3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
3.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về giới hạn tựdo hợpđồng trong
3.1. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIỚI HẠN TỰ DO HỢP ĐỒNGTRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
Theo quan điểm của NCS, việc hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam cần được thực hiện theo phương hướng sau đây:
3.1.1. Kế thừa các nội dung còn phù hợp và khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại
Quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng nói chung được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật ở các thời kỳ khác nhau. Một số quy định pháp luật hợp lý vẫn còn được giữ lại trong các văn bản pháp lý có liên quan. Một số quy định pháp luật về vấn đề này đã bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Nhìn chung, các quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng ở nước ta đã thể hiện được sự linh hoạt, không nhằm mục đích hạn chế quyền con người một cách tuyệt đối. Các quy định này đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì trật tự trong quan hệ hợp đồng cũng như bảo vệ được lợi ích của các bên tham gia hợp đồng, lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của các chủ thể có liên quan và lợi ích chung của toàn xã hội. Vì vậy, những quy định pháp luật có nội dung phù hợp với thực tiễn cần tiếp tục được ghi nhận trong các văn bản pháp luật trong giai đoạn mới. Đến nay, quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng nói chung, hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng, đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: BLDS (2015), LTM (2005), Luật Cạnh tranh (2018), Luật Đầu tư (2020), Luật Đất đai (2013), Luật Kinh doanh bất động sản (2014), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 2009), Luật Giá (2012)…. và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác. Quy định về giới hạn tự do hợp đồng có xu hướng mở rộng phạm vi hơn so với trước đây. Các văn bản pháp luật này ít hay nhiều đều có sự kế thừa những quy định pháp luật được xác định là còn phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh việc kế thừa những nội dung pháp luật phù hợp, những nội dung pháp luật chưa phù hợp cũng cần phải được khắc phục kịp thời theo hướng sau:
Một là, cần đảm bảo hiệu quả điều chỉnh pháp luật lên các quan hệ xã hội trong đó có quan hệ hợp đồng. Pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh và tác động lên quan hệ xã hội, đảm bảo cho quan hệ xã hội ấy phát triển trong trật tự nhất định phù hợp với ý chí của Nhà nước. Quy định pháp luật đưa ra những giới hạn tự do hợp đồng cũng nhằm mục đích này, bởi quy định pháp luật phù hợp với đời sống xã hội sẽ phát huy được hiệu quả khi tác động đến quan hệ xã hội có liên quan.
Hai là, cần tiếp tục khắc phục và kịp thời tháo gỡ những chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật về vấn đề này. Sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho việc áp dụng, thực thi các quy định pháp luật trong giải quyết vụ việc còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không biết lựa chọn quy định nào để giải quyết. Vì vậy, vấn đề này khi được phát hiện cần được phân tích, đánh giá để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp và đồng bộ với những yếu tố khác.
Ba là, cần tiếp tục dung hòa quyền, lợi ích của các bên trong hợp đồng với lợi ích của các chủ thể có liên quan. Khi giao kết và xác lập hợp đồng, các chủ thể đều hướng tới lợi ích cụ thể của bản thân. Trong nhiều trường hợp, lợi ích của các bên lại có liên quan đến lợi ích của các chủ thể khác, của người thứ ba, của người tiêu dùng hoặc lợi ích của quốc gia. Lợi ích mà chủ thể hợp đồng đạt được phải phù hợp, cân bằng với lợi ích chung của chủ thể khác; không thể vì lợi ích riêng của mình mà làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các chủ thể khác.
Nhìn chung, việc hoàn thiện quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Việc hoàn thiện này đòi hỏi vừa phải có tính kế thừa, phát triển những nội dung phù hợp và vừa phải có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, bất cập có liên quan. Thực hiện tốt hai nội dung này, quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng nói chung ở Việt Nam sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, thúc đẩy giao lưu dân sự và hoạt động thương mại ngày càng phát triển trong thời gian tới.
