Biểu hiện nhu cầu giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học cơ sở

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ nhu cầu giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)

b. Hoạt động giao tiếp với bạn bè

1.4. Biểu hiện nhu cầu giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học cơ sở

Từ những phân tích trên chúng ta thấy nhu cầu giao tiếp của học sinh trung học cơ sở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh có những biểu hiện cơ bản sau:

1.4.1. Nhu cầu thiết lập mối quan hệ mật thiết với cha mẹ

Thông qua việc thiết lập mối quan hệ với cha mẹ một cách thân tình, gần gũi, học sinh sẽ có thể dễ dàng trao đổi thông tin, xin ý kiến, nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ khi học sinh gặp những vấn đề khó khăn trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, học sinh cũng có thể lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với cha mẹ. Điều này giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên tốt đẹp, gắn bó hơn.

Thiết lập mối quan hệ mật thiết với cha mẹ là một yếu tố quan trọng góp phần giúp gia đình trở nên hạnh phúc, các thành viên gắn bó, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau, giúp nhu cầu giao tiếp được thỏa mãn.

1.4.2. Nhu cầu được trao đổi thông tin, tình cảm, hiểu biết với cha mẹ

Trong gia đình, nhu cầu trao đổi thông tin, tình cảm, hiểu biết giữa con cái với cha mẹ là nhu cầu rất quan trọng và cần thiết.

Học sinh trung học cơ sở bước vào môi trường học tập mới với sự thay đổi rõ rệt về nội dung và hình thức học tập so với bậc tiểu học, bên cạnh đó, các em bắt đầu có sự thay đổi về cơ thể khi bước sang tuổi dậy thì. Chính vì thế, các em sẽ tò mò, thích tìm hiểu, ham học hỏi. Lúc này, cha mẹ là người bên cạnh trò chuyện, trao đổi thông tin, định hướng, chỉ dẫn cho học sinh là một điều rất tuyệt vời.

Các em học sinh trung học cơ sở bắt đầu cảm giác mình là người lớn. Chính vì thế, các em rất muốn khẳng định với cha mẹ rằng mình đã lớn, cần được tôn trọng và được độc lập. Bên cạnh đó, các em vẫn có nhu cầu mong muốn được người lớn gần gũi, chia sẻ, động viên định hướng cho mình.

Mong muốn hiểu biết giữa con cái với cha mẹ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chỉ trở nên tốt đẹp, gần gũi, thân tình khi cha mẹ và con cái hiểu được nhau. Có nghĩa là, cha mẹ hiểu được những mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của con, những khó khăn của con gặp phải, hiểu được tính cách

của con, cũng như con cái hiểu cha mẹ đang có cảm xúc như thế nào, có những vất vả khó khăn gì trong cuộc sống, tính cách của cha mẹ.

Nhu cầu trao đổi thông tin, tình cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa con cái với cha mẹ có một ý nghĩa rất lớn, nó ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý của các em đang bước vào độ tuổi dậy thì, sự gắn bó và hạnh phúc của gia đình.

1.4.3. Nhu cầu sử dụng phương tiện giao tiếp khác nhau

Để giao tiếp với cha mẹ đạt được hiệu quả, học sinh cần sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) và các phương tiện phi ngôn ngữ (nét mặt, cử chỉ, điệu bộ...), trong đó phương tiện ngôn ngữ là chủ yếu để trao đổi thông tin cho nhau. [1]

Về phương tiện ngôn ngữ, học sinh sử dụng ngôn ngữ nói và viết để giao tiếp với cha mẹ. Tuy nhiên, khi sử dụng ngôn ngữ nói, học sinh cần quan tâm đến nội dung lời nói, vốn từ, cấu trúc câu, giọng điệu khi giao tiếp với cha mẹ. Về ngôn ngữ viết, học sinh cần quan tâm đến ngữ pháp và đặc biệt là chính tả. Như vậy, học sinh có thể giao tiếp với cha mẹ thông qua: Giao tiếp trực tiếp, sử dụng điện thoại, mạng xã hội, viết thư…

Về phương tiện phi ngôn ngữ khi sử dụng trong giao tiếp, học sinh cần quan tâm đến hành vi, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, cách ăn mặc khi giao tiếp với cha mẹ để giao tiếp được hiệu quả. Nhu cầu sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp với cha mẹ là yếu tố cần thiết. Vì nó giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, hoạt động giao tiếp có sức lôi cuốn, hấp dẫn, đạt hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ nhu cầu giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học cơ sở huyện bình chánh, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)

w