Một số đặc điểm sinh học, sinh thái của mọtđậu đỏ C Maculatus

Một phần của tài liệu THÀNH PHẦN SÂU MỌT HẠI TRÊN ĐẬU ĐỖ NHẬP KHẨU QUA CỬA KHẨU CHI MA, HUYỆN LỘC BÌNH, TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2019 (Trang 29 - 31)

Phần 2 Tổng quan về tình hình nghiên cứu

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

2.2.3. Một số đặc điểm sinh học, sinh thái của mọtđậu đỏ C Maculatus

Mọt C. maculatus đẻ trứng rải rác trên bề mặt hạt đậu hoặc bên ngoài quả đậu. Một con cái đẻ nhiều nhất được 196 trứng. Ở điều kiện tối thích thời gian phát dục của pha trứng là 3 ngày. Khi nhiệt độ xuống quá thấp, thời gian phát dục của pha trứng có thể kéo dài gần 40 ngày hoặc có thể không nở. Pha sâu non có thể kéo dài tới 8 tháng. Sâu non có 4 tuổi. Thời gian phát dục của tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4 lần lượt là: 10 - 15; 18 - 25; 24 - 27 và 32 ngày. Pha nhộng kéo dài 3 - 53 ngày. Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các loài mọt đậu thuộc họ Bruchidae. Tăng từ 21oC hoặc 25oC lên 30oC thời gian sống của mọt rút ngắn lại, còn độ ẩm thay đổi không làm thay đổi thời gian sống của mọt (Vũ Quốc Trung, 1981).

Theo Nguyễn Tiến Hưng (2009) thời gian phát dục của các pha côn trùng cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố sinh thái, trong đó yếu tố môi trường và nhiệt độ là yếu tố có tác động cao nhất. Ở điều kiện nhiệt độ 25oC, độ ẩm trung

bình là 70%, thời gian phát dục trung bình ở các pha của mọt đậu đỏ C. maculatus là: của trứng trung bình là 7,41 ± 0,24 ngày, của sâu non trung bình là 17,33 ± 0,60 ngày, của nhộng trung bình là 9,12 ± 0,28 ngày, thời gian tiền đẻ trứng trung bình là 1,25 ± 0,18 ngày, vòng đời trung bình của C. maculatus

là 35 ± 1,35 ngày. Ở điều kiện nhiệt độ 30oC, thì thời gian phát dục trung bình của trứng là 4,5 ± 0,2 ngày, của sâu non là 10,3 ± 0,4 ngày, của nhộng là 7 ± 0,2 ngày, thời gian tiền đẻ trứng trung bình là 0,8 ± 0,1 ngày, vòng đời trung bình là 22,56 ± 0,4 ngày.

Nhiệt độ cũng gây ảnh hưởng đến sức đẻ trứng của mọt đậu đỏ C. maculatus Ở nhiệt độ 25oC thì tổng số trứng đẻ trung bình của 1 con cái là 37,96 ± 3,81 quả, thời gian đẻ trứng trung bình là 5,48 ± 0,94 ngày. Ở điều kiện nhiệt độ 30oC thì tổng số trứng đẻ trung bình của 1 con cái là 33,48 ± 2,75 quả, thời gian đẻ trứng trung bình là 2,88 ± 0,14 ngày. Tỷ lệ trứng nở khi nuôi ở nhiệt độ 25oC là 67,50 ± 6,67 % thấp hơn khá nhiều so với nuôi ở nhiệt độ 30oC là 83,00 ± 7,57% (Nguyễn Tiến Hưng, 2009).

Nghiên cứu của Nguyễn Lâm Giang (2009), cho thấy khi thả 10 cặp mọt đậu đỏ C. maculatus vào hạt đậu đũa, khối lượng hạt đậu giảm 44,6% sau 80 ngày thả mọt và giảm đến 67,9% sau 120 ngày. Trong khi đó khi thí nghiệm trên đậu xanh thì khối lượng hạt bị giảm 11% ở 80 ngày và giảm 22,8% ở 120 ngày. Số lượng cá thể của mọt đậu đỏ gia tăng từ 20 con lên đến 79 con sau 120 ngày khi nuôi trên đậu xanh và gia tăng lên đến 159 con khi nuôi trên đậu đỗ.