3.1.2. Thiết lập sự thống nhất của hệ thống pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại
Cho tới nay, giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại được quy định trong nhiều văn bản pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, sự thiếu
thống nhất trong một số văn bản pháp luật về vấn đề này là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất trong các quy định pháp luật về/liên quan đến giới hạn tự do hợp đồng thì việc áp dụng, thực thi pháp luật sẽ không đạt hiệu quả, kìm hãm sự phát triển của hoạt động thương mại. Tính thống nhất còn là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc tạo ra sự thống nhất của hệ thống pháp luật về giới hạn tự hợp đồng nói chung là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Theo từ điển tiếng Việt, “thống nhất là làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau”106. Trên sở sở khái niệm trên, có thể hiểu tính thống nhất về vấn đề này được thể hiện dưới hai góc độ sau đây:
Dưới góc độ chung, tính thống nhất của hệ thống pháp luật được thể hiện trong mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa ngành luật với ngành luật, giữa chế định pháp luật với chế định pháp luật, giữa các quy phạm pháp luật trong cùng một chế định pháp luật. Giữa các quy định này không được có hiện tượng trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn với nhau. Để đạt được hiệu quả này, khi các văn bản pháp luật được ban hành không chỉ đảm bảo sự hài hòa, thống nhất về nội dung mà còn phải đảm bảo tính thứ bậc, vị trí của mỗi văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật.
Dưới góc độ riêng, tính thống nhất trong quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng được thể hiện trong mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật có liên quan trong cùng hệ thống pháp luật. Giới hạn tự do hợp đồng là một trong những khía cạnh thể hiện quy định pháp luật trong việc giới hạn quyền con người. Trong khi đó, Hiến pháp (2013) là văn bản pháp lý cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam có những quy định về đảm bảo quyền con người. Vì vậy, quy định giới hạn quyền con người được thể hiện dưới góc độ giới hạn tự do hợp đồng cần có sự phù hợp với Hiến pháp và không được trái với Hiến pháp. Quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong giao lưu dân sự và trong hoạt động thương mại được ghi nhận trực tiếp trong các văn bản luật như BLDS (2015), LTM (2005), Luật Đất đai (2013), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 2009)….và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính thống nhất đòi hỏi giữa các văn bản luật với văn bản luật; giữa các quy định trong cùng một văn bản luật hoặc trong cùng văn bản dưới luật (Nghị định)
phải có sự phù hợp, đồng bộ, không mâu thuẫn, không chồng chéo nhau. Có như vậy việc thực hiện, triển khai các quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng của các chủ thể, của cơ quan thực thi pháp luật mới được thuận lợi và dễ dàng. Công tác giải quyết các tranh chấp thương mại cũng mới có cơ sở pháp lý thống nhất góp phần giải quyết các vấn đề có liên quan một cách nhanh chóng, đảm bảo kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên.
3.1.3. Bảo đảm sự tương thích pháp luật Việt Nam về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại với pháp luật của các nước khác trên thế giới
Hội nhập kinh tế quốc tế là thách thức và cũng là cơ hội đối với mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của tiến trình hội nhập, Đại hội lần thứ IX của Đảng lần đầu tiên đưa ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Đến nay đã có nhiều Nghị quyết và Chỉ thị được Đảng và Nhà nước ta đưa ra nhằm cụ thể hóa chủ trương và đường lối của Đảng tại Đại hội lần thứ IX, thí dụ như Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Thông qua những văn bản này, mặc dù cũng nhận thức được những khó khăn và thách thức đối với Việt Nam, nhưng Đảng, Nhà nước ta quyết tâm lựa chọn và xác định hội nhập kinh tế quốc tế là hướng đi đúng đắn, sáng suốt để phát triển nền kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm tới. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên của một số tổ chức quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Nước ta còn tham gia ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…. Điều này tạo ra tiền đề quan trọng
giúp nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Hoạt động thương mại phát triển, nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ở Việt Nam đã xuất hiện những chủ thể kinh doanh (nhà đầu tư) từ nhiều nước và khu vực khác nhau. Hợp đồng trong hoạt động thương mại không còn bị bó hẹp giữa các chủ thể mang quốc tịch Việt Nam, mà còn được ký kết và xác lập bởi chủ thể mang quốc tịch Việt Nam với chủ thể là người nước ngoài. Trước tình hình này, hệ thống pháp luật của Việt Nam (trong đó có các quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng) cần có những thay đổi, sửa đổi, bổ sung cụ thể nhằm đảm bảo sự tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập. Sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung này cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu như sau:
Một là, cần tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể tham gia hợp đồng, nhất là trong trường hợp chủ thể hợp đồng là người nước ngoài. Việc giới hạn tự do hợp đồng được đưa ra đồng thời được áp dụng với tất cả chủ thể khi giao kết hợp đồng tại Việt Nam. Các chủ thể này có nghĩa vụ tuân theo những giới hạn mà pháp luật đã quy định khi giao kết và xác lập hợp đồng trên lãnh thổ Việt Nam. Giữa các chủ thể có sự bình đẳng trong việc thực hiện quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.
