Các thể loại của Hội họa

Một phần của tài liệu Tài liệu môn Mĩ Thuật đại cương (Trang 53 - 58)

1.7.2.1 Tranh chân dung

Tranh chân dung là một đề tài căn bản của hội họa. Tranh chân dung vẽ một người hay một nhóm người nào đó. Đối tượng của tranh chân dung là các nhân vật quan trọng, các anh hùng, vĩ nhân, các nhà văn hóa, các nhà khoa học… mà hình ảnh của họ được thể hiện và lưu giữ lại cho đời sau. Ngoài ra, đối tượng của đề tài còn là gia đình, người thân, bạn bè. Ngoài việc vẽ về một con người cụ thể, ta còn bắt gặp đề tài mang tính chất tiêu biểu cho một tầng lớp người nào đó trong xã hội, tranh chân dung thường đặc tả về tính cách nhân vật hoặc chân dung hiện thực.

Trong loại tranh chân dung đặc tả tính cách nhân vật có hai đối tượng chính: Một là những con người đặc biệt gợi cảm xúc cho tác giả, hoặc có nhu cầu vẽ chân dung để lưu giữ. Hai là chính tác giả. Loại đối tượng thứ hai là chân dung tự họa. Đây là những bức chân dung rất quý giá, giúp cho người xem có thể hiểu sâu hơn về các tác giả. Mặt khác, qua những chân dung tự họa, tác giả bộ lộ được những tâm trạng, những dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời mình.

Trong các bức vẽ của mình, Van-gốc thường thể hiện mình là một người điềm tĩnh và nghiêm túc. Ông thường vẽ bản thân với một vẻ mặt tập trung. Tuy nhiên tình trạng và thể chất của Van-gốc lại được thể hiện rõ ràng trong những bức họa. Van-gốc được biết đến là một họa sĩ ốm yếu với tâm lý bất ổn thậm chí còn từng bị cho là điên loạn. Bức Chân dung Giáo hoàng In-nô-xăng X của Diego Velázquez dưới đây là một ví dụ.

Tranh chân dung này cũng cho ta thấy rõ đặc điểm của nó. Tranh diễn tả, biểu hiện một con người thực với tất cả những nét đặc điểm tâm lý, ngoại hình và tính cách nhân vật.

Bên cạnh chân dung miêu tả hình ảnh của một con người với đầy đủ dáng vẻ, diện mạo và tính cách của họ, các họa sĩ còn thể hiện loại chân dung tập thể, đông người. Các nhân vật trong tranh mang những đặc điểm riêng về chân dung, hay nói cách khác, các nhân vật đó không phải là những con người điển hình, khái quát chung mà phải có đặc điểm của những con người cụ thể.

Trong nghệ thuật hội họa, đề tài chân dung tự họa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Phần lớn các họa sĩ vẽ chân dung đều có tranh tự vẽ mình, lấy mình làm đối tượng nghiên cứu, điều đó thể hiện ở khá nhiều trường phái nghệ thuật: Tả thực (Rem-brăng), Hậu Ấn tượng (Van-gốc), Lập thể (Pi-cát-xô)… và nhiều trường phái khác.

Chân dung tự họa. Tranh Rem-brăng Chân dung tự họa. Tranh Pi-cát-xô

Khi vẽ tranh về đề tài chân dung, các họa sĩ có thể lựa chọn những hình thức biểu đạt khác nhau. Có một số hình thức biểu đạt cơ bản: chân dung chỉ diễn tả gương mặt, chân dung bán thân, chân dung toàn thân.

- Chân dung chỉ diễn tả gương mặt:

Đây là cách diễn đạt quen thuộc và thường gặp nhất trong thể loại chân dung. Ở đây, gương mặt với các đặc điểm chi tiết được chú ý diễn tả cộng thêm biểu hiện những nét tình cảm, cảm xúc và diễn biến tâm lý nhân vật.

- Chân dung bán thân:

Ngoài chân dung diễn tả gương mặt, phần đầu người, còn có thể vẽ chân dung nửa người. Như vậy ngoài việc diễn tả phần đầu, những tác phẩm thuộc đề tài này còn biểu hiện thêm đôi bàn tay. Đôi bàn tay của mỗi người cũng góp phần bộc lộ tính cách, cuộc sống, thần thái nhân vật.

- Chân dung toàn thân:

Tranh về đề tài này cho ta biết được không những đặc điểm gương mặt, tình cảm, cá tính mà còn cho ta cảm nhận được dáng vẻ, nói cách khác, cho ta hình ảnh hoàn thiện của một con người.

