Ảnh hưởng tích cực của chữ Nhân đối với xã hội Việt Nam

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 51 - 56)

3.2.1. Nhân là nhân ái, yêu thương con người

“Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Đây chính là tôn chỉ của Nho giáo, là thuyết trung - thứ, chủ đạo của tư tưởng Nhân trong “Luận Ngữ”. Ở Việt Nam, từ lâu tư tưởng Nhân của Nho giáo đã tạo nên tâm thức văn hóa nhất định. Sống vì người khác, hành xử sao cho không ảnh hưởng đến người khác đã là một trong những tiêu chuẩn đánh giá người tốt, người nhân hậu ở nước ta.

Đi đường, gặp người già, trẻ nhỏ khó khăn, chúng ta thường hay giúp đỡ, nhường chỗ ngồi hay hỗ trợ những việc nhỏ khác. Người viết cho rằng đó không phải do chịu ảnh hưởng của văn hóa lịch sự phương Tây, mà là của nền văn hóa Nho giáo. Như đã nói ở trên, nếu không muốn điều gì thì cũng đừng làm cho người khác. Chúng ta cần sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ, nên hiện thực chúng ta phải hành động như vậy với người khác, có thế thì sau này mới nhận được điều tương tự. Quan niệm ấy là kết quả của sự hòa hợp giữa Nhân trong Nho giáo và Từ bi cùng luật nhân quả trong Phật giáo.

“Lá lành đùm lá rách” là câu nói ta thường nghe thấy mỗi khi ở nơi nào đó trên đất nước chúng ta, có những người khốn khó đang cần sự giúp đỡ. Truyền thống nhân đạo, thương người, biết quan tâm lẫn nhau ấy thật đáng trân trọng. Và nó đã được duy trì từ rất lâu rồi, từ khi Nho giáo thổi vào nước ta làn gió nhân văn đặc trưng của nó. Cho đến ngày nay, nhân ái đã là một đức không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam. Nhiều chương trình từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hay tàn tật ngày càng được nhân rộng và phát triển, nhất là trong thời đại thông tin được lan truyền, phổ biến nhanh chóng như hiện nay. Chính lòng nhân ái ấy là nét đẹp nghĩa tình, vốn quý tinh thần đáng gìn giữ trong xã hội chúng ta.

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta bắt gặp trên đường, một hoặc một nhóm nam giới đang bất chấp nguy hiểm mà vây bắt cướp. Đó có thể là một nhóm người tự do, thấy cảnh bất bình rồi tương trợ, cũng có thể đó là một tổ chức của những “Hiệp sĩ đường phố”, chuyên giúp dân lành chống trộm cướp một cách vô điều kiện. Đây chính là một dị bản của người quân tử thời xưa, được tạo hình bởi Nho giáo, mà đặc biệt là bởi sự phân biệt các hạng người trong tư tưởng Nhân của Khổng Tử. Quan niệm về người quân tử có lẽ là quan niệm mang tính chất xây dựng bậc nhất trong sách “Luận Ngữ”. Giúp người, tự tu tập bản thân, không ngừng học hỏi…là những điều mà người quân tử cần phải có. Nếu ai ai cũng thi hành và áp dụng vào đời sống thực tế

một cách hợp lý, quả thật xã hội lúc đó thật sự vô cùng yên bình và vững mạnh hơn bao giờ hết.

3.2.2. Nhân là trung quân, ái quốc, hiếu với cha mẹ

Trong lịch sử nước Việt Nam, chúng ta đã được nghe đến tiếng lành của nhiều vị vua và quan trong việc xây dưng, bảo vệ đất nước. Đó là vua Lê Thánh Tông với đạo trị nước hoàn hảo, đưa đất nước trở nên hưng thịnh, vững mạnh. Ông là người biết trân trọng lịch sử, đề xuất ra việc soạn thảo Đại Việt sử ký toàn thư và Thiên Nam dư hạ tập, là vị vua biết quan tâm đến đời sống của nhân dân, trọng lễ nhạc, mê thơ phú, dân chủ đối với phụ nữ,…Những điều ấy khó mà có ai theo kịp, cho nên người ta ví ông như Thánh nhân trong việc trị nước và cải tạo xã hội.

Nguyễn Trãi cũng là vị quan anh minh, có tầm ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng văn hóa và chính trị ở Việt Nam. Người là vị quan hết mực thương dân, hiểu được công lao và tầm quan trọng của dân trong quá trình dựng và giữ nước. Tư tưởng nhân nghĩa của ông được gắn với việc an dân và vì dân. Bên cạnh đó, tư tưởng ấy còn thể hiện lòng thương người, thậm chí đối với kẻ thù. Sự đặc biệt ấy được tôn vinh và giữ gìn cho đến ngày nay. Từ những điều ấy, có thể xem Nguyễn Trãi là Thánh được rồi.

Chữ Trung chữ Hiếu chữ chữ Hòa Hỏi trong ba chữ thờ cha chữ nào

Chữ Trung thì để thờ cha Chữ hiếu thờ mẹ chữ Hòa thờ anh.

(Ca dao Việt Nam)

Bài ca dao trên đã phần nào phản ánh được nét văn hóa truyền thống của dân ta xưa nay đó là Hiếu và Trung. Hai phạm trù này cũng là gốc rễ của chữ Nhân trong Nho giáo.