Nguyễn Thị Trang (2013) cho biết nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến đặc điểm sinh học của mọt đậu đỏ C. maculatus. Ở 2 khoảng nhiệt độ từ 25oC – 31,6oC thời gian phát dục các pha của mọt đậu đỏ khác nhau. Nhiệt độ càng cao thời gian phát dục của các pha ngắn hơn. Vòng đời của mọt đậu đỏ tương ứng ở 31,6oC và 25oC trung bình là 24,2 ± 0,1 và 31,07 ± 0,07ngày. Đời của mọt đậu đỏ cũng kéo dài khi nhiệt độ giảm xuống 25oC trung bình 38,63 ± 0,07 ngày, còn ở nhiệt độ thường 31,6oC trung bình 32,3 ± 0,11 ngày. Nhiệt độ từ 25 - 31,60C tổng số trứng đẻ trung bình của 1 trưởng thành cái mọt đậu đỏ dao động từ 35,67 ± 0,06; 44,27 ± 0,09 quả/cái. Số trứng đẻ tăng dần theo nhiệt độ. Ở nhiệt độ phòng (31,60C) sức đẻ trứng của mọt cao nhất, đạt trung bình 44,27 ± 0,09 quả/ con cái, ở nhiệt độ 250C số lượng trứng đẻ trung bình là 35,67 ± 0,06 quả/cái.

Thức ăn gây ảnh hưởng đến thời gian sống và sức sinh sản của trưởng thành mọt đậu đỏ C. maculatus. Ở môi trường có thức ăn thì mọt sinh sản rất tốt, số trứng thu được trung bình là 44,27 ± 0,09 quả/con cái. Thời gian sống của con cái ngắn hơn con đực ở môi trường có thức ăn là đậu trung bình là 5,63 ± 0,2 ngày, con đực là 7,34 ± 0,14 ngày. Ngược lại với môi trường không có thức ăn thì thời gian sống của con đực lại ngắn hơn so với con cái trung bình là 5,43 ± 0,18 ngày, con cái trung bình là 7,47 ± 0,12 ngày. (Nguyễn Thị Trang, 2013).

Theo Nguyễn Thị Oanh (2017) Thí nghiệm đã đánh giá khả năng gây hại của mọt đậu C. maculatus trên hạt đậu trắng trong phòng thí nghiệm được bố trí ở nhiệt độ 29 ± 3oC và độ ẩm 65 ± 5%. Kết quả cho thấy ở thời điểm trước 40 ngày thì sự gây hại của mọt là không đáng kể. Ở giai đoạn này, tỷ lệ hao hụt về khối lượng hạt đậu thấp: từ 10 đến 30 ngày khối lượng hạt đậu giảm từ 1,2 ± 0% đến 2,1 ± 0,2% ở công thức 1 cặp mọt và từ 1,6 ± 0% đến 2,8 ± 0,9% ở công thức thả 20 cặp mọt. Thí nghiệm dùng mọt trưởng thành 1 ngày tuổi, nên giai đoạn này mọt chỉ đẻ trứng (kéo dài khoảng 6 - 7 ngày), tiếp theo là thời kỳ trứng nở sâu non (kéo dài 7 - 10 ngày). Như vậy, trong giai đoạn đầu thí nghiệm chỉ có mọt trưởng thành, trứng và sâu non tuổi 1. Đây là giai đoạn chúng không sử dụng hoặc sử dụng một lượng nhỏ hạt đậu làm thức ăn nên khối lượng hạt đậu giảm ít. Vì vậy, khối lượng hạt đậu hao hụt không đáng kể sau 30 ngày thả mọt. Sự phân hóa về giảm khối lượng hạt đậu khác nhau tùy theo số lượng mọt được thả ban đầu kể từ ngày thứ 40. Lúc này số lượng mọt thả càng nhiều thì khối lượng hạt đậu giảm càng nhanh. Từ các cặp mọt ban đầu, số lượng mọt tăng lên nhanh chóng do mọt sản sinh lượng trứng lớn. Khối lượng hạt đậu giảm dần theo thời gian với từng công thức tương ứng. ở 50 ngày sau khi thả mọt, tỷ lệ hao hụt khối lượng hạt đậu tăng lên đến 5,4 ± 2,3% (công thức 1 cặp mọt) và 28,8 ± 3,8% (công thức 20 cặp mọt).

Một phần của tài liệu THÀNH PHẦN SÂU MỌT HẠI TRÊN ĐẬU ĐỖ NHẬP KHẨU QUA CỬA KHẨU CHI MA, HUYỆN LỘC BÌNH, TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2019 (Trang 29 - 31)