Có thể nhận thấy vai trò của văn hóa vùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và hoạt động ĐMST nói riêng là vô cùng quan trọng. Hệ thống văn hóa
68
của Hofstede được nhóm tác giả áp dụng để chỉ ra các đặc điểm văn hóa vùng ảnh hưởng đến hoạt động các doanh nghiệp tại Việt Nam, cụ thể là ĐMST. Trước hết, các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng triển khai tinh thần chủ nghĩa tập thể cao hơn so với các nhà quản trị tại các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ (Ralston & cộng sự, 1999). Bên cạnh đó, đặc trưng của người Việt Nam trong công việc như hòa thuận, có lối suy nghĩ tập thể và mong muốn đưa ra quyết định có lợi cho cả tập thể thay vì mục đích cá nhân cũng tạo nên văn hóa vùng đặc trưng của doanh nghiệp Việt (Nguyen & Mujtaba, 2011). Hofstede nhận định rằng nền văn hóa Việt Nam tồn tại khoảng cách quyền lực rất lớn, có thể được chứng minh bởi mô hình chung của hệ thống ra quyết định tập trung tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều do các nhà lãnh đạo và các nhà quản trị cấp cao thực hiện (Napier, 2006). Bên cạnh đó, mặc dù từng bước đã xóa bỏ bất bình đẳng giới trong thế hệ trẻ Việt Nam, tại các doanh nghiệp Việt Nam, các vị trí chủ chốt trong ban điều hành phần lớn vẫn do nam giới nắm giữ và người lao động Việt Nam vẫn ngầm chấp nhận sự chênh lệch về mức lương và phúc lợi giữa hai nhóm giới tính này (Knodel & cộng sự, 2004). Chỉ số trung bình về thái độ né tránh rủi ro (Sower & Sower, 2004) cho thấy người Việt Nam kể cả các nhà quản trị doanh nghiệp trong nước có mức độ e ngại rủi ro nhất định, trì hoãn việc ra quyết định tạm thời khi không chắc chắn và có xu hướng bác bỏ những ý kiến hoặc hành vi không có tiền lệ, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, người Việt Nam lại khá linh hoạt và dễ thích ứng với môi trường thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Về định hướng dài hạn, số điểm 57 mà Việt Nam nhận được có thể coi là khá thấp so với các nước khác thuộc nền văn hóa Đông Á như Trung Quốc là 87, Nhật Bản là 88, Đài Loan là 93 (Hofstede Insights, 2021). Tuy không phải là một nền văn hóa ngắn hạn hoàn toàn nhưng người Việt Nam cũng không quá coi trọng sự dài hạn và có thể coi Việt Nam là một nền văn hóa thực dụng. Trong các xã hội với định hướng thực dụng, con người ta tin rằng sự thật phụ thuộc rất nhiều vào tình huống, bối cảnh và thời gian. Người Việt Nam cho thấy khả năng thích ứng truyền thống dễ dàng cùng với các điều kiện thay đổi, xu hướng tiết kiệm và đầu tư mạnh mẽ, tiết kiệm và kiên trì để đạt được kết quả (Sower & Sower, 2004). Cuối cùng, văn hóa Việt Nam được cho là gò bó với số điểm được đánh giá thấp đối với khía cạnh Thoải mái/Gò bó. Người Việt Nam có xu hướng hoài nghi và bi quan, không chú
69
trọng quá nhiều vào việc giải trí, thư giãn và chấp nhận bị giới hạn hành động bởi những quy tắc và chuẩn mực xã hội.
Hình 4: So sánh 6 yếu tố đặc trưng văn hóa quốc gia giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam
Nguồn: hofstede-insights.com
Từ những phân tích trên, nhóm tác giả nhận thấy văn hóa vùng từng bước có tác động sâu rộng từ bản thân từng nhân sự của doanh nghiệp. Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng. Văn hóa doanh nghiệp là một bộ phận nền tảng liên quan đến giá trị và chuẩn mực văn hóa trong văn hóa dân tộc, địa phương và văn hóa vùng. Mọi cá nhân trong văn hóa doanh nghiệp đều chịu tác động của các giá trị văn hóa vùng. Cho nên, văn hóa vùng phản chiếu lên văn hóa doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu. Văn hóa vùng tạo lập cho lãnh đạo các doanh nghiệp tại đó phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp từng nhân viên phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong thực tiễn.