Từ những đánh giá ở chương 2 về chuẩn mực báo cáo kiểm toán, ta thấy người sử dụng chưa hoàn toàn tin tưởng rằng kiểm toán viên đã làm hết trách nhiệm của mình như đã nêu trên báo cáo kiểm toán. Do đó, người viết đề xuất rằng Bộ tài chính nên xem xét có thêm một phần về vấn đề xử phạt khi vi phạm chuẩn mực trong từng trường hợp cụ thể và giám sát việc thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao tính pháp lý cho chuẩn mực, nâng cao tính ràng buộc đối với các công ty kiểm toán và kiểm toán viên, góp phần làm tăng chất lượng báo cáo kiểm toán, mang lại niềm tin cho người sử dụng báo cáo kiểm toán. Vấn đề xử phạt có thể được quy định như sau:
- 75 -
- Xử phạt hành chính đối với Công ty kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán có nội dung vi phạm chuẩn mực, tùy theo hành vi vi phạm có ảnh hưởng như thế nào đến người sử dụng mà đề ra mức phạt. Tuy nhiên, mức phạt hành chính phải được đặt ra với số tiền thật cao nhằm thể hiện sự răn đe của pháp luật và tầm quan trọng của báo cáo kiểm toán vì số người sử dụng báo cáo kiểm toán cho quyết định tài chính của mình rất lớn (bao gồm hiện hữu và tiềm năng);
- Rút giấy phép hành nghề của kiểm toán viên vi phạm các quy định trong chuẩn mực, trong trường hợp kiểm toán viên chưa làm hết trách nhiệm của mình, gây hậu quả chưa nghiêm trọng;
- Xử lý hình sự đối với kiểm toán viên thực hiện kiểm toán do chểnh mảng khi thực hiện kiểm toán, không làm tròn trách nhiệm của mình, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người sử dụng báo cáo kiểm toán và nền kinh tế nói chung.
Việc giám sát sự tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán nói chung, chuẩn mực về báo cáo kiểm toán nói riêng cần được giao cho một cơ quan Nhà nước phụ trách; ví dụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Lý do chọn cơ quan này là do ảnh hưởng quan trọng của báo cáo kiểm toán đối với thị trường chứng khoán.