25 Biểu đồ 2 Trang 4 Phụ lục
3.2.1 Những điểm tương đồng:
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi với nhiều nét tương đồng trong văn hóa và tính cách con người. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam từng chịu nhiều ảnh hưởng rõ nét của văn hóa Trung Quốc. Tuy văn hóa Việt Nam cũng ít nhiều tác động đến văn hóa Trung Quốc nhưng sự tác động đó là không lớn và không mạnh mẽ như văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đến văn học Việt Nam cũng nằm trong chiều hướng chung ấy. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này khi đi phân tích sâu quá trình diễn biến văn học Việt Nam trong mối tương quan với văn
học Trung Quốc và sự tác động cảu văn học Trong Quốc với văn học Việt nam trong lịch sử.
Sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa hai nền văn học đó được biểu hiện mạnh mẽ trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của văn học hai nước. Đặc biệt là trong nền văn học cổ và trung đại Việt Nam có thể nhận thấy dấu ấn rõ nét đó. Văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam hiện đại tuy ít chịu mối tương tác như trước nhưng do điều kiện khách quan cũng có sự giao lưu và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ở đây chúng tôi không đi vào tìm hiểu sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau ấy giữa hai nền văn học mà chỉ xét những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai bộ phận nhỏ của hai nền văn học hai nước.
Chúng tôi cũng không đi vào phân tích sự ảnh hưởng hay tác động của dòng văn học 8X Trung Quốc đối với văn học 8X Việt Nam mà chỉ so sánh hai bộ phận văn học này để rút ra những điểm giống và khác nhau giữa hai bộ phận. Như vậy có thể giúp những người quan tâm đến văn học 8X Việt Nam nói riêng và văn học trẻ Việt Nam nói chung có được cái nhìn khách quan trong mối tương quan ấy để đánh giá lại văn học tình hình 8X Việt Nam hiện nay.
Do khá nhiều nguyên nhân mà văn học 8X Trung Quốc và văn học 8X Việt Nam có nhiều nét tương đồng với nhau. Có thể tổng hợp những nét tương đồng giữa văn chương 8X Trung Quốc và văn chương 8X Việt Nam như:
• Chủ đề sáng tác.
• Phong cách.
• Ngôn ngữ.
• Phương tiện quảng bá.
3.2.1.1 Chủ đề sáng tác:
Về chủ đề sáng tác, có thể dễ dàng nhận thấy sự giống nhau khi các tác giả 8X Trung Quốc và Việt Nam đều lấy chủ đề của tác phẩm xoay quanh lớp trẻ thành thị. Bối cảnh thành thị và khai thác đời sống giới trẻ dường như là đặc điểm nổi bậc nhất của các tác phẩm 8X hai nước. Xung quanh cuộc sống của lớp trẻ ở thành thị, các tác giả trẻ đi vào khai thác nhiều khía cạnh khác nhau từ khía cạnh đời sống, các mối quan hệ xã hội cho đến những bi kịch nội tâm. Sự phản ánh suy nghĩ và tư duy của lớp trẻ thành thị của hai dòng văn học 8X hai
nước bắt nguồn từ sự tương đồng giữa hoàn cảnh xã hội, lịch sử và sự phát triển của hai nước trong những năm gần đây. Đặc biệt là sự thay đổi của giới trẻ thành phố cũng đều có nhưng điểm tương tự như nhau.
Chúng ta có thể bắt gặp sự giống nhau đó ở sáng tác của các cây bút trẻ 8X Việt Nam như Nguyễn Quỳnh Trang (1981), Trần Thu Trang (Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu), Hà Kin (Chuyện tình New York) Nguyễn Thế Hoàng Linh (Chuyện của thiên tài) và các cây bút trẻ góp mặt trong các tuyển tập truyện ngắn như Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Thị Cẩm, Trương Quế Chi...(Truyện ngắn 8X, Truyện ngắn 198X, Vũ điệu thân gầy…). Gần đây còn có các tác phẩm của Đào Lê Na (Hẹn gặp anh nơi thiên đường), Nguyễn Thiên Ngân (Đường còn dài còn dài) đều xuất bản tác phẩm khi còn là sinh viên (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), đó cũng là những tác phẩm viết về cuộc sống, tâm tư, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ ngày nay, đó là những sinh viên, học sinh mới chập chững vào đời với những nhận thức tốt đẹp về cuộc sống. Các tác phẩm còn mang tính hư cấu giả tưởng cao đáp ứng tâm lý văn học của thế hệ trẻ.
Các nhân vật trong truyện của các tác giả 8X là những người trẻ với những nỗi ám ảnh vệ cuộc sống thời đại. 8X dường như không quan tâm đến các vấn đề lớn lao (hòa bình, chiến tranh, mâu thuẫn giai cấp, tiến bộ xã hội...) mà vấn đề họ quan tâm thường là những chuyện sinh hoạt gần gũi, những cảm giác trong cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, những bi kịch, nỗi đau của chính bản thân họ hoặc của những người xung quanh mà hằng ngày họ được chứng kiến. Họ đưa vào trong truyện của mình những mẫu chuyện về bạn bè, tình yêu, tình dục, gia đình. Hoặc những vấn đề mà họ trông thấy một cách trực diện trong xã hội. Những câu chuyện ấy được viết nên từ chính sự trải nghiệm của các tác giả 8X. Chính vì thế trong truyện của mình, thế hệ 8X thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá riêng của thế hệ mình đối với cuộc đời. Ngay từ cách nhìn nhận, đánh giá này mà ta đã thấy được phần nào thái độ, cách phản ứng đối với hiện thực của họ.
