Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trước năm 1965

Một phần của tài liệu Đường trường sơn trên địa bàn tỉnh quảng nam (1965 1975) 1 (Trang 31 - 39)

7. Kết cấu của luận văn

1.4.Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trước năm 1965

* Các con đường do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Sau khi đặt ách thống trị lên đất nước ta, nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa và đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, thám hiểm nhằm thiết lập những con đường từ phía Tây của Quảng Nam lên vùng cao nguyên Tây Nguyên. Bởi đối với bọn thực dân, vùng Tây của Quảng Nam, nhất là xuất phát điểm Khâm Đức, huyện Phước Sơn, nơi tiếp giáp với biên giới Lào, vùng tiếp cận với “nóc nhà Tây Nguyên” là cực kỳ trọng yếu cả về mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Tuy nhiên tại vùng này, điều kiện địa hình của Trường Sơn có những điểm chung là khá hiểm trở, theo tác giả H.Maitre, trong tác phẩm “Rừng người Thượng” (Les Jungles Des Hauts-Plateaux Du Vietnam Central) thì: “Ở phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bắc Bình Định, Trường Sơn vẫn dày đặc, hiểm trở, xiết chặt thượng nguồn các sông Kr. Bia, Psi, Pekô, Sé Kaman và Sé Sou; hàng rào núi non này kết thúc ở phía Nam tại đồng bằng sông Kr. Bla - Đồng bằng Reungao hay Đồng bằng KonTum - cao nguyên Jarai giới hạn đồng bằng này ở mặt Nam” [11, tr. 198].

Đầu thế kỷ 20, từ một dự đoán của mình, một người Pháp đã xuất phát từ Phước Sơn để cố gắng mở một con đường nối liền các tỉnh phía Bắc của Trung Kỳ lên Tây Nguyên. Theo tác giả F. Enjolras, trong tác phẩm “Cuộc thám sát con đường Moi-xe và dấu vết cho đường thuộc địa 14, giữa Tan - An và Dac - Main”, đăng trên tạp chí B.A.V.H, tập XIX, tr. 589. NXB Thuận Hóa - 2006, đã viết: “Hướng tổng quát của thung lũng và khối nước của sông Lao làm cho tôi nghiêng về giả thuyết thứ nhất, tôi tức khắc khởi hành tại Phước Sơn để kiểm chứng lại giả thuyết. Nếu tôi chỉ biết ở vùng này, thì lối vào của dãy Trường Sơn là một khó khăn đặc biệt. Ở vùng phía Nam của tỉnh Quảng Nam, sự tiếp xúc của dân tộc An Nam với người miền núi là rất tốt, cho nên tốt hơn là lần thứ nhất, tôi thử mở đường qua dãy núi ở một điểm dễ hơn và chọn mặt sau của xứ nguy hiểm này, bằng cách dựa vào người Lào và người miền núi đã ít nhiều Lào hóa ở quanh vùng Attopeu. Như vậy, tôi đã giải quyết lối đi qua dãy Trường Sơn ở quanh vùng Huế, để theo những nguồn suối của sông Sêkông, từ đó đi xuống toàn thung lũng cho đến Attopeu, trừ một đoạn ngắn chảy qua đồng bằng Saravane và quay trở lại bởi sông Phước Sơn” [11, tr. 199].

Từ ý đồ chiến lược dành cho vùng “cao nguyên miền thượng”, người Pháp đã cho thiết lập một đường quốc lộ chạy dọc theo chân phía Đông của dãy Trường Sơn

trên lãnh thổ Việt Nam, gọi là Quốc lộ 14. Trên địa bàn miền núi Quảng Nam, “Từ năm 1904, thực dân Pháp lập đồn An Điềm, năm 1934 lập đồn Giằng, đồng thời khởi công xây dựng đường 14, nối từ Hà Nha (Đại Lộc) - Giằng (Nam Giang) - Khâm Đức (Phước Sơn) và huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum), năm 1936 lập đồn Bót Xít và xây dựng đường 13” [42, tr. 26-27].

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, con đường này bị bỏ hoang vì Pháp không đủ khả năng bảo vệ trước sự tấn công, uy hiếp thường xuyên của Việt Minh.

Sau Hiệp Định Giơ-ne-nơ năm 1954, Ngô Đình Diệm cũng như các chính quyền Sài Gòn sau đó, luôn tìm cách phục hồi, bảo vệ Quốc lộ 14 hòng ngăn chặn quân ta từ miền núi tràn xuống đồng bằng và thành phố, ở khắp miền Trung, nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng. Vì vậy, từ “năm 1957, Mỹ - Diệm cho làm lại con đường 14 qua Quảng Nam. Chúng làm theo hai hướng. Một từ Phước Sơn xuống, hai từ Giằng lên. Ngoài ra chúng còn mở một con đường đặt tên là đường 16 từ Hà Lam, huyện Thăng Bình lên Khâm Đức và hoàn thành cuối năm 1959” [ 60, tr. 50].

