Trước hết, BTCNDTT chỉ là một thành phần trong hệ thống các BTVL và không thể thay thế cho các bài tập khác trong dạy học vật lí nên việc xây dựng các BTCNDTT cho giờ lên lớp vật lí ở đây chủ yếu nhằm đến mục tiêu rèn luyện năng lực VDKTKN vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở trường THPT.
Xuất phát từ những yêu cầu và nguyên tắc xây dựng BTCNDTT như đã nêu trên, việc xây dựng các BTCNDTT cho một giờ lên lớp có thể thực hiện theo qui trình gồm 4 bước:
Bước 1: Xác định mục tiêu dạy học của nội dung chương trình và sách giáo khoa.
Trước khi tiến hành xây dựng BTCNDTT, cần xác định mục tiêu dạy học, nội dung chương trình và SGK để phân tích nội dung kiến thức của phần đó. Trong đó, cần
phân tích rõ mục tiêu bài học, nội dung và kiến thức trong từng đơn vị bài học, từng chương cụ thể ứng với phần đó, xác định mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức và chỉ ra những kiến thức liên quan tới thực tiễn.
Bước 2: Tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn các vấn đề thực tiễn để biên soạn các nhiệm vụ học tập để HS được thực hiện các hành vi năng lực hướng đến mục tiêu đã đề ra.
Xác định được cấu trúc của hệ thống BTCNDTT, xác định được chức năng, nhiệm vụ và nội dung của từng loại bài tập có nội dung thực tiễn cụ thể trong tiến trình dạy học. Chỉ rõ từng BTCNDTT sẽ phục vụ rèn luyện và phát triển kĩ năng nào của HS, mức độ nào, áp dụng các bài tập đó trong những hoạt động dạy học và trong những tình huống sư phạm nào, từ đó phân bổ và xác định số lượng các BTCNDTT cho từng bài học và cho cả phần. Thường có hai cách để phát hiện ý tưởng của BTCNDTT:
Cách 1: Dựa vào kinh nghiệm bản thân, qua quan sát thực tiễn. Tìm hiểu kĩ các ứng dụng kĩ thuật, các hoạt động sinh hoạt, hoạt động lao động sản xuất, các quy luật, hiện tượng thực tiễn và các kiến thức thực tiễn có liên quan tới nội dung bài học hoặc phần học, từ đó xác định được vấn đề thực tiễn xung quanh.
Cách 2: Tìm kiếm trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet, hoặc tài liệu, giáo trình, sách chuyên ngành thông qua các từ khóa tương ứng với các dạng bài tập (cách này là phổ biến nhất, lưu ý là cần ghi lại nguồn thông tin – địa chỉ trang
web, ngày truy cập để tiện khi sử dụng, trích xuất).
Bước 3: Xây dựng, biên soạn các bài tập/ nhiệm vụ học tập để HS được thực hiện các hành vi năng lực đã xác định như mục tiêu đề ra.
Trong bước này, GV phải đọc nhiều tài liệu, tham khảo nhiều sách BTVL đã được biên soạn, suy nghĩ tìm tòi những yếu tố, những mối liên hệ với thực tiễn từ đó tổng hợp lại để biên soạn được những BTCNDTT hay và thích hợp với tiến trình dạy học. Cần chú ý tới trình độ nhận thức, học lực, điều kiện hoàn cảnh của từng vùng, từng lớp HS để lựa chọn và xác định kiến thức phù hợp với người học, để hệ thống BTCNDTT đạt hiệu quả như mong muốn.
GV xây dựng và biên soạn từng BTCNDTT và xây dựng các phương án giải cho từng loại bài tập cụ thể. Sau đó, GV tiến hành phân bố, lựa chọn từng bài tập theo nhiệm vụ, chức năng của chúng để tạo thành một hệ thống BTCNDTT hoàn chỉnh.
Bước 4. Chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống bài tập đã biên soạn
Sau khi đã tiến hành xây dựng và biên soạn được hệ thống BTCNDTT, GV cần đưa hệ thống bài tập đó vào quá trình dạy học trên lớp để kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của chúng.
GV cần rà soát lại hệ thống các BTCNDTT sử dụng trong quá trình dạy học đã đảm bảo được sự cân đối về số lượng, nội dung kiến thức, chức năng, nhiệm vụ với hệ thống bài tập chung hay chưa. GV nên chú ý tới sự cân đối về mức độ khó của các loại bài tập từ đơn giản, nâng cao tới sáng tạo trong phân phối bài tập ở từng giờ dạy học.
Sau khi điều chỉnh và khắc phục các lỗi của hệ thống BTCNDTT đã xây dựng và biên soạn, GV có thể tiến hành phát triển và bổ sung để hệ thống BTCNDTT hoàn hảo, có tính thực tiễn và tính cập nhật cao hơn nữa.