7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Mở tuyến vận tải cơ giới từ A Túc (huyệ nA Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đ
đi Bù Lạch (xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phục vụ chiến dịch mùa khô năm 1967
Sau cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966) thất bại, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ hai. Hải quân và không quân Mỹ tăng cường tối đa các vụ oanh kích hòng chặn đứng mọi nguồn chi viện của miền Bắc cho các chiến trường miền Nam. Ngày 29/6/1966 đế quốc Mỹ đã leo nấc thang mới rất nghiêm trọng: Ném bom một số điểm ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Trước hành động leo thang mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân cả nước “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì
quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” [46, tr.274].
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Miền Bắc càng sôi sục khí thế đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của địch, dồn sức chi viện cho miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ.
Tình hình đặt ra yêu cầu mới và thôi thúc cán bộ, chiến sỹ trên toàn tuyến của Đoàn 559 cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ mới. “Tháng 6/1966 Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần báo cáo kế hoạch mùa khô năm 1966 - 1967 lên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Theo đó, dự tính nhu cầu vận chuyển từ tháng 11/1966 đến tháng 10/1967 khoảng 42.210 tấn, trong đó giao cho chiến trường miền Nam 16.400 tấn, chiến trường Lào 3.010 tấn. Phương thức hoạt động lấy cơ giới là chủ yếu, đồng thời tận dụng mọi phương tiện thô sơ, kết hợp cả phương tiện đường thủy để bổ sung cho vận chuyển cơ giới. Trong đối phó với địch, phải tích cực giành thế chủ động bằng nhiều cách: vừa tổ chức đánh địch, vừa làm nhiều đường vòng tránh, đường tránh để phân tán địch, kết hợp với phòng tránh ngụy trang nghi binh, thay đổi phương thức và quy luật vận chuyển để giữ được bí mật bất ngờ” [29, tr. 188].
“Thường trực Quân ủy Trung ương thống nhất quyết định mở tuyến vận tải cơ giới từ ngã ba biên giới qua Tây Nguyên để chuyển vũ khí cho Nam Bộ, từ A Túc vào Bù Lạch. Theo phương hướng chỉ đạo của Thường trực Quân ủy Trung ương, khối lượng vận tải năm 1967 được xác định là 20.235 tấn, trong đó chi viện cho chiến trường miền Nam và Lào 8.765 tấn, cho các lực lượng nội bộ Đoàn 559 là 11.470 tấn và đảm bảo hành quân cho 37.000 người” [29, tr. 190].
Kế hoạch mở đường từ A Túc (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi Bù Lạch (xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được Bộ chấp nhận và chỉ thị phải làm gấp để kịp sử dụng trong mùa khô năm 1967. “Bộ cũng cấp ngay cho tuyến 20 xe Gát 69B để sử dụng vận chuyển khi thông đường. Vì nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 cử Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân và Phó Tham mưu trưởng Công binh Lê Nam Hải vào trực tiếp chỉ đạo và thi công” [29, tr. 199].
Cùng với nhiệm vụ mở đường Từ A Túc đi Bù Lạch, “Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định điều chỉnh lại tổ chức và phạm vi phụ trách của các Binh trạm. Trước đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tháng 02/1966, Bộ Tư lệnh 559 giải thể các tuyến, tổ chức thành 08 binh trạm; mỗi binh trạm phụ trách một khu vực nhất định và đều có một tiểu đoàn công binh. “Đoạn từ A Túc vào Bù Lạch tổ chức thêm Binh
trạm (Binh trạm 7), do đồng chí Bùi Quốc Ủy làm Binh trạm Trưởng, đồng chí Nguyễn Danh làm Chính ủy” [29, tr. 74-75].
“Sau khi tiến hành khảo sát, đầu tháng 11/1966, các đơn vị công binh đã dàn xong đội hình. Đoạn đường từ A Túc đi Bù Lạch gọi là đường B45, với cung đường từ La Hạp (Lào) - A Lưới - Bù Lạch, sử dụng toàn bộ Trung đoàn 10 để mở đường và đảm bảo giao thông. Theo kế hoạch, ngày 15/11/1966, toàn tuyến sẽ mở đầu vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đến ngày 29/11, chuyến hàng đầu tiên gồm 10 xe của Tiểu đoàn 54 vào đến A Túc. Trong khi đó cung đường từ A Túc đi Bù Lạch chưa làm kịp đường thồ nên phải tổ chức gùi bộ. Vì vậy, mới giao cho Trị Thiên được 24 tấn vũ khí, giao cho Khu 5 được 45 tấn vũ khí hỏa lực” [29, tr. 196 ]. Thời gian thông đường dự kiến cuối tháng 02/1967, nhưng mãi đến tháng 4/1967, đường B45 vận tải cơ giới từ Ha Lạp (Lào) đến A Túc (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), Bù Lạch (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) mới được đưa vào sử dụng.
