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội.
23. Trí Tuệ, (2003), Khổng Tử Tư tưởng và sách lược, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, Cà Mau.
24. Trí Tuệ, (2003), “Luận Ngữ” Tinh Hoa, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, Cà Mau. 25. Trí Tuệ, (2003), Mạnh Tử Tư tưởng và sách lược, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, Cà Mau.
26. www.Bantinsom.com, (2009) Mạn bàn chữ “Nhân” trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử (Ngày xem: 17/3/2018)
27. www.daomauvietnam.com, (2011), Lịch sử đạo Mẫu Việt Nam, (Ngày xem: 2/5/2013)
28. www.tongiaovadantoc.com, (29/06/2011), Tư tưởng Nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử, (Ngày xem: 17/3/2018 )
29. www.reds.vn, (11/1/2013), Luận giải triết học về đạo đức và đạo đức Phật giáo,(Ngày xem: 20/3/2018 ).