3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
1.2.3.1. Cấu trúc hình thức pháp luật về giới hạn tựdo hợpđồng trong hoạtđộng
Trong phạm vi nghiên cứu, luận án tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng nói chung và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng. Các quy định liên quan đến vấn đề này được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Nhìn chung hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chứa đựng các quy phạm pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là khá toàn diện và đầy đủ, cụ thể là:
Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất quy định những vấn đề về/liên quan đến quyền con người, quyền tự do kinh doanh. Lần đầu tiên, trong Hiến pháp (1992), quyền tự do kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 57: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Hiến pháp (2013) cũng khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật
không cấm”. Các quy định của Hiến pháp đóng vai trò là những cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu đảm
bảo cho công dân được tự do kinh doanh, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự giới hạn của pháp luật đối với quyền tự do đó. Điều này được thể hiện ở những cụm từ như: “theo quy định của pháp luật” hoặc
“trongnhững ngành nghề mà pháp luật không cấm” hoặc “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14, Khoản 2, Hiến pháp 2013). Quyền
tự do hợp đồng là một trong những nội dung của quyền tự do kinh doanh. Việc Hiến pháp quy định việc giới hạn quyền tự do kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc đưa ra những giới hạn tự do hợp đồng.
Bộ luật Dân sự (BLDS) là văn bản pháp lý quy định trực tiếp về mọi vấn đề, khía cạnh liên quan đến hợp đồng và được gọi là luật chung. Vì vậy quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng nói chung được ghi nhận trong BLDS có tính chất bao quát thể hiện ở nhiều khía cạnh liên quan đến chủ thể, nội dung và hình thức hợp đồng. Trong mỗi khía cạnh đó lại có những quy định cụ thể, yêu cầu chủ thể hợp đồng phải tuân thủ khi giao kết và xác lập hợp đồng. Hợp đồng trong hoạt động thương mại là một loại hợp đồng, vì vậy quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng được quy định trong BLDS cũng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong hoạt động thương mại.
Hợp đồng trong hoạt động thương mại tương đối đa dạng, phong phú bởi lĩnh vực thương mại là một lĩnh vực có tính chất đặc thù. Hoạt động thương mại rộng lớn bao trùm lên nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại… Ngoài Hiến pháp và BLDS, hợp đồng trong hoạt động thương mại và những giới hạn của nó được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật như: LTM (2005), Luật Đầu tư (2020), Luật Cạnh tranh (2020 ), Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (2010), Luật Điện lực (2004), Luật Giao dịch Điện tử (2005), Luật Hàng không dân dụng (2015), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009), Luật Kinh doanh bất động sản (2014), Luật Nhà ở (2014), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Công chứng (2014), LDN (2020), Luật Đất đai (2013), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung) năm 2009, Luật Xuất bản (2012), Pháp lệnh Ngoại hối (sửa đổi, bổ sung) năm 2013, … Ngoài ra, quy định pháp luật về giới hạn quyền tự do hợp đồng còn được ghi nhận và giải thích cụ thể trong một số văn bản hướng dẫn thi hành đang có hiệu lực pháp luật như: Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/1/2021 về đăng ký doanh nghiệp cũng quy định nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của Hộ kinh doanh; Nghị định số 35/2006/NĐ- CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ quy định chi tiết LTM về hoạt động nhượngquyền thương mại; Nghị định số 31/2021/NĐ - CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 của Chính phủ đã quy định về hàng hóa, dịch vụ; Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20-8-2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-1- 2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch…… Luật và văn bản hướng hướng dẫn thi hành nói trên là những văn bản pháp luật chuyên ngành, góp phần quan trọng điều chỉnh hoạt động thương mại và giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Những văn bản pháp luật chuyên ngành này chính là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định cơ bản trong Hiến pháp (2013) và luật chung (BLDS); đồng thời nội dung của các văn bản đó không được trái hoặc mâu thuẫn với Hiến pháp và BLDS. Khi áp dụng pháp luật, nếu luật chung và luật chuyên ngành cùng điều chỉnh một vấn đề, thì trước hết cần ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Những vấn đề nào không được luật chuyên ngành quy định thì áp dụng các quy định của luật chung. Giữa luật chung và văn bản pháp luật chuyên ngành đều chứa đựng các quy phạm pháp luật về việc giới hạn tự do hợp đồng ở phạm vi, mức độ khác nhau nhưng nội dung của các điều khoản trong các văn bản pháp luật này đều có gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau trong việc điều chỉnh giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.