Rất khó để xác định về vấn đề ảnh trích nguồn hay không trích nguồn ở 3 tờ báo khảo sát bởi khi sử dụng ảnh có tính chất minh họa, dù ảnh này có thể được đăng tải ở một tờ báo khác nhưng thường phần chú thích sẽ ghi chung chung “Nguồn: Internet” hay “Ảnh chỉ mang tính chất minh họa”. Vấn đề này xảy ra thường là do phóng viên không chú thích rõ xuất xứ tên website hay đường link cụ thể thông qua một hyperlink.
Hyperlink là một siêu liên kết chứa địa chỉ nguồn tài liệu nhằm mục đích khi có độc giả click chuột vào nó sẽ cho phép chuyển trực triếp đến trang chứa nguồn ảnh.
Trong các trang báo khảo sát, có thể nói Zing News là tờ báo có chú thích ảnh tốt nhất. Với mỗi hình ảnh được đang tải trên tin, Zing News đều ghi nguồn rất rõ ràng. Có thể lấy ví dụ ở bài viết “Xe Santa Fe vừa sửa
xong thì gặp tai nạn khiến 3 người tử vong” (09/02/2019) của tác giả
Nguyễn Dương đăng trên mục Xã hội. Đây là một tin sâu về chiếc Santa Fe biển xanh bị ôtô khách tông ở Thanh Hóa thuộc sở hữu của Kho bạc huyện Ngọc Lặc.
Có thể thấy hình ảnh trong bài viết không phải do tác giả Nguyễn Dương chụp được bởi chú thích từng ảnh đều khác nhau.
Ảnh thứ nhất có chú thích “Chiếc xe Santa Fe là xe của Kho bạc huyện Ngọc Lặc. Ảnh: Quỳnh An.”
Ảnh thứ hai “Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Lê Điệp.”
Và ảnh thứ ba mang chú thích “Vị trí xã Hoằng Quỳ (vùng khoanh trắng). Ảnh: Google Maps.”
Điều này có thể cho thấy Zing News rất chú trọng đến việc trích nguồn thực tế của bức ảnh, kể cả khi là chính phóng viên viết tin cũng chính là người chụp ảnh thì ảnh vẫn được ghi nguồn rõ ràng chứ không chỉ đơn thuần đề cập trong một phần nhỏ cuối bài viết vì như vậy người đọc rất khó để nhận thấy.
Trong khi đó với hai báo Dân Trí và Pháp luật Việt Nam, việc ghi nguồn ảnh còn không rõ ràng.
Với báo Pháp luật Việt Nam, một đặc điểm đã nhắc tới ở trên là báo sử dụng khá nhiều hình ảnh mang tính chất minh họa, không rõ nguồn ở trên mạng Internet hay là ảnh có sẵn trong kho dữ liệu của báo. Vì vậy mà chú thích nguồn ảnh gần như đang bị bỏ bê ở tờ báo này.
Với báo điện tử Dân trí, rất nhiều tin ở báo này có phần trích nguồn khá mập mờ. Lấy ví dụ là tin“Phát hiện nhiều hiện vật cổ thời Trần tại
chùa Địa Tạng Phi Lai tự” (15/11/2018) trong chuyên mục Văn hóa của
tác giả Minh Tuyến. Ở bức ảnh đầu tiên, tác giả đã chú thích nguồn của bức ảnh đến từ báo Hà Nam.
Với bức ảnh thứ hai, tác giả không trích nguồn mà chỉ có mỗi chú thích “Quần thể chùa Địa Tạng Phi Lai”. Như vậy khi độc giả đọc tin này sẽ nghĩ rằng đây là bức ảnh của tác giả bài viết chụp được. Để xác định rõ xem đây có phải sản phẩm ảnh thuộc báo Dân Trí hay không thì tôi xin được sử dụng công cụ Google Image (Google hình ảnh) để tra xem nguồn của bức ảnh. Google Image là công cụ tìm kiếm ảnh có chức năng tìm kiếm hình ảnh giống nhau, rất nhanh chóng trong việc tìm nguồn gốc của một bức ảnh đến từ đâu trên Internet.
Nhưng khi sử dụng công cụ Google Image để tra xem nguồn của bức ảnh này thì kết quả đầu tiên trả về lại cho thấy cái tên được gọi đầu tiên là báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam với bài viết “Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự -
ngôi chùa nổi tiếng với nét đẹp yên bình tại Hà Nam”, (27/09/2018) của tác
giả Kim Chiến. Đây là một bài ảnh về Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự với chùm ảnh bao gồm 14 bức, bao gồm cả bức ảnh xuất hiện trong tin của Dân Trí.
Tin của báo Dân trí được xuất bản vào ngày 15/11/2018, ra sau bài viết của báo Đảng Cộng sản Việt Nam gần 2 tháng. Như vậy có thể kết luận bức ảnh trong tin của báo Dân trí thuộc sở hữu của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy vấn đề trích nguồn của báo Dân trí trong tin còn bất cập.