Nho giáo là học thuyết triết học, chính trị, đạo đức của Trung Quốc được hình thành và phát triển qua ba giai đoạn lớn, từ Nho thời Tiên Tần đến Nho Lưỡng Hán và Nho thời Tống - Minh - Thanh. Được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, tuy ban đầu vấp phải sự phản kháng của người Việt nhưng về sau Nho giáo đã dần được các triều đại Việt Nam chủ động tiếp nhận, sử dụng làm công cụ trị nước trong suốt nhiều thế kỷ cho đến khi chế độ phong kiến lụi tàn. Quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam thành ba giai đoạn lớn. Giai đoạn đầu Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam tương ứng với thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử dân tộc, Nho giáo được truyền vào Việt Nam một cách áp đặt trong âm mưu đồng hóa dân tộc của các thế lực phong kiến phương Bắc, do đó thời kỳ này người Việt tiếp nhận Nho giáo hết sức chậm chạp, thụ động, tiếp thu chủ yếu những yếu tố kỹ thuật, văn hóa mang tính thực dụng và gần gũi với truyền thống người Việt.
Giai đoạn tiếp theo là từ thế kỷ X-XV, trước yêu cầu đặt ra về việc xây dựng và phát triển nhà nước Đại Việt, giai cấp phong kiến dân tộc đã chủ động tiếp thu Nho giáo thông qua giao lưu kinh tế, văn hóa, ngoại giao với Trung Hoa. Những quan niệm của Nho giáo về chính trị - xã hội, đạo đức, nhân sinh đã có những tác động nhất định vào đội ngũ những người học đạo Nho. Trong bối cảnh đất nước chưa ổn định, yêu cầu bảo vệ và thống nhất nước nhà được đặt lên trên hết, Nho giáo được tiếp nhận giai đoạn này mang đậm tinh thần dân tộc, gắn với thực tiễn và truyền thống văn hóa người Việt. Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo tạo thành hiện tượng tam giáo đồng nguyên trong đó Phật giáo đóng vai trò chủ đạo.
Ở giai đoạn thứ ba, tương ứng với thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XV đến XIX, với yêu cầu về việc hoàn thiện thể chế trung ương tập quyền, các triều đại từ
nhà Lê đến nhà Nguyễn, đã dựa vào tư tưởng Nho giáo để tuyển lựa và chấn chỉnh bộ máy quan lại, dùng cương thường đạo lý, tập quán tông pháp để chuẩn mực hóa hành vi của nhân dân. Tuy nhiên, càng về sau, sự tiếp nhận Nho giáo diễn ra một cách cực đoan hơn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn cùng với chế độ phong kiến.
Quá trình du nhập Nho giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XIX có những đặc điểm, tính chất sau: Thứ nhất, tính phức tạp của quá trình du nhập Nho giáo; Thứ hai, tính dung hợp của Nho giáo với Phật giáo và Đạo giáo trên cơ sở văn hóa truyền thống Việt Nam; Thứ ba, tính Việt hóa Nho giáo. Từ quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam, có thể rút ra một số ý nghĩa mang tính lịch sử: Thứ nhất, ý nghĩa về phương diện văn hóa. Quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam trong lịch sử đã bổ sung và làm cho diện mạo văn hóa Việt Nam có thêm những sắc thái mới. Thứ hai, ý nghĩa về phương diện tư tưởng, đạo đức. Quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam đã tác động lớn đến thế giới quan, nhân sinh quan và tư tưởng chính trị - xã hội của người Việt. Thứ ba, ý nghĩa về phương diện chính trị - xã hội. Quá trình du nhập, tiếp thu và cải biến Nho giáo ở người Việt không chỉ đáp ứng được yêu cầu quản lý đất nước của giai cấp phong kiến dân tộc bấy giờ mà còn góp phần vào việc nâng cao ý thức độc lập, tự chủ của người Việt nói chung trước triều đình phương Bắc.