Ảnh hưởng tiêu cực của chữ Nhân đối với xã hội Việt Nam

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 56 - 60)

3.3.1. Chữ Nhân đòi hỏi sự phục tùng cứng nhắc

Dưới bóng phủ của nền văn hóa Nho giáo, con người dường như bị bó hẹp trong những quy tắc, chuẩn mực. Nhưng không phải quy tắc nào cũng tuyệt đối lợi ích. Như đã trình bày nhiều lần ở các phần trước, tư tưởng Nhân chính là trung tâm của Nho giáo nói chung và sách “Luận Ngữ” nói riêng. Ở trong Nhân, các đức khác hình thành và dần dần ảnh hưởng, tác động đến tư duy, tâm thức của con người trong xã hội chịu ảnh hưởng của phong kiến. Những định kiến đeo bám lấy con người ta theo năm tháng khiến họ trở nên trì trệ trong tư tưởng, mù quáng vào những kinh kệ, giáo điều không hợp thời. Khi chỉ chăm chú giữ lấy những chuẩn mực về nhân cách quá cầu kì, con người sẽ không cởi mở được tư duy, không có tính độc lập trong định hướng và sự phản biện trong quan hệ xã hội. Những điều ấy xin được làm rõ phần nào ở những đoạn dưới đây.

Đáng kể đầu tiên đó là Lễ. Xét từ cái nhìn tổng quan thì Lễ mang lại nét đẹp trong cung cách ứng xử hàng ngày giữa con người với nhau. Tuy nhiên, với việc quá câu nệ Lễ đã làm chậm lại những quá trình quan trọng để thực hiện những điều khác. Giả sử như ngày xưa, khi hành Lễ rườm rà, sẽ gây mất thời gian và hao tốn công sức lẫn tiền bạc, kinh tế chậm tiến lên. Ngày nay, điều Lễ đã trở thành tiềm thức trong giao tiếp của người Việt Nam, cho nên mọi người dường như làm việc gì cũng đặt Lễ lên hàng đầu, chậm rãi trong công việc quá mức. Lễ khiến người ta mặc nhiên để ý hình thức của mình hơn, dần dà tạo nên cung cách có phần giả dối, thiếu tư duy trong công việc.

Người trẻ ngày nay cần nhất chính là sự năng động trong suy nghĩ và thực hành, đơn giản hóa về hình thức để thích nghi được với thời đại công nghệ, cho nên Lễ cần phải giản lược đi nhiều mới phù hợp. Tuy nhiên, người hiện đại chúng ta lại cố tình hay vô ý hiểu sai sự giản lược thành thay đổi chữ Lễ. Chúng ta kính trọng người lớn tuổi, nhường nhịn trẻ nhỏ là tốt, nhưng trong công việc cần phải có tính khách quan và chính xác. Người lớn tuổi cần phải được kính trọng nhưng không vì thế mà lúc nào họ cũng đúng. Giữ lễ kiểu này còn cổ súy cho chủ nghĩa kinh nghiệm tư duy tuyệt đối hóa kinh nghiệm của người già nảy sinh tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, đồng thời coi thường sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, thậm chí kìm kẹp họ, dẫn xã hội đi theo lối mòn, thiếu đột phá. Nguy hiểm hơn, tư duy này sẽ khiến chúng ta khó thích nghi đứng trước thực tiễn đang biến đổi từng ngày từng giờ. Nếu ta câu nệ Lễ theo kiểu cực đoan quá thì thành ra hỏng việc. Những người giữ Lễ kiểu như vậy, khi không đạt được mục đích thì sẽ nảy sinh chuyện biếu xén, xu nịnh tầm thường. Ngày lễ lớn hay tết nhất, biết bao nhiêu người bỏ tiền ra mua và tặng quà cho “sếp” dưới vô số hình thức, nhằm tạo được thiện cảm cũng như thuận lợi trong công việc. Như thế có phải là Lễ hay không? Riêng người viết thấy điều đó thiếu sự chân thành và vô cùng lãng phí. Tiền của đổ sông, đổ biển không dùng để cứu người mà lại tiêu hoan vào cái mà người ta cho là Lễ như thế thật không đáng chút nào. Lễ ngày nay đang dần tạo nên sự giả dối và mất lòng tin vào những điều chân thành vốn có của con người.