Sau này, nhằm phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, cũng như các cuộc hành quân đàm áp phong trào cách mạng của ta, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục củng cố, cải tạo các tuyến đường này.

Như vậy, sau khi đặt bộ máy chính quyền lên miền núi Quảng Nam, cùng với việc đóng các đồn, bốt, thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ đã tiến hành xây dựng các tuyến đường nhằm phục vụ âm mưu khai thác thuộc địa. Đặc biệt, thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm, chúng cho củng cố lại các tuyến đường, xây dựng các chi khu quân sự dọc tuyến đường 14, như Chi khu quân sự Khâm Đức (huyện Phước Sơn), Chi khu quân sự Thượng Đức (huyện Đại Lộc), Khu chiến Nông Sơn - Trung Phước (huyện Nông Sơn)… nhằm ngăn chặn ta từ các căn cứ miền núi xuống đồng bằng.

Với phương châm “Đánh địch mà đi, đánh địch để vận chuyển”, trong quá trình mở đường, cùng với việc mở những con đường mới, ta cũng đã từng bước bức rút, tiêu diệt các chi khu quân sự của địch để khai thông tuyến đường Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

* Xây dựng tuyến đường hành lang Quảng Nam - Hạ Lào

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, Quảng Nam có nhiệm vụ bảo đảm thông suốt con đường hành lang dọc theo Đông Trường Sơn từ Việt Bắc vào Liên Khu 4, qua Liên Khu 5, lên Tây Nguyên, vào Đông Nam bộ. Đặc biệt, miền núi Quảng Nam còn là hậu phương, căn cứ đứng chân của cách mạng Lào. Theo chủ trương của Trung ương và Liên Khu 5, ta phải bắt liên lạc, giúp đỡ cách mạng Lào và Đông Bắc Miên.

Vì vậy, Quảng Nam được phân công gánh vác thêm “nhiệm vụ quốc tế chi viện cho cách mạng ở Lào và Đông Miên” [70, tr. 727].

Trên cơ sở đó, đầu năm 1948, đoàn đại diện Bộ Quốc phòng của Lào, gồm 120 cán bộ đến Quảng Nam - Đà Nẵng hội đàm với đại diện Chính phủ ta tại miền Nam Trung bộ. Hội nghị đi đến nhất trí về sự hợp tác chiến đấu chống lại thực dân Pháp, kẻ thù chung của hai dân tộc. Ngay đầu năm 1948, “triển khai xây dựng hành lang Hạ Lào ngang qua huyện Bến Giằng, lực lượng ban đầu đóng quân ở 3 điểm: Đầu Gò, Bến Giằng, A Ró. Lực lượng này góp phần huấn luyện cho bộ đội địa phương và du kích, của thôn, xã về chiến kỹ thuật quân sự cơ bản, để làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ xóm làng” [42, tr. 52].

Sau đó, “con đường hành lang Hạ Lào được mở rộng từ Tam Kỳ, Bến Giằng, Ta Ngool (huyện Bến Giằng) đến huyện Đắc Chưng (Lào). Hàng trăm thanh niên Lào được rút qua Aró (huyện Bến Giằng) huấn luyện và thành lập đơn vị Liên quân Lào - Việt” [66, tr. 283].

Tháng 02/1949, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cử ông Khăm-tày-xi-phăn-đon là đại diện Chính phủ Lào sang Việt Nam đề nghị ta giúp bạn thành lập Khu Kháng chiến Hạ Lào. “Theo thoả thuận của hai bên, Quảng Nam được chọn làm căn cứ dừng chân với nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp giúp các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động. Từ đây, xã Tam Dân, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Phú Ninh) trở thành nơi dừng chân, hậu cứ an toàn cho bộ đội Việt Nam - Lào” [66, tr. 283].

Từ đó, “Một con đường mòn xuyên qua phía Tây Trường Sơn đến Hạ Lào được khai thông đảm bảo cho bộ đội hành quân, voi thồ và dân quân vận chuyển lương thực, quân trang, quân dụng, thuốc men chi viện cho hai nước bạn. Con đường này tồn tại trong sốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” [70, tr. 727-728].

