BTCNDTT có thể được sử dụng trong tất cả các bước của quá trình dạy học. Tùy t heo nội dung cụ thể của từng bài từng chương, GV có thể lựa chọn thời điểm và hình thức sử dụng BTCNDTT thích hợp để đạt được hiệu quả dạy học cao nhất.
1.5.1.1. Sử dụng hệ thống bài tập để xây dựng kiến thức mới (hoạt động Khởi động)
Để gây hứng thú học tập, tạo mâu thuẫn nhận thức cho HS, sự kiện mở đầu nên chọn là những sự kiện gần gũi với thực tế đời sống, bằng cách sử dụng một số bài tập có nội dung liên hệ chặt chẽ với kiến thức tiết học, được mô tả một cách ngắn gọn, súc tích để HS nhanh chóng, dễ dàng nhận ra mâu thuẫn giữa sự kiện đưa ra và hiểu biết sẵn có. Bởi vì kiến thức mới chủ yếu được hình thành từ sự kế thừa và phát triển các kiến thức mà HS đã học hoặc dựa vào các quan niệm được hình thành từ cuộc sống. Vì thế ở phần đặt vấn đề, GV nên chọn những bài tập được trình bày dưới dạng tình huống có vấn đề nhằm kích thích hứng thú, tạo nhu cầu phải nghiên cứu, giải quyết. Yêu cầu của các bài tập ở bước này phải ngắn gọn, mang yếu tố tình huống và hướng vào nội dung kiến thức cơ bản của bài tập. Bài tập mà nội dung của nó chứa đựng những mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái cần tìm, mâu thuẫn đó phải có tính vừa sức, gây được cho HS những hứng thú nhận thức và niềm tin có thể nhận thức được. Có thể sử dụng BTCNDTT định tính hay
BTCNDTT thí nghiệm để đặt vấn đề. Tùy thuộc vào đối tượng HS và các tư liệu cho sẵn, GV có thể lựa chọn các cách tạo tình huống như: Bài tập nội dung có tình huống bất ngờ, bài tập có nội dung tình huống xung đột, bài tập có nội dung kết luận đúng sai…GV cần chú trọng những BTCNDTT tạo mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết để khi giải quyết vấn đề đặt ra thuyết phục HS cả về lập luận lẫn tính thực tế.
1.5.1.2. Sử dụng bài tập có nội dung thực tiễn trong hình thành kiến thức mới
Khi tiến hành hình thành kiến thức mới, có thể sử dụng BTCNDTT bằng cách chia kiến thức cần nghiên cứu thành những đơn vị kiến thức nhỏ, từ đó sử dụng các BTCNDTT tương ứng để giải quyết từng đơn vị kiến thức sau đó rút ra kiến thức trọng tâm. GV nên đưa ra những BTCNDTT nhằm để HS bộc lộ những quan điểm có sẵn, liên quan đến kiến thức của bài học, từ đó phát hiện ra quan niệm sai lệch của HS và đồng thời tạo ra nhu cầu nhận thức trong học tập trong quá trình hình thành kiến thức mới và hiệu quả dạy học vật lí mới có thể được nâng cao.
Ngoài ra GV sử dụng BTCNDTT để hỗ trợ cho HS dựa trên kiến thức đã học suy luận một cách logic các hệ quả của kiến thức, có thể xây dựng các phương án thí nghiệm nhằm kiểm tra hệ quả lôgic đó. Có thể HS tự lực đưa ra được quan điểm, giải pháp, sáng kiến mới trên cơ sở của kiến thức đã học, kĩ năng, kĩ xảo thực hành…GV có thể sử dụng các bài tập dưới các hình thức thể hiện BTCNDTT bằng lời, bằng hình vẽ, ảnh chụp minh họa và bằng đoạn phim video, clip ngắn minh họa có nội dung: thực tế thí nghiệm có tác dụng rèn luyện kĩ năng thu thập, xử lí thông tin; thực tế định tính có tác dụng rèn luyện các kỹ năng suy luận, diễn dịch và thực tế định lượng có tác dụng rèn luyện các kĩ năng tính toán và vận dụng các công thức, định luật.
