Về cơ sở pháp lý: Pháp luật hình sự là bộ phận của kiến trúc thượng tầng được quy định bởi cơ sở kiến trúc hạ tầng. Quy định hành vi nào là tội phạm và xử lý bằng biện pháp cưỡng chế hình sự nào là thuộc về chính sách hình sự của Nhà nước.
Trên bình diện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, thì Hiến pháp và pháp luật luôn coi trẻ em, người dưới 18 tuổi là đối tượng cần bảo vệ, chăm sóc và quan tâm đặc biệt đối với cả hai trường hợp, khi họ là chủ thể của tội phạm cũng như khi họ là nạn nhân của tội phạm. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quy định chính sách pháp luật hình sự nói chung, hình phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm dưới 18 tuổi nói riêng. Để phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và giáo dục cải tạo người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tội phạm và hình phạt (trong đó có hình phạt tù có thời hạn) là những chế định cơ bản, trung tâm của BLHS. Việc định hình phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là việc làm này hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà vấn đề quyền của người dưới 18 tuổi đang được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là trong trường hợp người dưới 18 tuổi trở thành đối tượng tác động của các hoạt động tố tụng hình sự. Như vậy, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì khi xem xét xử lý đối với đối tượng này cần đặt mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội, giáo dục là chính.
24
Dưới góc độ luật pháp quốc tế thì đã có nhiều văn bản quốc tế đã đề cập đến các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội có thể kể đến như: Quy tắc tối thiểu chung của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên 1985 (Quy tắc Bắc Kinh), Quy tắc tối thiểu chung của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do 1990…Khi tham gia các Công ước này, các quốc gia phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định này, thông qua nội luật hoá để thực hiện. Tại các văn bản quốc tế này, trường hợp người dưới 18 tuổi bị tước tự do thì phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể như sau:
- Người dưới 18 tuổi phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá của con người, đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt.
- Người dưới 18 tuổi được giả định vô tội cho tới khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng minh rằng trẻ đã phạm tội theo luật pháp.
- Người dưới 18 tuổi được thông báo nhanh chóng và trực tiếp về những điều mà trẻ bị buộc tội và trong trường hợp trẻ vi phạm pháp luật phải thông báo qua cha mẹ hay người giám hộ pháp lý, được trợ giúp về mặt pháp lý để chuẩn bị và trình bày sự biện hộ cho trẻ.
- Vấn đề người dưới 18 tuổi có phạm tội hay không phải được xác định không trì hoãn, cơ quan có thẩm quyền độc lập và vô tư trong một cuộc xét xử công bằng, minh bạch theo pháp luật.
- Người dưới 18 tuổi không bị ép buộc phải làm chứng hoặc nhận tội, được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn những người làm chứng chống lại mình, trẻ còn có quyền được tham gia và thẩm vấn của những người làm chứng cho mình trong những điều kiện bình đẳng.
- Nếu người dưới 18 tuổi bị coi là đã vi phạm luật hình sự thì có quyền đòi hỏi quyết định và những biện pháp thi hành theo quyết định, có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp có thẩm quyền cao hơn xét xử lại theo hệ thống pháp luật.
- Trong quá trình tham gia tố tụng và bị bắt giam mọi điều riêng tư của người dưới 18 tuổi được hoàn toàn tôn trọng.
- Trong trường hợp người dưới 18 tuổi không biết, không hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong cơ quan tư pháp trẻ được giúp đỡ phiên dịch miễn phí.
25
Như vậy, việc quy định hình phạt tù có thời hạn nói chung, hình phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi nói riêng đều dựa trên cơ sở pháp lý cao hơn, chuẩn mực quốc tế về vấn đề này. Điều này thể hiện nguyên tắc pháp chế và giúp BLHS tiếp cận chuẩn mực quốc tế về người dưới 18 tuổi phạm tội, hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.