7. Kết cấu của luận án
2.1.3. Vai trò của hợp đồng BOT trong các dự án về giao thông đường bộ
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng và kết cấu hạ tầng giao thông nói chung có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đường bộ tốt tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong nước. Hệ thống đường bộ tốt giúp giảm bớt chi phí vận tải, tiết kiệm thời gian di chuyển của luồng hàng hóa và tiết kiệm thời gian di chuyển của người tham gia giao thông đường bộ. Thực tiễn cho thấy, hệ thống đường bộ được nâng cấp đến địa phương nào thì bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương đó đã thay đổi hoàn toàn, phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy, cần đầu tư nhanh chóng và thích đáng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về phương diện lý thuyết cũng như căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) có những vai trò cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, việc đầu tư dự án giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT sẽ tạo ra nhiều khoản đầu tư hơn cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò quan trọng như vậy, song đầu tư vào lĩnh vực này có đặc điểm nổi bật là đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn. Với cách đầu tư truyền thống, nhà nước trích một phần ngân sách để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Do sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, tức là lấy từ nguồn tiền thuế của dân, nên nhà nước không thể thu phí của người sử dụng, trừ trường hợp thu phí bảo trì đường bộ. Với suất đầu tư rất lớn, việc trông chờ vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ không đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực này. Đặc biệt, ở những nước đang phát triển thì ngân sách nhà nước không dồi dào, nợ công cao mà nhu cầu đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ lại rất lớn.
Giữa lúc đó, các dự án đầu tư theo hình thức BOT được xem là một trong những biện pháp hàng đầu nhằm huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nếu không ngân sách Nhà nước không thể huy động được số vốn đầu tư khổng lồ cho những công trình đó. Trên thế giới, nguồn vốn tài trợ cho các siêu dự án cũng không thể tài trợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, kể cả các nước pháp triển như Anh, Úc, Mỹ,… Có thể lấy ví dụ các siêu dự án được thực hiện theo hình thức BOT như đường hầm Sydney (Úc) [52] dài 2,3 km có tổng số vốn đầu tư khổng lồ 550 triệu USD, hay dự án đường cao tốc Bắc - Nam [59] của Malayxia có tổng số vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD và một trong những dự án lớn nhất là dự án đường hầm eo biển Anh - Pháp [58] có tổng số vốn đầu tư lên tới 9,2 tỷ USD với vốn vay ngân hàng hơn 7,4 tỷ USD.
Những phân tích trên cho thấy, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không thể chỉ trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
- Thứ hai, việc đầu tư dưới dạng hợp đồng BOT sẽ phân bổ và quản lý rủi ro tốt và hiệu quả hơn. Việc phân bổ các yếu tố rủi ro cho các bên đối tác là hết sức cần thiết nhằm đạt được hiệu quả đầu tư của dự án. Sở dĩ như vậy là bởi vì, các dự án BOT rủi ro cao do sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn và chủ yếu là vốn vay dài hạn, thời gian thực hiện dự án dài với nhiều bên tham gia. Do đó, các yếu tố rủi ro cần chuyển giao đến bên có khả năng quản lý rủi ro với chi phí thấp nhất. Để phân bổ rủi ro một cách hợp lý giữa các bên trong quan hệ hợp đồng BOT trước hết cần phải xác định được những rủi ro nào có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, các bên thỏa thuận về phương án phân bổ, chia sẻ rủi ro theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Thực tế cho thấy, vấn đề phân bổ và chia sẻ rủi ro trong các dự án BOT đường bộ dường như là nội dung bắt buộc
phải cam kết giữa các bên, bởi lẽ bất kỳ một dự án đầu tư nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro, có thể là rủi ro về tài chính, về tiến độ thực hiện, về lợi nhuận…
- Thứ ba, việc đầu tư theo mô hình đối tác công tư sẽ nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng và vận hành các công trình giao thông đường bộ: Tính hiệu quả trong việc xây dựng các công trình đường bộ đã được nâng cao đáng kể với thời gian thực hiện được rút ngắn hơn so với việc áp dụng mô hình đầu tư truyền thống trước đây. Ngoài ra, đầu tư dưới dạng hợp đồng BOT còn góp phần giải quyết các vấn đề tiêu cực như: Sử dụng vốn không hiệu quả, thâm hụt vốn, thất thoát vốn, chất lượng công trình không đảm bảo... Cơ chế quản lý mới kết hợp hai nhân tố Nhà nước và tư nhân trong dạng hợp đồng BOT là nền tảng để nâng cao chất lượng công trình giao thông đường bộ vì có sự tham gia giám sát của cả hai bên. Thông qua hợp đồng BOT, các quốc gia đang phát triển có điều kiện tiếp cận, làm chủ các công nghệ quản lý, công nghệ thi công hiện đại mà đối tác tư nhân nước ngoài mang đến.
- Thứ tư, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giúp nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới cung cấp dịch vụ công một cách tốt nhất với chi phí hợp lí cho người dân sử dụng dịch vụ. Một trong những lợi ích rõ ràng được nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế chỉ ra, đó là chất lượng các dự án áp dụng hình thức BOT thường tốt hơn so với các hình thức đấu thầu truyền thống. Đó là do cơ chế tận dụng được những lợi thế tốt nhất của mỗi bên, trong đó với Nhà nước là chính sách và khả năng quản trị, đối với bên tư nhân là các yếu tố kỹ thuật như thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý.
Ngoài ra, hợp đồng BOT còn mang lại một số lợi ích khác như nâng cao khả năng quản lý công (nhà nước sẽ không phải làm công việc quản lý hàng ngày vì đã giao cho khu vực tư nhân, mà tập trung vào việc lập kế hoạch và giám sát việc quản lý hàng ngày), tạo thêm doanh thu (khu vực tư nhân có thể tạo ra thêm doanh thu từ bên thứ ba khác bằng cách sử dụng năng lực còn dư hoặc nhượng lại các tài sản/thiết bị thừa), uy tín về mặt chính trị tốt hơn cho Nhà nước (một khi các dự án BOT được tiến hành hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn, chất lượng tốt hơn, thời gian ngắn hơn và ít tham nhũng hơn…). [25-49]
2.2. Lý luận pháp luật về hợp đồng BOT trong các dự án về giao thông đường bộ