Chân dung người phụ nữ già Chân dung Sác-lơ I (Charles I) Tranh sơn dầu của Rem-brăng Tranh sơn dầu của Van Đích (Van Dyck)

1.7.2.2 Tranh phong cảnh

Tranh phong cảnh là đề tài miêu tả những cảnh tượng trong thiên nhiên. Thiên nhiên hùng vĩ, bao la, ở đó chứa đựng tất cả mọi yếu tố tạo dựng nên vũ trụ như mây, trời, sông, núi, cây cối, nhà cửa, bản làng, thành phố…

Mỗi bức tranh của mỗi trường phái khi vẽ về đề tài này đều có những đặc điểm tạo hình riêng biệt. Tuy nhiên, dù là phong cảnh Hiện thực, Ấn tượng, Lập thể hay Lãng mạn… thì đặc điểm nổi bật và xuyên suốt vẫn là diễn tả, biểu hiện thiên nhiên ở mọi lúc, mọi nơi. Thiên nhiên luôn có những điều hấp dẫn, thu hút các họa sĩ: ánh sáng, khí hậu, thời tiết tạo nên sự phong phú của màu sắc. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự phản ánh đúng đối tượng thiên nhiên chưa chắc đã là một tác phẩm hay, đẹp. Người nghệ sĩ bên cạnh mô tả sự thật tự nhiên còn “thổi” vào đó những hơi thở nồng ấm của cảm xúc vui buồn, cô đơn, hờn giận hay cảm thông, chia sẻ… Muốn diễn tả được vẻ đẹp muôn màu và những biến động của thiên nhiên, người họa sĩ phải có con mắt quan sát tinh tường, một tâm hồn nhạy cảm và một tình yêu thiên nhiên.

Ở Việt Nam, nhiều họa sĩ ưa thích lối vẽ phong cảnh đơn thuần. Sự phong phú về chất liệu đã làm cho phong cảnh như có một sức sống riêng, một tiếng nói riêng.

Mùa xuân nước lớn Tre

Tranh sơn dầu của Lê-vi-tan Tranh sơn mài của Trần Đình Thọ

1.7.2.3 Tranh sinh hoạt

Tranh sinh hoạt là đề tài diễn tả về những hoạt động trong cuộc sống của con người. Tranh sinh hoạt rất phong phú và đa dạng, tất cả mọi khía cạnh, mọi hoạt động sinh sống, sản xuất, tình cảm, vui chơi, lễ hội… của con người trong cuộc sống hàng ngày đều được các họa sĩ khai thác và xây dựng thành các tác phẩm tranh sinh hoạt.

Tranh sinh hoạt thường mang tính chất mô tả, diễn tả hiện thực thẩm mĩ đã làm rung động cảm xúc của người họa sĩ. Đề tài vô cùng phong phú. Có thể tìm đề tài trong cuộc sống hiện thực, sinh hoạt của một nhóm người, một giai cấp, một tầng lớp trong xã hội. Cũng có thể lấy đề tài từ truyền thuyết, thần thoại, tôn giáo…. Tuy vậy, đối tượng chính được diễn tả trong tác phẩm về đề tài sinh hoạt là con người. Hình tượng nhân vật mang tính chất điển hình, chắt lọc bản chất của sự việc, của con người trong thực tế với những diễn biến tâm lý và mối quan hệ đa dạng của họ.

Một đặc điểm nổi trội của tranh về đề tài sinh hoạt là tính chân thực và sống động. Có thể có nhiều cách biểu hiện, nhiều bút pháp đa dạng, song với đề tài sinh hoạt, tả thực vẫn là phong cách chủ yếu. Cũng có cách điệu hóa, đơn giản hóa hoặc ước lệ nhưng không có nghĩa là bóp méo hay thay đổi diện mạo, sự thật.

Bằng cách này hay cách khác, các họa sĩ tìm cách bộc lộ, biểu hiện cuộc sống chân thực, sâu sắc và sinh động nhất.

Về nông thôn sản xuất Ngày sinh của thần Vệ nữ Tranh lụa của Ngô Minh Cầu Tranh sơn dầu của Bô-ti-xen-li

1.7.2.4 Tranh lịch sử

Tranh lịch sử là đề tài tranh vẽ phản ánh về xã hội loài người. Đề tài có thể đề cập tới một sự kiện lịch sử, một nhân vật trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nhân loại, một giai đoạn cách mạng…

Đặc điểm nổi bật và đặc trưng là tác phẩm được xây dựng phải phản ánh một cách trung thực các sự kiện lịch sử. Đã là tranh về đề tài lịch sử thì các hình tượng nhân vật, cảnh quan, không gian… cũng phải mang tính lịch sử. Phải chọn lọc những sự kiện điển hình, nổi bật, nêu lên được tầm khái quát của lịch sử.

Xô viết Nghệ Tĩnh

Một phần của tài liệu Tài liệu môn Mĩ Thuật đại cương (Trang 53 - 58)

w