CHƯƠNG 3: VĂN HỌC 8X TRUNG QUỐC VỚI VĂN HỌC 8X VIỆT NAM
3.1.1 Quá trình du nhập văn học 8X Trung Quốc vào Việt Nam:
3.1.1.1 Giai đoạn làm quen với các tác phẩm 8X:
Để nói về quá trình du nhập và tiếp nhận văn học 8X Trung Quốc ở Việt Nam cho tới nay trước hết cần nhìn nhận lại tình hình tiếp nhận văn học Trung Quốc đương đại ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Có thể nói trong những năm gần đây văn học Trung Quốc được giới thiệu khá nhiều trên thị trường văn học Việt Nam. Nó như một làn sóng lan tỏa khắp các nhà sách và được đông đảo bạn đọc đón nhận và yêu thích. Sở dĩ văn học Trung Quốc được đón nhận mạnh mẽ ở Việt Nam là do nguyên nhân nội tại từ chính thị trường sách Việt Nam trong những năm gần đây thường có ít các tác phẩm hay và thu hút được độc giả. Còn văn học phương Tây với những tác phẩm văn học cổ điển được tái bản và những cuốn sách mới dịch cũng trở nên bảo hòa trong giới độc giả Việt Nam. Văn học phương Tây vốn được độc giả Việt Nam yêu thích nhưng trong thời đại ngày nay nó ít còn tính thu hút
mạnh mẽ như trước. Người đọc Việt Nam cần thứ văn chương gần gũi với mình và thể hiện cuộc sống gần gũi với suy nghĩ và văn hóa Việt Nam hơn. Vì vậy văn học Trung Quốc đương đại với các tác phẩm mới, cấp tiến của các nhà văn sáng tác theo tư tưởng mới có nhiều tiến bộ đã mang lại cho độc giả Việt Nam những điều thú vị mới mẻ. Bên cạnh các tác phẩm cổ điển Trung Quốc được tái bản thì sự quay trở lại của thể loại truyện kiếm hiệp Trung Quốc cũng là điều đáng quan tâm của thị trường sách văn học Trung Quốc ở Việt Nam. Đó là thời gian văn học Trung Quốc trở nên phổ biến ở Việt Nam với các tác giả như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao...với các tác phẩm như Báu vật của đời, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ, Phế đồ, Một nửa đàn ông là đàn bà ...Đó là những cuốn sách được giới phê bình Trung Quốc thẩm định và đánh giá cao về nội dung cũng như nghệ thuật. Các tác phẩm của những nhà văn này cũng đều viết về đề tài người nông dân (Báu vật của đời), xã hội trong giai đoạn đổi mới (Phế đô, Một nửa đàn ông là đàn bà) hay lúc bước qua kinh tế thị trường
(Rừng xanh lá đỏ) ở một đất nước có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt là các tác giả Trung Quốc đã chuyển tải vào tác phẩm của họ tính hiện thực, thậm chí hiện thực đến cực đoan, tính phê phán và cuối cùng điều mới mẻ nhất là tính dục. Sau này còn Khương Nhung với nét mới đầy hoang dã của văn hóa du mục phía Tây Trung Quốc (Totem sói), tác phẩm gây tiếng vang lớn ở Trung Quốc và cũng được đón nhận ở Việt Nam.
Tiếp theo sự chiếm lĩnh mạnh mẽ thị trường sách của văn học Trung Quốc tại Việt Nam phải kể đến sự xuất hiện khá nổi của các tác giả thuộc dòng văn học "linglei" Trung Quốc đặc biệt là các tác giả nữ như Vệ Tuệ (Bảo bối Thượng Hải, Điên cuồng như Vệ Tuệ, Thiền của tôi...), Cửu Đan (Quạ đen), ...Và các cây bút trẻ nổi trội khác ở Trung Quốc như Sơn Táp (Thiếu nữ đánh cờ vây) , Đới Tư Kiệt (Balzac và cô thợ may Trung Hoa)...