Xưa nay, ở Việt Nam, hiếu thảo luôn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá và hoàn thiện một con người. Văn học dân gian cũng có nhiều câu khác nói về hiếu thảo như:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

(Ca dao Việt Nam)

Đạo làm con phải biết hiếu kính, yêu thương, phụng dưỡng cho cha mẹ. Đó là điều hiển nhiên trong văn hóa người Việt mình nói riêng và phương Đông nói chung. Ở phương Tây, khi đã lớn tuổi, hầu như cha mẹ không còn sống chung với con cái, những đứa con cũng tự lập từ rất sớm. Đó là điểm khác biệt dễ nhận biết nhất đối với hai nền văn hóa Đông – Tây.

Từ bé, những người con trong gia đình ở Việt Nam vốn đã chịu sự chi phối rất lớn từ những bậc sinh thành. Việc sinh hoạt, học hành cho đến lúc dựng vợ gả chồng cho con phần lớn đều do cha mẹ lo toan, quyết định. Thế nên, khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, con cái phải biết nhớ ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ mà chăm sóc, quan tâm họ một cách tận tâm và chân thành. Công lao của cha mẹ như trời, biển, cho nên làm con phải nhất nhất hiếu thảo, không được vô lễ hay bỏ rơi cha mẹ.

Khi cha mẹ qua đời, con cái trong gia đình có trách nhiệm thờ cúng, làm giỗ mỗi năm để tưởng nhớ. Đồng thời, ngày giỗ chạp cũng là lúc anh chị em, họ hàng trong nhà sum họp, gặp gỡ, củng cố mối quan hệ huyết thống. Những phong tục đáng quý ấy đã dần dần bị biến dạng bởi cuộc sống bề bộn, nhưng đó vẫn là cái đáng quý, đáng giữ gìn của dân tộc ta.

Với đạo Trung – một phạm trù đặc trưng trong Nhân, Việt Nam mình tiếp thu khá bài bản và đầy đủ. Trung ở đây là đạo đối với người trị vì thiên hạ, với cha và chồng. Đức Trung với vua ngày xưa gần như là tuyệt đối, bậc hạ thần hay dân thường không được trái lệnh vua, thậm chí là phải thờ vua mới phải đạo. Còn ngày nay, chữ Trung của dân ta đối với nhà cầm quyền đã không mang tính chất mù quáng như xưa. Tính dân chủ ngày càng được phát huy trong từng quyền lợi, hành động và phát ngôn của người dân. Tuy nhiên,

về cơ bản, ngườn dân vẫn phải tôn trọng và giữ đúng lễ với người lãnh đạo của mình. Ngoài ra, chữ Trung còn gắn cùng đạo với cha và chồng. Làm con không chỉ cần hiếu thảo mà phải biết vâng theo sự chỉ bảo, dạy dỗ của cha mẹ, đặc biệt là cha. Làm vợ phải biết thờ chồng, thủy chung với chồng. Đấy là Trung. Sự quy định này chính là kết quả của chế độ phụ hệ cộng hưởng với quan điểm trọng nam khinh nữ của Nho giáo. Xét về tính nhân văn, đạo Trung tạo ra những mối quan hệ xã hội mang tính bền vững, chuẩn mực và ổn định. Tuy nhiên, những áp đặt về tư tưởng như thế dễ dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình phát triển về tư duy và xã hội nói chung.

3.2.3. Nhân là lấy dân làm gốc, yêu thương nhân dân

Không chỉ góp phần tích cực về mặt xã hội, tư tưởng Nhân còn chi phối quan điểm chính trị ở Việt Nam ta. Tư tưởng Nhân của Khổng Tử trong sách “Luận Ngữ” cho rằng trị dân thì phải dụng Nhân, mà như vậy thì phải lấy dân làm gốc. Rồi về trị dân thì phải dùng chính sách ôn hòa, dùng đức mà trị. Bao nhiêu cái hay trong chính sách dụng người, trị nước của Nhân trong “Luận Ngữ” thì gần như Việt Nam ta xưa nay đều ứng dụng cả. Nước mình xưa nay vốn hứng chịu nhiều cuộc xâm lược từ những cường quốc, nhưng cho đến nay, ta vẫn giữ được chủ quyền. Có được thành quả đó, phần lớn là nhờ sức mạnh của nhân dân. Khi lòng dân đoàn kết, ủng hộ với chính sách trị dân của người lãnh đạo, tức thì việc gì cũng thành. Trong xã hội hiện đại ngày nay, chắc rằng chúng ta thường nghe hô to khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Tính dân chủ được tối đa hóa trong khẩu hiệu này với mục đích là lấy nhân dân làm trung tâm để xây dựng đất nước. Đó chính là đường lối, là mục tiêu mà Nhà nước ta đưa ra. Dân có yên thì nước mới thịnh vượng, cũng như gốc rễ vững vàng thì cây không ngã được. Cái hay trong tư tưởng trị dân của đức Nhân nằm ở chỗ nắm được mấu chốt quyết định trong việc xây dựng, làm chủ đất nước. Lấy dân làm nền tảng, làm đà và đòn bẩy để thúc đẩy xã hội, phát triển đất nước, quả không còn gì tốt hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lựa và tiêu chuẩn để đánh giá người trị nước cũng được chúng ta áp dụng tư

tưởng Nhân tương đối phù hợp. Chính vì thế, xã hội ta mới có cơ chế như ngày nay - phát triển, hội nhập và văn minh.

Những quy tắc trên, mặc dù còn chưa thật sự hoàn hảo và mang nhiều hạn chế, thế nhưng cũng đã góp phần xây dựng nên một xã hội kiểu mẫu, mà ở đó, con người được rèn luyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của mình trong từng mối quan hệ hay đối với chính bản thân mình.

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)