Ngôn ngữ điêu khắc

Một phần của tài liệu Tài liệu môn Mĩ Thuật đại cương (Trang 58 - 61)

1.8.1.1 Đường nét

Đường nét trong hội họa là những đường nét trong tranh. Còn đặc trưng của điêu khắc là khối, ở các tác phẩm điêu khắc, người nghệ sĩ cũng khai thác yếu tố đường nét từ những góc độ khác nhau. Ở đây sự kết hợp giữa các khối hình cũng đồng nghĩa với việc tạo nên đường nét cho tác phẩm. Trong điêu khắc thời Lí, từ tượng tròn đến phù điêu, các nghệ nhân thiên về sử dụng đường cong, nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển nhịp nhàng và hầu như không xuất hiện đường thẳng, nét thẳng. Sang thời Trần, đường nét đã có sự thay đổi, nhiều nét thẳng dứt khoát, thưa doãng hơn đã được đưa vào kết hợp với những nét cong mềm truyền thống. Điều này làm cho tượng và phù điêu của thời Trần có vẻ đẹp mạnh mẽ và tự nhiên hơn.

1.8.1.2 Khối hình

Trong hình học có một số hình cơ bản như: hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật. Nếu ta đem phối hợp nhiều hình cùng loại hoặc khác loại với nhau sẽ tạo ra khối. Ví dụ: phối hợp 6 hình vuông bằng nhau sẽ tạo ra khối lập phương, 4 hình tam giác đều tạo nên khối tam giác đều… Từ các hình cơ bản sẽ dẫn đến các khối cơ bản như khối lập phương, khối tam giác đều, khối cầu, khối chữ nhật. Tuy nhiên, còn có những khối được tạo nên bởi sự phối hợp hai loại hình cơ bản như khối chóp (tam giác + hình tròn), khối trụ (hình tròn + hình chữ nhật), khối tháp (hình tam giác + hình vuông). Ngoài ra còn có nhiều loại khối biến thể tồn tại trong thực tế và trong nghệ thuật. Tất cả mọi vật thể, kể cả hình tượng con người đều được tạo nên bởi sự biến dạng, thay đổi của các khối cơ bản. Nếu tách riêng từng phần, hình thể con người là sự phối hợp của rất nhiều khối. Đó là sự phối hợp hài hòa, cân đối và thống nhất để tạo ra một cơ thể sống sinh động. Sự vận động của khối trong không gian đã tạo ra một hiện thực phong phú. Đó là đối tượng để nghệ thuật điêu khắc theo đuổi và biểu hiện. Trong nghệ thuật ta thường thấy sự biểu hiện của điêu khắc ở các dạng khối như: khối lồi – khối lõm, khối đóng – khối mở, khối mềm – khối cứng, khối tĩnh – khối động… Mỗi

cách tạo khối đưa lại cảm giác khác nhau: khối lõm, mềm, mở dễ gây cảm giác động và ngược lại.

Trong sáng tác điêu khắc, trải qua thời gian, có nhiều cách biểu hiện khác nhau về khối và hình. Trong điêu khắc cổ, các tác giả thường chú ý đến cách tạo hình giống thực, do đó thường biểu hiện hình tượng điêu khắc bằng khối tròn, chắc và đóng kín. Cách sử dụng khối kiểu này đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc mang tính hiện thực. Quan niệm về khối điêu khắc là khối lồi, khối tròn và đóng kín tồn tại đến tận thế kỉ XIX. Sang thế kỉ XX, với những trào lưu nghệ thuật hiện đại, các nhà điêu khắc cũng tìm cho tác phẩm của mình những cách biểu hiện khối mới: khối lõm, những biến dạng của khối tròn, hệ thống khối mở tạo nên một chân dung mới và đa dạng.

1.8.1.3 Chất liệu

Ngoài vẻ đẹp về hình khối, đường nét, bố cục, chất liệu đóng một phần quan trọng cho tiếng nói của Điêu khắc. Chất liệu cho điêu khắc khá đa dạng, phong phú. Các chất liệu thường gặp trong Điêu khắc như: gỗ, đá, đồng, xi măng, ngoài ra còn có các chất liệu khác như: đá ong, nhôm, đất nung

Gỗ là một chất liệu quen thuộc đối với Điêu khắc, từ chất đến những đường vân mang lại vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, nguyên bản. Đá và đồng là hai nguyên liệu bền vững, gợi cảm giác trang trọng, bề thế, sâu lắng và uy nghiêm. Xi măng là loại chất liệu điêu khắc mới, chất xi măng thô nhám, chắc và khỏe, lại cho cảm xúc thẩm mĩ khác với các chất liệu trên. Chất liệu này phù hợp với kiến trúc hiện đại và các tác phẩm ngoài trời.

Mỗi chất liệu với những đặc điểm riêng sẽ đưa lại các hiệu quả thẩm mĩ khác nhau. Các nhà điêu khắc sẽ sử dụng chất liệu phù hợp để tạo nên tác phẩm của mình.

1.8.1.4 Bề mặt tượng

Bề mặt tượng cũng là yếu tố ngôn ngữ, chúng liên quan đến đường nét, hình khối của tác phẩm. Bề mặt nhẵn, láng, khối tròn cho thấy sự mềm mại, uyển chuyển gợi sự tĩnh tại, giàu chất thơ, như các tượng Phật Quan Âm nghìn mắt

nghìn tay, tượng A di đà… và cách biểu hiện này được nhiều nhà điêu khắc hiện đại vận dụng như: “Vót chông” (Phạm Mười)… Ngược lại, với bề mặt nhẵn, láng tròn trịa, ta bắt gặp các thô ráp của các bức tượng như “Võ Thị Sáu” (Diệp Minh Châu), “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (Nguyễn Hải)… đường nét được cách điệu cao, bề mặt tượng ít nhẵn, thô nháp, sần sùi.

1.8.1.5 Không gian

Khác với Hội họa, các tác phẩm Điêu khắc không phải trong một không gian ảo mà là một không gian thực, nó tồn tại như một phần thực tế của cuộc sống, bởi vậy nó luôn gắn với không gian thực. Có một không gian phù hợp để tồn tại thì giá trị của tác phẩm sẽ được tăng lên nhiều phần.

Mỗi bức tượng hay bức chạm khắc, phù điêu đều đòi hỏi có một chỗ đứng nhất định, một không gian nhất định để tồn tại. Bức tượng đặt ở công viên khác với bức tượng đặt ở phòng khách. Tượng đài luôn gắn bó với cảnh quan môi trường cả về nội dung, hình thức cũng như kích cỡ.

Ngoài các yếu tố trên, khi nói đến ngôn ngữ điêu khắc cần chú ý đến yếu tố màu sắc. Thường trong tác phẩm điêu khắc, người ta khai thác vẻ đẹp màu sắc tự thân của mỗi chất liệu. Mỗi chất liệu có một màu khác nhau. Mặc dù vẻ đẹp của tác phẩm điêu khắc ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố màu sắc nhưng màu sắc cũng đóng vai trò biểu cảm đối với tác phẩm. Với tượng người điều đó sẽ góp phần tăng vẻ thực, với tượng tôn giáo, sơn son thiếp vàng sẽ tăng thêm vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng và linh thiêng.

Một phần của tài liệu Tài liệu môn Mĩ Thuật đại cương (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w