Tuy có thời gian thị trường văn học Trung Quốc chững lại do sự xuất hiện của quá nhiều tác phẩm với cùng những chủ đề giống nhau nhưng gần đây khi các dòng văn học mới của Trung Quốc được dịch ở Việt Nam thì độc giả Việt Nam lại quan tâm nhiều hơn đến văn học Trung Quốc. Dòng văn học 8X
du nhập vào Việt Nam theo đà của sự phát triển văn học dịch Trung Quốc ở Việt Nam ấy.
Văn học 8X xuất hiện ở Trung Quốc không bao lâu thì nó đã xuất hiện trên các giá sách ở Việt Nam. Ban đầu nó không được chú ý nhiều bởi nhiều độc giả còn đánh đồng văn học 8X với dòng văn học "linglei" của các nhà văn "mĩ nữ" Trung Quốc được dịch trước đó như Vệ Tuệ, Cửu Đan, An Ni Bảo Bối...Nhưng sau đó độc giả Việt Nam nhận ra sự khác biệt của dòng văn 8X so với dòng văn học "linglei" nói chung. Tuy nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học "linglei" và yếu tố "linglei" cũng là cảm hứng sáng tác chính của văn học 8X nhưng nó không hẳn là văn học "linglei" mà nếu xét theo phương diện tư tưởng sáng tác thì chỉ là một bộ phận còn xét theo các phương diện khác như sự sáng tạo và đặc điểm tác phẩm thì nó là đại diện cho thế hệ 8X với những lối tư duy mới, có nhiều nét tích cực hơn. Các tác giả thế hệ 8X cũng có nhiều đổi mới hơn trong sáng tác của mình. Đặc biệt là trong thể loại truyện võ hiệp như của Quách Kính Minh, nhiều yếu tố hoang đường kỳ ảo được đưa vào. Đặc biệt nhà văn 8X chú trọng đi vào khai thác tâm lý của nhân vật trong truyện võ hiệp hơn là tình tiết truyện. Ngoài ra giọng điệu của một số nhà văn 8X cụ thể như Trương Duyệt Nhiên cũng không quá chát chúa trực diện và quá nhiều yếu tố tính dục như các nhà văn nữ theo dòng văn học "linglei" trước đó (Vệ Tuệ, Cửu Đan...).
Văn học 8X được dịch đầu tiên ở Việt Nam là vào năm 2005, cùng thời điểm đó báo chí Việt Nam cũng nói nhiều đến sự thành công và những luồng dư luận liên quan đến các nhà văn 8X Trung Quốc như Quách Kính Minh, Hàn Hàn, Xuân Thụ, Trương Duyệt Nhiên...Điều đó gây nên hiệu ứng tò mò trong giới độc giả trẻ và họ bắt đầu tìm đọc các tác phẩm 8X Trung Quốc này.
Mặc dù có nhiều ý kiến đánh giá khen chê khác nhau của báo giới về dòng văn học 8X của Trung Quốc ở Việt Nam, nhưng thực sự chưa có ý kiến chính thống nào của giới phê bình bàn sâu về vấn đề này. Có một số nhà nghiên cứu chỉ đề cập đến văn học "linglei" nói chung mà không nhắc đến văn học 8X Trung Quốc như một hiện tượng riêng biệt. Chỉ xem các tác phẩm này dưới khía cạnh "linglei". Còn báo giới Việt Nam thì cũng chỉ trích dẫn ý kiến
và sự đánh giá của các nhà phê bình cũng như dư luận độc giả Trung Quốc về văn học 8X. Bên cạnh đó là một số sự so sánh chưa đầy đủ giữa văn học 8X Trung Quốc với văn học 8X Việt Nam.