3.3.2. Chữ Nhân của Khổng Tử có nội dung phân chia đẳng cấp và trọng nam khinh nữ

Trong gia đình Việt Nam, cho đến ngày nay vẫn còn giữ nét văn hóa của chế độ phụ hệ, gia trưởng. Mặc dù hội nhập đã lâu, những quan niệm cổ hủ ấy vẫn còn đang đè nặng trong suy nghĩ người Việt. Còn nhớ đến “Tam cương” trong Nho giáo đã một thời làm cho giới phong kiến lao đao, không lối thoát trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Sự trung thành quá tuyệt đối với nhà cầm quyền, với cha, với chồng khiến cho con người (nhất là phụ nữ) không

thể tự đứng lên giải phóng chính mình, không hòa nhập được với cuộc sống. Hiện tại, người phụ nữ Việt Nam vẫn bị chi phối bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Người đàn ông đã cởi mở hơn, nên họ có thể ra ngoài làm nhiều việc, nhưng về nhà vẫn phải lo toan bếp núc, dọn dẹp, con cái…Chỉ một số ít trong họ được sự sẻ chia của chồng. Dần dần, sự ức chế trong họ một lớn, không lo toan nổi với đời sống gia đình, họ dễ đi tìm những thứ khác để xả cơn bực dọc. Mà không phải ai cũng tìm được cách tích cực, họ có thể tham gia các hoạt động bổ ích, số khác sẽ bị đưa đẩy vào những chuyện tình ái khó kiểm soát được. Thành ra gia đình không còn được hạnh phúc nữa. Người đàn ông giở thói trăng hoa thì được tha thứ, vì người ta cho đó là bản chất của họ. Còn người phụ nữ phải giữ đúng tam tòng tứ đức, làm sai thì bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Như vậy nào có đúng! Đã hình thành nên một gia đình hay bắt đầu một tình yêu, bất cứ bên nào, dù nam hay nữ cũng phải chịu trách nhiệm với lựa chọn và cuộc sống chung chạm. Có như thế thì tình yêu mới thêm phần trong sáng, hôn nhân thêm bền vững, gia đình hạnh phúc. Gia đình mạnh thì khắc xã hội sẽ mạnh. Còn nếu đâu đó trong mỗi gia đình còn những suy nghĩ hẹp hòi, những khúc mắc khó giải bày thì mãi mãi đất nước không tiến lên được.

Với người lãnh đạo đất nước, sự trung thành tuyệt đối cũng dễ dẫn đến u mê trong đường lối chung. Tính dân chủ nên được phát huy tối đa để chính sách phát triển đất nước được minh bạch và hợp lòng dân, từ đó được triển khai nhanh chóng mà hiệu quả.

“Cá không ăn muối cá ươn con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

Hiếu thảo đã trở thành đức tính tốt đẹp và đặc trưng của người Việt ta. Nhưng cứng nhắc tin trong đức hiếu đã trở thành một hạn chế lớn đối với phát triển tư duy và hành động của người trẻ. Từ lâu, người ta cho rằng con cái phải luôn vâng lời cha mẹ, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nếu cãi lại thì bị xem như kẻ hư hỏng, hỗn hào và bất hiếu không khí gia đình thiếu sự dân chủ. Theo người viết, đạo hiếu thảo cần nhất là phụng dưỡng cha mẹ, lễ phép với cha mẹ chứ không phải sống giả dối để cha mẹ được vui. Con cái cần phải

