Thứ nhất, ảnh báo chí phải có chủ đề sáng rõ và đảm bảo tôn chỉ, mục
đích của báo.
Theo tác giả Nguyễn Tiến Mão trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí” thì đối với ảnh báo chí thì nội dung chính trị và tư tưởng bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo.
Tức là một bức ảnh báo chí cần có nội dung tốt, mang định hướng giáo dục lành mạnh cho người xem. Muốn có nội dung tốt thì chủ đề ảnh cần rõ ràng và mang tính thời sự cao. Chủ đề phải nhắc đến nhân vật, sự kiện chính là ai, trong thời điểm nào, thỏa mãn các yếu tố 5W,1H và dù phản ánh những tầng ý nghĩa sâu xa trong những lớp cắt của sự kiện thì nhiệm vụ của người phóng viên chính là chớp khoảnh khắc phản ánh đầy đủ được chủ đề đó và khiến độc giả hiểu được.
Thứ hai, đề tài của ảnh báo chí cần hấp dẫn
Đối với công chúng hiện nay, món ăn yêu thích của họ là những tin tức hay, nóng, thời sự và phản ánh được cuộc sống thường tại. Ảnh báo chí khi xuất hiện trong tác phẩm tin báo mạng cũng như vậy, cần mang đề tài hay, hấp dẫn và đáp ứng được yêu cầu thông tin đa dạng, sinh động.
Ngoài việc ảnh chứa đựng thông tin nóng còn mang tính mới lạ, không khiến người đọc nhàm chán. Khi phóng viên có thể bấm máy thu lại khoảnh
khắc ấn tượng của đối tượng vào thời điểm phù hợp thì sẽ đem lại sự hấp dẫn trong bức ảnh. Vì vậy, ống kính và đôi mắt của phóng viên phải mở lớn để tiếp nhận những thông tin mới nhất và bấm máy để ghi lại giây phút quyết định. Và cũng cần đảm bảo sự giới hạn trong bức ảnh để tuân thủ đúng yêu cầu tuyên truyền, tôn chỉ của mỗi tờ báo.
Thứ ba, ảnh được sử dụng phải đảm bảo được tính thời sự.
Tự bản thân thể loại tin trên báo mạng đã phải đảm bảo đưa được những vấn đề cấp thiết và mang tính thời sự. Vậy nên khi là một thành tố trong tin báo mạng thì ảnh báo chí cũng phải đáp ứng được yếu tố thời sự, bám vào dòng thời sự chính trong ngày.
Thứ tư, ảnh được sử dụng phải phù hợp với nội dung tin
Khi đọc tin hay bất cứ thể loại nào khác trên báo điện tử, việc đầu tiên độc giả thường làm khi nhấp vào link bài chính là nhìn lướt qua ảnh sau đó mới đến đọc nội dung tin. Vì vậy mà ảnh báo chí phải phù hợp và liên kết với nội dung tin.
Nếu như nội dung ảnh không liên quan đến tin thì chất lượng sẽ bị đi xuống, thậm chí nó còn tệ hơn một tin không có ảnh, bởi ảnh không liên quan càng khiến độc giả nghi ngờ nhà báo phải chữa cháy đăng ảnh minh họa vì không có mặt để xác minh sự việc, từ đó gây ra tâm lí ức chế cho độc giả.
Thứ năm, ảnh phải có chú thích đầy đủ
Chú thích ảnh là bộ phận không thể tách rời ảnh vì nó đóng vai trò cung cấp thêm thông tin cho độc giả dễ hình dung sự kiện, sự vật, sự việc trong bức ảnh đang diễn ra như thế nào, kết thúc ra sao. Đây là điều mà hình ảnh thường không thể truyền tải hết được nên cần nhờ đến sự hỗ trợ của chú thích ảnh để khiến thông tin sáng rõ hơn.
Tất nhiên, chú thích ảnh phải có sự liên kết chặt chẽ về mặt nội dung với hình ảnh, không thể để ảnh một đường mà chú thích một nẻo được mà phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ nhau nhằm tái hiện được phần cốt yếu của sự vật, sự việc trong tin.
Về hình thức chú thích ảnh nên ngắn gọn trong khoảng 1 câu, rõ ràng, đưa thông tin chính xác. Ngôn ngữ cũng cần cô đọng, bổ sung thông tin mà ảnh chưa thể “nói” hết được chứ không phải mô tả lại những gì diễn ra trong bức ảnh, cái mà độc giả đã nhìn thấy và hiểu được.
Thứ sáu, đảm bảo trích dẫn nguồn ảnh
Ảnh báo chí được sử dụng trên một tờ báo do phóng viên hay cộng tác viên chụp đều sẽ trở thành sản phẩm độc quyền của tờ báo đó. Việc trích nguồn ảnh ở chú thích ảnh hay chèn tên tác giả trong ảnh là điều cần thiết để đảm bảo độc giả biết được ai đã chụp tấm ảnh này, như vậy có thể kiếm chứng được độ tin cậy của ảnh cao hơn. Trong một khía cạnh khác về mặt bản quyền, ảnh được chú thích tên tác giả cũng đảm bảo khi có tờ báo khác dẫn nguồn, độc giả vẫn có thể biết rõ nguồn gốc của bức ảnh này là ai, đến từ báo nào, tránh xảy ra tranh chấp bản quyền không đáng có.
Như trường hợp báo Văn nghệ Thái Nguyên có sử dụng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam trong số báo đặc biệt nhưng không thể tìm ra ai là chủ nhân của bức ảnh để chi trả nhuận bút nên tổng biên tập Nguyễn Thúy Quỳnh không chỉ phải liên hệ với báo mà còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp để tìm ra chủ nhân bức ảnh trong hàng nghìn phóng viên đã và đang làm việc của Thông tấn xã Việt Nam[Phỏng vấn sâu].