CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.5. Mô hình nghiên cứu đề xuất và các giả thuyết nghiên cứu
2.5.1. Kỳ vọng hiệu quả
Biến kỳ vọng hiệu quả bắt nguồn từ nhận thức sự hữu dụng từ lý thuyết chấp nhận công nghệ TAM (Davis, 1989) và được định nghĩa là mức độ mà một cá nhân tin rằng việc sử dụng hệ thống sẽ giúp họ có thể đạt được lợi ích trong hiệu suất công việc
(Venkatesh và cộng sự, 2003). Cụ thể đó là kỳ vọng về sự hữu dụng, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất công việc của khách hàng.
Kỳ vọng hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2003; Kijsanayotin và cộng sự, 2009; Liu và cộng sự, 2014). Mối quan hệ giữa Kỳ vọng hiệu quả và Ý định hành vi có ý nghĩa trong nhiều bối cảnh khác nhau như ứng dụng Internet banking ở Jorrdan (AbuShanab, Pearson, & Setterstorm, 2010), ứng dụng dịch vụ/thiết bị di động ở Phần Lan (Carlsson và cộng sự, 2010), ứng dụng WWW (world wide web) trong việc tìm kiếm công việc ở Nam Phi (Pavon & Brown, 2010), sự chấp nhận các khóa học trực tuyến của sinh viên trường Đại học Quốc gia Sri Lanka (Wijewardene, Azam, & Khatibi, 2018).
Trong bối cảnh dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng yếu tố kỳ vọng hiệu quả tác động tích cực đến ý định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn (Phan Duy, 2009; Alalwan, 2019; Karulkar và cộng sự, 2019; Lee và cộng sự, 2019; Ren và cộng sự, 2020). Nghiên cứu của Mensah (2019) khảo sát 264 sinh viên tại Trung Quốc với mục đích khám phá ý định của các sinh viên quốc tế trong việc đặt đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc đã cho kết quả rằng Kỳ vọng hiệu quả ảnh hưởng tích cực đến ý định của các sinh viên quốc tế khi đặt đồ ăn trực tuyến. Thậm chí nghiên cứu của Gunden và cộng sự (2020) cho thấy Kỳ vọng hiệu quả là yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất đến ý định sử dụng hệ thống giao đồ ăn trực tuyến của người tiêu dùng Mỹ. Ứng dụng giao đồ ăn ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ đặt đồ ăn thay thế hoặc bổ sung cho các hệ thống truyền thống như gọi điện thoại, đặt qua trang web, ... So sánh với việc đặt đồ ăn qua điện thoại, người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin của nhiều mặt hàng khác nhau trên một nền tảng hợp nhất, do đó góp phần tối ưu hóa nhiệm vụ. So sánh với trang web của nhà hàng, ứng dụng đặt đồ ăn cho phép người tiêu dùng so sánh thực đơn của nhiều nhà hàng khác nhau. Hơn thế nữa, ứng dụng giao đồ ăn còn lưu trữ thông tin cá nhân người dùng cũng như đưa ra nhiều lựa chọn phù hợp tại từng thời điểm giúp việc đặt hàng diễn ra nhanh hơn, dẫn đến hoàn
thành nhiệm vụ hiệu quả hơn. Có thể thấy khi người tiêu dùng kỳ vọng về sự hiệu quả của ứng dụng giao đồ ăn, họ sẽ có ý định sử dụng ứng dụng.
Từ cơ sở lý thuyết trên, giả thuyết H1 được để xuất như sau:
H1: Kỳ vọng hiệu quả ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn của người tiêu dùng.