3.1.1.2 Giai đoạn văn học 8X Trung Quốc được tiếp nhận:
Tuy vậy, dòng văn học 8X Trung Quốc vẫn âm thầm len lỏi và chinh phục độc giả Việt Nam nhất là độc giả trẻ. Đặc biệt là các tác phẩm ăn khách ở Trung Quốc của Quách Kính Minh được giới trẻ mê truyện võ hiệp Việt Nam săn lùng. Trên các diễn đàn mạng về truyện võ hiệp như "nhapmonquan.com", "vietkiem.com"...đều có sự bàn luận của độc giả trẻ về các cuốn tiểu thuyết võ hiệp Vương quốc ảo và Vô cực của Quách Kính Minh. Nhìn chung độc giả Việt Nam đánh giá tốt sự sáng tạo của tác giả trong thể loại truyện này.
Dần dần giới độc giả cũng có cái nhìn riêng đối với các tác phẩm thuộc dòng văn học này và phát hiện ra những đặc điểm riêng mà chỉ có các tác phẩm thuộc dòng văn học 8X mới có. Thêm vào đó là dư luận báo chí cũng nhắc nhiều đến thuật ngữ “văn học thế hệ 8X”, không chỉ với văn học Trung Quốc mà còn đề cập đến văn học 8X Việt Nam. Điều này giúp độc giả phân biệt được tác phẩm của nhà văn 8X so với các tác phẩm văn học của các nhà văn khác. Văn học 8X Trung Quốc được tiếp nhận như một dòng riêng biệt với nhiều đặc điểm khác so với dòng chung của văn học Trung Quốc vẫn đang được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Các cuốn sách của Trương Duyệt Nhiên như Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi, Anh đào xa tít tắp, Mèo đen không ngủ, Mười yêu đều được độc giả Việt Nam đón nhận. Những cuốn sách này được đông đảo độc giả nữ yêu thích vì thể hiện tâm lý nhân vật nữ khá sâu sắc. Đặc biệt là những người nữ trẻ Việt Nam nhận thấy sự đồng cảm với các nhân vật nữ trong truyện của Trương Duyệt Nhiên. Thời điểm năm 2005 – 2006 – 2007 trên các diễn đàn, forum mạng có mục văn học Trung Quốc đều nhận được sự bàn luận sôi nổi của các độc giả nữ về các cuốn sách của Trương Duyệt Nhiên, của Xuân Thụ...Các trang web, diễn đàn văn học như "vnthuquan.com", "thuvien-ebook.com"...và nhiều website, blog cá nhân khác đều đăng tải lại các bản dịch của các cuốn
truyện này. Kèm theo đó là lời bàn luận, đánh giá và nhận xét của các độc giả trẻ đã từng đọc qua các tác phẩm đó.
Một sự kiện đáng chú ý về sự tiếp nhận văn học 8X Trung Quốc ở Việt Nam là sự xuất hiện ồn ào và gây chấn động của tác giả văn học mạng Tào Đình với Xin lỗi em chỉ là con đĩ. Đây là thời điểm văn học Việt Nam khá nhạy cảm với yếu tố sex, đặc biệt là đề cập thẳng thừng như trong truyện. Tác phẩm do Trang Hạ dịch đã tạo nên một làn sóng dư luận độc giả quan tâm đến cuốn truyện dài này. Độc giả Việt Nam tuy có nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau về cái hay của tác phẩm nhưng tựu trung lại vấn đề họ quan tâm chủ yếu là yếu tố sex được đề cập thẳng thắng và mạnh mẽ trong tác phẩm này. Trong thời gian đó yếu tố sex cũng được quan tâm khá nhiều ở các tác phẩm văn học trong nước như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu.