Do tuyến đường từ A Túc đi Bù Lạch vào chiến trường Khu 5, thọc vào sườn vùng I chiến thuật (Đà Nẵng), nên chúng ngăn chặn quyết liệt. Khi đường mới vươn đến A Túc, chúng đã thả biệt kích, thám báo xuống ngăn chặn, đồng thời không ngừng ném bom, kết hợp rải chất độc hóa học phát quang tuyến đường. Đường càng vươn vào sâu địch càng đánh phá dữ dội. Trực thăng của địch bay từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ban ngày địch thả biệt kích nhảy cóc xuống chỗ này, rồi bốc lên đi chỗ khác. Ban đêm máy bay B52 đánh từ 2 đến 3 đợt, lúc vào đường giao thông, lúc vào sâu các suối nơi bộ đội ta đóng quân. Có trận trúng vào Sở Chỉ huy Binh trạm, có trận trúng vào chỗ đóng quân của đơn vị gây thương vong cho cả trung đội.
Sau khi phát hiện ra ta mở đường từ A Lưới đi Bù Lạch, Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt, tại vị trí chân đèo Bù Lạch có một bệnh viện lớn của Bộ đội Trường Sơn và các trạm, các kho hàng, vũ khí, quân trang, lương thực vận chuyển từ đất bạn Lào về để cung cấp cho chiến trường; tại km 8 (từ Km 418+700 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông) đến chân đèo Bù Lạch - cột mốc 678), bên trái đường là một khu vực đất rộng bằng phẳng trong chiến tranh là trạm dừng chân, bãi đỗ xe, ở phía dưới là một thung lũng có bãi khách, kho hàng, trạm quân y Đoàn 559….
Tại khu vực này, trong những năm 1965-1966, cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy ngày càng ác liệt, nhân dân thôn Axòo, xã Anông đã đào địa đạo để trú mỗi khi có bom đạn của địch dội xuống, nhưng trong giai đoạn này nhân dân chỉ mới đào được khoảng 25-30m.
Đến năm 1967, khi đường Trường Sơn được mở qua địa phận Tây Giang, để góp phần xây dựng, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn qua địa bàn, trong các năm 1968, 1969, cả quân và dân Tây Giang tham gia cùng bộ đội mở đường Trường Sơn, ban
ngày gùi lương thực, tải đạn phục vụ chiến trường, đêm về lại đào địa đạo. Ban đầu chỉ là những căn hầm đào giữa lưng chừng núi để tránh bom.
Nhưng do địch đánh phá ác liệt, nên các hầm trú ẩn này chẳng bao lâu sau đó được bà con đào sâu vào lòng núi hàng nghìn mét. Được sự giúp sức của bộ đội Trường Sơn, những hầm trú ẩn này trở thành địa đạo vững chắc, chỗ được làm nơi chỉ huy, phòng họp, có cả trạm xá, cứu thương, khu điều trị, chỗ làm kho dự trữ và nơi trú ẩn cùng lúc hàng trăm người khi địch đánh phá. Cũng trong những địa đạo này, các đoàn quân trên đường vào Nam đã trú chân và tổ chức đánh trả lại những đợt càn quét của địch. Trong thời gian đó, ta đã đào được một hệ thống với 04 địa đạo A Xòo, A Rớt, A Cấp, A Noonh (xã A Nông).
Cùng với quá trình mở đường, đào địa đạo, trên cung đường gùi bộ từ Bù Lạch qua A Yên (Lào), cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 6 - Bắc Sơn miệt mài tận tụy tiếp chuyển hàng đến đích; dù bị địch đánh, ốm đau, thiếu đói nhưng vẫn nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Có thời gian cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày chỉ được ấp 0,3kg gạo, nhưng không hề đụng đến hàng của chiến trường; ốm dậy là đi gùi hàng, ăn cháo nhưng vẫn cố gắng đảm bảo chỉ tiêu mang vác, mưa thì lấy vải mưa che hàng, còn bản thân chịu ướt. Cứ như vậy bền bỉ phục vụ ngày này qua ngày khác.
Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Binh trạm 7 quyết định lợi dụng những nơi trống trải gần trọng điểm địch không chú ý huy động cơ quan và đơn vị đào địa đạo sâu vào lòng núi để ăn ở, sinh hoạt và làm việc. Nhờ đó, sau một tháng từ A Túc đến Bù Lạch, các đơn vị giữ được hoạt động và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, đến tháng 10/1967, Binh trạm 7 đã giao xong cho Khu 5 được 690 tấn hàng, giao cho Mặt trận Trị - Thiên 243 tấn, hoàn thành kế hoạch cả năm, làm cho Khu 5 rất phấn khởi.