là một thực thể tách rời khỏi cha mẹ, tự thân tư duy, học hỏi, vận động và phát triển theo ý thích thì mới thành công được. Lâu nay ta vẫn phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ về nghề nghiệp, hôn nhân, hướng đi sự nghiệp…Chính những điều này làm cho con trẻ không biết tự lập, luôn trông chờ vào người khác, hay nhờ vả, lười suy nghĩ và làm việc. Con cái hầu như hiếm khi được tranh luận, được bày tỏ mong ước và quan điểm của mình đối với cha mẹ. Họ chỉ sống giống như những cái máy được lập trình sẵn, không yêu thương, không sáng tạo và tích cực, lâu dần vì để không trái lời cha mẹ, họ sinh ra lối sống giả tạo, hai mặt. Những tình yêu tan vỡ, những con người làm việc mà không sáng tạo, không lý tưởng sống đúng đắn, luôn trông chờ sự giúp đỡ…đó chính là sản phẩm tiêu cực của sự hiếu trung đến mức cực đoan còn tồn đọng đến ngày nay.

3.3.3. Tuyệt đối hóa nhân trị trong xã hội

Một số người do quá “trọng đức”, “duy tình” trong khi xử lý các công việc và các mối quan hệ xã hội, dẫn đến buông lỏng kỷ cương phép nước và vi phạm pháp luật. Coi trọng đạo đức là cần thiết nhưng vì tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức mà quên pháp luật là sai lầm. Tiếp thu truyền thống trọng đức của phương Đông, nhấn mạnh quan hệ đạo đức “thân thân”, “thân hiền” của Nho giáo, nhiều người khi có chức quyền đã kéo bè kéo cánh, đưa người thân, anh em họ hàng vào cơ quan mình đang quản lý. Sắp xếp và bố trí cán bộ không theo năng lực, trình độ và đòi hỏi của công việc mà dựa vào sự thân thuộc, gần gũi trong quan hệ tông tộc, dòng họ. Trong công tác tổ chức cán bộ, vì đề cao quan hệ thân thích dẫn đến tư tưởng cục bộ địa phương. Nhiều người vì quan hệ thân thuộc mà không dám đấu tranh với những sai lầm của người khác. Do quan niệm sai lệch về đức Nhân Nghĩa với nội dung đền ơn trả nghĩa mà trong thực tế một số cán bộ có thái độ ban ơn, cố tình lợi dụng kẽ hở của chính sách và luật pháp để trục lợi, móc ngoặc, hối lộ, cửa quyền….Thậm chí, một số người dùng tư tưởng gia trưởng để giải quyết các công việc chung. Một trong những phẩm chất của người lãnh đạo là tính

quyết đoán. Nhưng quyết đoán theo kiểu độc đoán, chuyên quyền là biểu hiện của thói gia trưởng.

Việc coi trọng lễ và cách giáo dục con người theo lễ một cách cứng nhắc, bảo thủ là cơ sở cho tư tưởng tôn ti, tư tưởng bè phái, cục bộ, đề cao địa vị, coi thường lớp trẻ, trọng nam khinh nữ…hiện nay vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ và hành động của không ít người. Những tư tưởng trên phản ánh cơ sở hạ tầng của xã hội phong kiến phụ quyền gia trưởng: Đứng đầu gia đình là người cha, người chồng gọi là gia trưởng, đứng đầu dòng họ là trưởng họ, đại diện cho cả làng là ông lý, cả tổng là ông chánh, hệ thống quan lại là cha mẹ dân và cao nhất là vua (thiên tử - gia trưởng của gia đình lớn - quốc gia, nước). Vì vậy, mọi người có nghĩa vụ theo và lệ thuộc vào “gia trưởng”. Thực chất đạo cương - thường của Nho giáo là bắt bề dưới phải phục tùng bề trên đã tạo nên thói gia trưởng. Thói gia trưởng biểu hiện ở quan hệ xã hội, ở tổ chức nhà nước. Trong gia đình là quyền quyết định của người cha, người chồng:“cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; “phu xướng phụ tòng” (chồng đề xướng, vợ phải theo). Ở cơ quan là quyền duy nhất là của lãnh đạo. Ở đâu vẫn còn có cán bộ mang tư tưởng gia trưởng, bè phái thì ở đó quần chúng nhân dân sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo, chủ động được. Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang rất cần những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân của khổng tử trong tác phẩm “luận ngữ” và ảnh hưởng của nó đến xã hội việt nam (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)