3.1.1.3 Vai trò quan trọng của các dịch giả trẻ trong việc giới thiệu dòng văn học 8X Trung Quốc ở Việt Nam:
Đóng góp công lớn vào sự giới thiệu các dòng văn học Trung Quốc nói chung và văn học 8X Trung Quốc vào Việt Nam là các dịch giả, nhà văn, nhà nghiên cứu chuyên về văn học Trung Quốc. Các dịch giả chuyên về văn học Trung Quốc khá nhiều và được chia thành hai thế hệ rõ rệt. Lớp các dịch giả thế hệ đi trước nổi bậc là các dịch giả Trần Đình Hiến, Trần Hữu Nùng, Phó Thiên Tùng, Sơn Lê… và lớp thế hệ dịch giả mới hình thành, trong đó đa phần là những dịch giả trẻ thế hệ 7X, 8X… có kinh nghiệm sống vài năm ở Trung Quốc, thích tìm tòi cái mới trong văn học trẻ Trung Quốc như Nguyễn Lệ Chi, Đào Bạch Liên, Nguyễn Xuân Nhật, Nguyễn Xuân Minh, Trang Hạ, Trác Phong, Phương Linh.... Những dịch giả trẻ và đầy tâm huyết này đang góp sức làm mới bầu không khí văn học dịch. Nhờ đó các độc giả trẻ Việt Nam có thêm một cái nhìn mới về văn hóa, đời sống, tư duy con người trong xã hội hiện đại của Trung Quốc ngày nay, đặc biệt là của giới trẻ Trung Quốc với nhiều nét tương đồng và khác biệt so với giới trẻ Việt Nam.
Các dịch giả trẻ là nêu trên là những cái tên quen thuộc đối với những độc giả từng quan tâm đến các đầu sách văn học 8X Trung Quốc ở Việt Nam thời gian qua. Một phần nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học 8X
Trung Quốc được dịch ở Việt Nam là qua lăng kính của các dịch giả này. Vì vậy vai trò của họ cũng khá quan trọng trong việc tìm hiểu văn học 8X Trung Quốc.
Bên cạnh các dịch giả như Sơn Lê, Nguyễn Lệ Chi với các đầu sách của các tác giả nữ thuộc dòng văn học "linglei" (Vệ Tuệ, Cửu Đan, Bì Bì, Miên Miên...) thì những dịch giả đã dịch các đầu sách 8X Trung Quốc sang tiếng Việt hầu hết đều là thế hệ 8X nên họ dễ hiểu và đồng cảm với câu chuyện của các tác giả Trung Quốc. Sự chuyển tải vì thế trung thực và nguyên bản hơn. Tiêu biểu như dịch giả Nguyễn Xuân Nhật, bắt đầu dịch văn học trong thời gian làm luận văn Master ở Đại Học Thanh Hoa - Trung Quốc từ năm 2001. Dịch giả này là người chuyển ngữ một số tác phẩm văn học mạng được lưu hành rộng rãi trong giới trẻ Việt Nam và có tiếng vang. Với giọng văn dí dỏm, sinh động, khúc triết, và kiến thức đa dạng đã đem đến thành công cho nhiều tác phẩm như Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi, Mèo đen không ngủ (Trương Duyệt Nhiên), Vô cực (Quách Kính Minh). Hay như dịch giả, nhà văn trẻ Trang Hạ với vốn sống và sự tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc (hiện Trang Hạ đang sống ở Đài Loan), đã chuyển tải thành công tác phẩm của nhà văn mạng Tào Đình sang tiếng Việt, gây ra hiệu ứng văn học không nhỏ ở Việt Nam. Các tác phẩm dịch thuộc dòng văn học 8X Trung Quốc đều chuyển tải gần như toàn bộ nội dung cũng như các yếu tố nghệ thuật mà tác giả đặt vào trong tác phẩm. Sự góp phần của các dịch giả trẻ trong việc đưa tác phẩm của dòng văn học 8X Trung Quốc đến với Việt Nam là không nhỏ. Độc giả Việt Nam nhờ vậy có cơ hội tiếp nhận một dòng văn học mới với nhiều điều thú vị mới mẻ.
Hiện nay các tác phẩm thuộc dòng văn học 8X Trung Quốc vẫn đang tiếp tục ra đời. Các dịch giả trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội thử sức với dòng văn này và chuyển tải chân thực các tác phẩm nóng hổi ấy đến với độc giả Việt Nam.