Hai là, pháp luật của Việt Nam về giới hạn tự do hợp đồng cần có sự phù hợp, không mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và cam kết thực hiện. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu có sự mâu thuẫn và chồng chéo thì sẽ gây khó khăn cho các bên trong việc áp dụng và thực hiện các quy định pháp luật. Điều này cũng gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp, xung đột. Quan điểm về giới hạn tự do hợp đồng của các quốc gia có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác nhau; thí dụ như: đối với cùng một nội dung liên quan đến hợp đồng, nhưng quốc gia này này đưa ra giới hạn tự do hợp đồng, quốc gia khác thì không. Khi đó các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật ở khía cạnh này mang tính chất tương đối. Trong trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác thì cần có hướng dẫn thi hành cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.
Ba là, cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm trong quy định pháp luật của một số tổ chức quốc tế, của một số quốc gia về giới hạn tự do hợp đồng trong giao dịch dân sự nói chung, trong hoạt động thương mại nói riêng. Đây cũng là hướng đi quan trọng góp phần đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với thông lệ quốc tế về vấn đề này. Việc tham khảo và học hỏi có tính chất chọn lọc, tiếp thu những nội dung phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bảo lưu được những nét riêng có của Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với thể chế chính trị, nền kinh tế, xã hội của Việt Nam
3.2. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIỚI HẠN TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM.
NCS cho rằng để hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam, cần phải thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
3.2.1. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến chủ thể hợp đồng
BLDS (2015) và LTM (2005) đóng vai trò là những cơ sở pháp lý quan trọng quy định việc giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Quá trình áp dụng các quy định này trên thực tế đã cho thấy những ưu điểm, hạn chế, bất cập còn tồn tại. Để khắc phục những điểm hạn chế này, quy định pháp luật hiện hành cần được tiến hành sửa đổi, bổ sung theo các giải pháp sau đây:
- Một là, Chương IV – Pháp nhân trong BLDS (2015) cần bổ sung thêm quy định về năng lực chủ thể của pháp nhân. Theo quan điểm của NCS, việc bổ sung quy định này là cần thiết bởi trên thực tế cần phải xác định pháp nhân có vi phạm năng lực chủ thể hay không. Theo đó, việc bổ sung năng lực chủ thể của pháp nhân có thể được thể hiện theo hướng “năng lực chủ thể của pháp nhân bị giới hạn trong khuôn khổ các hành vi cần thiết phải thực hiện để hoàn tất mục đích hoạt động của pháp nhân theo quy định của pháp luật và các hành vi bổ sung cho các mục đích này, phù hợp với các quy tắc áp dụng cho từng pháp nhân”. Trong pháp luật của một số quốc gia hiện nay cũng đặt ra quy định về năng lực chủ thể của pháp nhân, ví dụ BLDS của Pháp (sửa đổi, bổ sung ngày 10/2/2016) quy định năng lực chủ thể (bao gồm năng lực pháp luật - capacité de jouissance và năng lực hành vi - capacité d’exercice) của cá nhân và pháp nhân khi giao kết hợp đồng. Như vậy, trong quan
hệ pháp luật nói chung (quan hệ hợp đồng), pháp nhân được giao kết hợp đồng trong