1.5.1.3. Sử dụng bài tập có nội dung thực tiễn trong vận dụng và củng cố
Đối với hoạt động củng cố, vận dụng kiến thức, việc sử dụng BTCNDTT mang lại hiệu quả cao trong việc rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. HS phải vận dụng kiến thức vừa mới học với những kiến thức đã học trước đó để giải quyết các bài tập qua đó HS củng cố kiến thức một cách vững chắc. Ở mức độ cao hơn, HS phải vận dụng nhiều kiến thức khác nhau, những hiểu biết, kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực vật lí, theo một trình tự hợp lí để giải quyết các bài tập. Ở giai đoạn này, để HS nắm vững được kiến thức của bài học đồng thời rèn luyện cho các em kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra ở đầu bài học, tình huống thực tế có liên quan.
1.5.1.4. Sử dụng bài tập có nội dung thực tiễn trong kiểm tra đánh giá
Khi bước sang giai đoạn này, HS đã học xong kiến thức và nắm vững các kiến thức đã học. Chất lượng tiếp thu và nắm kiến thức của HS ở mức độ như thế nào thì cần phải được kiểm tra, đánh giá. Để việc kiểm tra, đánh giá thể hiện rõ năng lực VDKTKN đã học đạt kết quả tốt, GV nên lựa chọn những BTCNDTT cơ bản, tiêu biểu trong các dạng BTCNDTT đã giao cho HS và yêu cầu HS làm tại lớp hoặc ở nhà sau đó nộp lại bài làm của mình cho GV. Có thể sản phẩm thu được những câu trả lời chính xác hoặc là sáng kiến, giải pháp mang tính khả thi.
1.5.2. Các bước sử dụng bài tập vật lí có nội dung thực tiễn nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học cho học sinh
Quá trình sử dụng BTVL có nội dung thực tiễn nhằm phát triển năng lực VDKTKN đã học cho HS là một quá trình lâu dài, tuần tự và thận trọng. GV phải xác định được ý nghĩa của từng bước trong quá trình, từ việc giúp HS nhận thức được tầm quan trọng của năng lực VDKTKN, đến hướng dẫn, rèn luyện, giúp HS phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng thông qua các BTCNDTT. Việc bồi dưỡng năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng phải đi từ cơ bản đến phức tạp, từ dễ đến khó và phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng HS.
Dưới đây là quy trình chung trong sử dụng bài tập vật lí có nội dung thực tiễn nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng cho HS:
Bước 1. Xác định nội dung, mục tiêu kiến thức cần dạy theo đúng quy định của chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình.
Bước 2. Xác định mục tiêu dạy học là sử dụng BTCNDTT nhằm phát triển năng lực VDKTKN của HS.
Bước 3. Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá, điều tra thực tiễn năng lực VDKTKN của HS và khả năng sử dụng BTCNDTT trong quá trình học tập.
Bước 4. Lập kế hoạch sử dụng các BTCNDTT đã soạn thảo trong dạy học vật lí. Bước 5. Thiết kế các tiến trình dạy học có sử dụng hệ thống BTCNDTT đã soạn thảo nhằm phát triển năng lực VDKTKN của HS.
- Xác định hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu kiến thức, kĩ năng.
- Xác định các nhiệm vụ học tập của HS, hoạt động của GV, sử dụng các BTCNDTT trong các nhiệm vụ học tập một cách hệ thống và hợp lí.
- Xác định được những hành vi năng lực VDKTKN nào được bồi dưỡng, phát triển sau mỗi nhiệm vụ học tập và mỗi tiến trình dạy học.
Bước 6. Triển khai dạy học theo các tiến trình dạy học đã thiết kế.
Bước 7. Đánh giá kết quả hoạt động dạy học, điều chỉnh, cải thiện lại hệ thống BTCNDTT nếu cần thiết. Đề xuất các phương án nhằm nâng cao và phát triển năng lực VDKTKN của HS.