Sau Nghị quyết 15, phong trào cách mạng miền Nam nói chung, miền núi Quảng Nam nói riêng có bước phát triển mới, vì vậy việc nối hành lang Đông - Tây giữa các địa phương của ta với nước bạn Lào thuận lợi. Vì vậy, trên cơ sở dựa vào đường lối mới của Trung ương, căn cứ vào tình hình chiến trường miền Nam và Đông Dương, Liên Khu uỷ 5 quyết định chủ trương xây dựng căn cứ liên hoàn nối giữa căn cứ miền núi của Liên khu với căn cứ bạn ở miền Đông Hạ Lào, nhằm mục đích tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và tương trợ giữa cách mạng hai nước. Liên Khu uỷ giao cho Tỉnh uỷ Quảng Nam xây dựng vùng căn cứ bàn đạp ở biên giới Việt - Lào trên địa phận huyện Bến Giằng.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 01/1959, Tỉnh uỷ Quảng Nam quyết định tách các xã có đường biên giới chung với các huyện Cờ Lum, Đắc Chưng, Xân Xây, tỉnh Sê Kông của Lào gồm La Êê, Coong Năng, Đắc Tôih, Đắc Pree của huyện Bến Giằng

và 4 xã huyện Bến Hiên là A Xan, Bhalêê, Tr’hy, Ch’ôm để thành lập vùng căn cứ dưới danh nghĩa huyện Hải Nam5.

Với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Quảng Nam, trực tiếp là huyện Hải Nam, huyện Bến Giằng, phong trào cách mạng ở căn cứ Hạ Lào phát triển, góp phần mở rộng liên hoàn với vùng căn cứ Liên khu 5, tạo thành một vùng căn cứ an toàn, đồng thời qua đó tăng thêm tinh thần hợp tác, đoàn kết tương trợ giúp đỡ giữa cán bộ và nhân dân các xã biên giới với bạn.

Tuyến đường nối miền núi Quảng Nam với Hạ Lào, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở các tuyến đường ngang thuộc đường Trường Sơn từ Hạ Lào sang Khu 5 qua địa bàn Quảng Nam từ sau năm 1965.

* Xây dựng tuyến đường hành lang Nam - Bắc trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam

Thực hiện chủ trương của Liên Khu ủy, Tỉnh ủy, đầu năm 1955, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam đã “đặt vấn đề xoi, mở đường nối liên lạc với Tỉnh, Khu và với Trung ương” [60, tr. 51]. Đồng thời quyết tâm “bằng mọi giá phải nối đường dây liên lạc trên căn cứ miền núi để phục vụ cho sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống các địa phương” [34, tr. 72]. Hội nghị đã phân công các đồng chí trong Ban Cán sự trực tiếp tìm đường liên lạc với các huyện phía Tây của tỉnh gồm Giằng, Phước Sơn, Trà My để nối xuống Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước và bắt liên lạc với Tỉnh ủy. Trong quá trình thực hiện, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn tạo được đường dây liên lạc giữa các huyện phía Tây như Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My.

Bên cạnh, việc hình thành tuyến hành lang bí mật về các huyện, thị của tỉnh, tháng 3/1955, Liên Khu ủy 5 cử đồng chí Thái Hựu, phụ trách tổ chức hành lang liên tỉnh Thống nhất Bắc - Nam để nối liên lạc từ Trung ương xuống Liên Khu 5 và các tỉnh trong Liên khu. Làm việc với tỉnh Quảng Nam, đồng chí chỉ thị cho Quảng Nam tổ chức móc nối và hình thành hành lang đi qua Quảng Nam vào Quảng Ngãi. Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Trọng Dĩnh, Bí thư Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam, trực tiếp phụ trách hành lang của tỉnh, trực tiếp triển khai thực hiện, đồng thời giao cho 04 huyện miền núi Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My có trách nhiệm cung cấp người, soi đường, bố trí đặt trạm tại địa phương mình. Mỗi huyện cử một đồng chí huyện ủy viên phụ trách hành lang của huyện mình. Dựa vào hành lang từ năm 1954, các huyện lo tuyển người, bố trí lại trạm. Cụ thể, “đầu ngoài huyện Hiên giữ liên lạc với trạm đầu mối Thừa Thiên, phía trong huyện Trà My giữ liên lạc với Quảng Ngãi, huyện Phước Sơn giữ liên

5 Tháng 01/1959, chính quyền cách mạng tách các xã các xã giáp biên giới với nước Lào thuộc hai huyện Bến Hiên, Bến Giằng thành lập huyện Hải Nam.

lạc với Kon Tum theo địa điểm quy định của Liên khu. Dần dần ta móc nối và tổ chức thành công hành lang thống nhất Nam - Bắc của Trung ương đia qua tỉnh, cả đường biển và đường bộ” [34, tr. 78].