Sự tương đồng về hoàn cảnh sống (cùng sống trong một xã hội châu Á đang trên đà phát triển với nhiều biến động), về tính cách khu vực cũng là một
nguyên nhân khiến cho văn học 8X hai nước nói riêng và văn học trẻ hiện nay nói chung có chung những chủ đề giống nhau.
3.2.1.2 Phong cách:
Không chỉ giống nhau ở chủ đề thành thị và đời sống giới trẻ, văn học 8X Trung Quốc và Việt Nam còn có những sự giống nhau tương đối về phong cách sáng tác. Đó là sự thể nghiệm những phong cách sáng tác mới vào văn học. Các nhà văn 8X Việt Nam cũng như các nhà văn 8X Trung Quốc không còn gò bó câu chữ như các thế hệ nhà văn lớp trước. Dường như phong cách của họ là phong cách văn chương tự do, năng động như chính tính cách của thế hệ trẻ vậy. Trong truyện của mình, Nguyễn Thế Hoàng Linh (Chuyện của thiên tài) dường như không quan tâm đến kết cấu truyện, không quan tâm đến diễn biến và nội dung câu chuyện như thế nào. Cốt yếu là sự truyền tải những suy nghĩ và chiêm nghiệm của một người trẻ về những vấn đề cuộc sống vào truyện sao cho rõ ràng và trực diện nhất. Thoát khỏi sự lệ thuộc của văn chương chữ nghĩa truyền thống và đi tìm những phong cách thể nghiệm mới cho mình là đặc điểm tương đồng của các nhà văn trẻ Trung Quốc và cả Việt Nam. Xu hương đó báo hiệu những điều mới mẻ cho văn học đương đại hai nước.
Các cuốn tiểu thuyết bán tự truyện của Hà Kin, Nguyễn Quỳnh Trang được viết với phong cách kể chuyện đời thường, giống với kiểu kể chuyện một cách tự do trên các trang mạng hơn là một tác phẩm văn học. Nhưng chính điều đó góp phần thu hút lượng độc giả lớn vì học tìm thấy sự đồng cảm trong đó.
3.2.1.3 Ngôn ngữ:
Bước sang thế kỷ 21, thế hệ trẻ được tiếp xúc với một thế giới khoa học kĩ thuật hiện đại. Tư duy con người trở nên nhạy bén hơn, đặc biệt là tư duy của thế hệ trẻ. Họ sáng tạo ra những lớp ngôn ngữ mới, thế hệ 8X được biết đến với "ngôn ngữ 8X", ngôn ngữ chat...Và các nhà văn 8X tận dụng sự mới mẻ ấy trong tác phẩm của mình. Các kiểu sử dụng ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ đường phố hay ngôn ngữ chat có thể dể dàng bắt gặp trong sáng tác của các tác giả 8X VIệt Nam, đó gần như là một trong những trào lưu chung trong giới viết văn trẻ ngày nay. Điều này không chỉ là một sự thể nghiệm mới về ngôn ngữ sáng tác văn chương mà còn khiến các độc giả trẻ cảm thấy thú vị
hơn khi đọc tác phẩm. Điều này khiến tác phẩm của các tác giả trẻ dễ hiểu dễ tiếp nhận hơn, không mắc phải sự nhàm chán vì lê thê câu chữ như trong văn chương truyền thống. Một lớp ngôn ngữ đời sống mới được đưa vào văn học phản ánh sự năng động trong sáng tạo nghệ thuật của giới nhà văn 8X. Đó cũng là phản ánh của sự ảnh hưởng yếu tố thời đại vào văn học.
3.2.1.4 Phương tiện quảng bá:
Một đặc điểm tương đồng nữa mà văn học trẻ Việt Nam và văn học 8X Trung Quốc là phương tiện đưa tác phẩm đến với công chúng độc giả. Ngoài các hình thức xuất bản truyền thống như xuất bản sách hay đăng dài kỳ trên báo thì hình thức xuất bản mới rất thuận tiện được các tác giả trẻ tận dụng là xuất bản trên mạng. Mạng internet đã trở thành phương tiện kết nối phổ biến và thuận tiện các tác phẩm văn học của nhà văn trẻ đến với độc giả. Mạng internet đã được sử dụng khá sớm ở Trung Quốc như một kênh xuất bản tự do các tác phẩm văn học. Thậm chí ở Trung Quốc còn hình thành riêng một dòng văn học được gọi là văn học mạng. Còn ở Việt Nam xuất bản trên mạng chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Chủ yếu là thế hệ nhà văn trẻ đi tiên phong trong việc xuất bản trên mạng. Đó là các nhà văn như Trần Thu Trang, Nguyễn Thu Phương đã lập những website riêng để quảng bá cho tác phẩm của mình: "sachcuatrang.com", "nguyenthuphuong.com". Tuy nhiên hình thức xuất bản này không mạnh như ở Trung Quốc và còn mang tính tự phát. Một số website chuyên đăng tải văn học mạng thì không chỉ dành riêng cho giới viết văn trẻ mà còn đăng tải tất cả các thể loại văn học của các nhà văn khác. Như "vannghesongcuulong.org", "thotre.com", "vnthuquan.net", ở hải ngoại có "tienve.org"...cũng là một trog những trang web văn học khá nổi, trang web này chuyên giới thiệu tác phẩm của các tác giả trẻ nổi bật. Tuy nhiên tác phẩm của nhà văn 8X đăng tải còn khá ít.