Nhằm đánh giá kết quả xây dựng tuyến hành lang liên tỉnh và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thười gian đến, tháng 10/1955, Hội nghị cán bộ phụ trách ngành giao bưu thông tin liên lạc các huyện được tổ chức tại huyện Giằng, dưới sự chủ trì của đồng chí Huỳnh Trọng Dĩnh; các đồng chí Nguyễn Chí Quyết và Thái Hựu - cán bộ Liên Khu ủy 5, phụ trách hành lang liên tỉnh về dự. “Hội nghị đã kiểm điểm việc tổ chức hành lang, tuyển chọn người, việc sinh hoạt chính trị và đời sống, đồng thời bàn kế hoạch chuẩn bị thêm đường dự bị để phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, phòng khi địch đánh phá có thể chủ động giữ vững kiên lạc thông suốt từ Trung ương tới tỉnh, huyện. Hội nghị quyết định đặt tên tuyến hành lang qua địa bàn tỉnh là “Đấu tranh hòa bình”

[34, tr. 78].

Trên cơ sở đó, “ta đã xây dựng được các trạm nối tuyến hành lang gồm trạm A Tép (nối Thừa Thiên) vào T’rao, A Giang (Hiên), Pà Dấu, Bà Rồng, Xóm Núi (Giằng), Mận Lăng, Xuân Mãi, Làng Triên (Phước Sơn), Xanh Xung, Dak Doan, Tăk Pỏ, Mang Tra, Mang Ry (Trà My) nối với Quảng Ngãi và Kon Tum. Như vậy, đến cuối năm 1955, ta đã hình thành tuyến hành lang liên tỉnh chạy qua địa bàn tỉnh và tuyến nội tỉnh nối các huyện và cơ quan Tỉnh ủy, Liên Khu ủy 5, góp phần trong việc phục vụ lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng” [34, tr. 78]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đến đầu năm 1956, nhiều đường dây bí mật được thiết lập giữa miền núi và đồng bằng, đặc biệt được đẩy mạnh khi nhu cầu đưa số cán bộ ở đồng bằng bị đánh bật phải đưa lên núi và ra miền Bắc. “Cuối năm 1955, hành lang Nam - Bắc trên đất huyện Giằng được xoi mở nối đến Khâm Đức, huyện Phước Sơn. Đến năm 1957, tuyến đường dây Nam - Bắc trên địa bàn huyện Phước Sơn được thông suốt, sau đó qua huyện Trà My nối với huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Đến cuối năm 1958, hành lang trên địa bàn miền núi Quảng Nam được đẩy mạnh và phát triển cả đường thồ. Một hành lang mới được mở từ giới tuyến phía Bắc đi vào Thừa Thiên rồi vào Hiên đến Nam Giang, Phước Sơn và Trà My” [60, tr. 52].

Sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (01/1959), nhu cầu chiến trường miền Nam càng lớn, sự chi viện của miền Bắc ngày càng nhiều. Các đường hành lang Nam - Bắc được khai thông, mở rộng và phát triển cả đường gùi thồ. Trên các cung đường, đồng bào tham gia làm đường không kể ngày đêm, tại “Trạm Trao (nay là thị trấn Prao) là trạm đầu tiên của trục đường Nam - Bắc ở Quảng Nam nối với trạm A Chiếu (Thừa Thiên), trạm cuối cùng là trạm Takpỏ (Trà My) giáp tỉnh Kon Tum. Trên các trục hành lang, ngày đêm đều có lực lượng dân công tham gia gùi

cõng, xây dựng kho tàng, bảo vệ hành lang, kể cả các cụ già, các em thiếu niên, phụ nữ, có chị địu con trước ngực, gùi hàng sau lưng vẫn hăng hái tham gia trên khắp tuyến đường, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ, cứu nước của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng” [66, tr. 410].

Đến đầu năm 1965, đoạn hành lang Nam - Bắc trên đất huyện Bến Giằng đã hoàn thành việc xoi mở đường qua các núi cao, rừng rậm, khe suối, nối thông ra Thừa Thiên để đến giới tuyến tạm thời. Để duy trì hoạt động thường xuyên của hành lang này, nhân dân thôn Pa Cúh đã đóng góp rất tích cực, hầu hết người dân trong thôn đều là chiến sĩ bảo vệ hành lang, ngụy trang đường sá, nuôi nấng các đoàn cán bộ, chiến sĩ qua lại an toàn, giữ tốt bí mật đầu mối hành lang. Tiêu biểu nhất trong phong trào xây dựng và bảo vệ đường hành lang qua thôn Pa Cúh có đồng chí Kaphu Hương - đội trưởng đội tự vệ bảo vệ hành lang. Với chiếc thuyền độc mộc, mỗi ngày khi mặt trời xuống núi, đồng chí có mặt ở bên sông Giằng để đưa đón cán bộ, bộ đội và quần chúng cách mạng qua lại bờ sông Cái, băng qua đường 14. Hành lang này nhờ đó góp phần nối liền hành lang liên lạc giữa miền núi và đồng bằng trong 10 năm cho đến khi hệ thống đồn bót của địch bị quét sạch khỏi Bến Giằng.

Một phần của tài liệu Đường trường sơn trên địa bàn tỉnh quảng nam (1965 1975) 1 (Trang 31 - 39)